WHO: Việt Nam chống Covid-19 theo phương thức đa ngành và toàn xã hội
(Dân trí) - Trước diễn biến mới của dịch, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới nhấn mạnh, Việt Nam cần chuẩn bị ứng phó thật tốt với những tác động tiềm tàng của Covid-19 đối với hệ thống y tế.
Việt Nam cũng như nhiều nước trong khu vực đang phải đối mặt với làn sóng thứ hai của đại dịch Covid-19.
Số ca mắc mới đã tăng vọt từ sau khi ghi nhận trường hợp nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, tại Đà Nẵng, vào ngày 25/7. Đến nay, tổng số bệnh nhân Covid-19 tại Việt Nam vượt mốc 1.000 người và có đã có ca tử vong.
Với vai trò “nhạc trưởng” trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá thế nào về diễn biến mới của dịch Covid-19 tại Việt Nam, cũng như hiệu quả của các biện pháp chống dịch đã được Chính phủ thực hiện?
Dân trí đã có cuộc phỏng vấn với TS Kidong Park, Trưởng Đại diện WHO Việt Nam, để làm rõ vấn đề này.
Duy trì sức khỏe thể chất và tinh thần cho nhân viên y tế
Sau khi cơ bản khống chế được Covid-19 và trải qua 99 ngày không có ca bệnh trong cộng đồng, Việt Nam lại đứng trước làn sóng tiếp theo của dịch. Ông đánh giá như thế nào về diễn biến của dịch Covid-19 trong giai đoạn mới tại Việt Nam?
Ca bệnh đầu tiên trong đợt dịch bùng phát trở lại gần đây được phát hiện tại bệnh viện thông qua hệ thống giám sát các bệnh viêm phổi nặng do virus gây ra. Đây là một hợp phần của hệ thống giám sát quốc gia nhằm phát hiện càng sớm càng tốt các bệnh dễ bùng phát thành dịch để ứng phó hiệu quả hoặc phòng ngừa dịch tốt hơn.
Thật đáng tiếc khi Việt Nam đã có người tử vong trong giai đoạn dịch quay trở lại. Những trường hợp này đều là người có bệnh lý nền như suy thận, suy tim, đái tháo đường hoặc các bệnh ác tính khác.
Tuy nhiên, chúng ta cũng thấy rằng, nhìn chung phổ lâm sàng của đợt dịch này không thay đổi so với các đợt bùng phát dịch trên thế giới cho tới thời điểm hiện nay – đa số người mắc bệnh nhẹ hoặc không có triệu chứng, và khoảng 5% người mắc bệnh nặng hoặc nguy kịch.
Tại Việt Nam, Covid-19 đã tấn công vào các bệnh viện. Bệnh nhân đang điều trị và nhân viên y tế đã trực tiếp trở thành nạn nhân của dịch. Ông đánh giá thế nào về vấn đề này?
Chúng ta cần ghi nhận vai trò thiết yếu ở tuyến đầu chăm sóc và điều trị người bệnh của nhân viên y tế. Nhân viên y tế là người chăm sóc trực tiếp người bệnh không chỉ trong bối cảnh dịch Covid-19 mà còn trong toàn bộ các hoạt động chăm sóc sức khỏe nói chung. Song cũng chính vì vậy, nhân viên y tế có nguy cơ bị phơi nhiễm với tất cả các loại bệnh lây truyền.
Thật đáng tiếc khi Việt Nam có nhân viên y tế bị nhiễm Covid-19 trong đợt dịch này.
Tuy nhiên, thực tế này cũng đã nhắc nhở chúng ta rằng, phòng ngừa lây nhiễm tại các cơ sở y tế là rất quan trọng và cần phải thực hiện trong mọi thời điểm, không phải chỉ trong lúc có dịch.
Vậy theo ông, Việt Nam cần làm gì để bảo vệ lực lượng tuyến đầu này trước nguy cơ bị lây nhiễm chéo Covid-19?
Khuyến nghị của WHO về các biện pháp phòng chống lây nhiễm Covid-19 trong các cơ sở y tế không thay đổi – đề phòng tiếp xúc và giọt bắn kết hợp với việc đảm bảo tiêu chuẩn và các biện pháp kiểm soát hành chính, kỹ thuật và môi trường. WHO cũng khuyến nghị áp dụng các biện pháp đề phòng lây nhiễm qua đường không khí ở trong môi trường có áp dụng các quy trình và biện pháp điều trị tạo ra các hạt bắn siêu nhỏ, ví dụ như đặt nội khí quản.
Trong bối cảnh này, việc sử dụng đồ bảo hộ cá nhân đúng cách là rất quan trọng, đặc biệt mặc đồ bảo hộ cá nhân phù hợp trong môi trường bệnh viện, cơ sở y tế và chú ý đặc biệt đến quy trình mặc và cởi đồ bảo hộ cá nhân đúng cách và tuân thủ các biện pháp vệ sinh tay và các phòng chống lây nhiễm khác.
Nếu áp dụng tổng hợp các biện pháp đề phòng này một cách nhất quán và đúng cách thì nguy cơ lây nhiễm cho nhân viên y tế sẽ được giảm đáng kể hoặc có thể giúp nhân viên y tế tránh bị lây nhiễm.
Cuối cùng, do nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân Covid-19 thường phải làm việc trong thời gian dài, mệt mỏi, kiệt sức, bị kỳ thị và tổn thương về thể chất và tinh thần trong quá trình chăm sóc người bệnh, chúng ta cần phải nỗ lực để duy trì sức khỏe thể chất và tinh thần cho nhân viên y tế, cũng như đảm bảo chất lượng dịch vụ y tế.
Tổng kết lại, WHO khuyến nghị áp dụng các biện pháp phòng chống lây nhiễm phối hợp với các biện pháp an toàn và sức khỏe nghề nghiệp, hỗ trợ tâm lý – xã hội, duy trì số lượng nhân sự cần thiết, và luân phiên cán bộ lâm sàng nhằm giảm nguy cơ kiệt sức, tạo môi trường làm việc an toàn, tốt cho sức khỏe và đảm bảo quyền lợi của nhân viên y tế được có các điều kiện làm việc tốt.
Việt Nam chống Covid-19 chủ động, quyết liệt
Ông đánh giá thế nào về những giải pháp chống dịch Covid-19 mà Chính phủ Việt Nam đã thực hiện?
Việt Nam cam kết mạnh mẽ trong công tác kiểm soát đợt dịch mới này và đã thực hiện các biện pháp y tế công cộng chủ động và quyết liệt theo phương thức tiếp cận đa ngành và toàn xã hội.
Việt Nam luôn cảnh giác trước Covid-19, và điều này được thể hiện rõ trong công tác ứng phó ngay lập tức đối với đợt dịch gần đây.
Các bạn đã và đang tăng cường hệ thống giám sát dựa trên nhiều nguồn thông tin, để phát hiện các ca bệnh mới nhanh nhất có thể. Sau khi phát hiện ca bệnh đầu tiên, chúng tôi ghi nhận Chính phủ đã cảnh báo toàn bộ hệ thống y tế trên toàn quốc và kích hoạt hệ thống ứng phó nhanh nhằm phát hiện và điều tra các ca bệnh, truy vết người tiếp xúc, cách ly người mắc bệnh và các trường hợp tiếp xúc gần.
Cần chuẩn bị cho cuộc chiến chống dịch có thể phải kéo dài
Cân bằng giữa kiểm soát Covid-19 và phát triển kinh tế xã hội là mục tiêu mà các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đều hướng đến. WHO khuyến nghị như thế nào về chiến lược chống dịch trong tình hình mới để có thể hoàn thành mục tiêu kép này, thưa ông?
Tình hình hiện tại trong khu vực không chỉ đơn giản là về việc dịch gia tăng trở lại. Chúng tôi tin rằng, chúng ta đã bước vào một giai đoạn mới của đại dịch ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương.
Trong giai đoạn này, các quốc gia đang ngày càng có khả năng giảm thiểu sự gián đoạn ở quy mô lớn đối với đời sống của người dân và các nền kinh tế bằng cách kết hợp phát hiện sớm và ứng phó nhanh với gia tăng lây nhiễm, và người dân đang tuân thủ chặt chẽ các biện pháp phòng ngừa như một phần của trạng thái “bình thường mới”.
Trong tương lai – một khi virus còn lưu hành và người dân chưa được miễn dịch – chúng ta cần phải sống theo phương thức bảo vệ sức khỏe cộng đồng, song song với việc cho phép xã hội và kinh tế phục hồi lại như bình thường ở một mức độ nào đó.
Chúng ta cần phải tiếp tục tinh chỉnh, học hỏi và điều chỉnh sự ứng phó của mình để có đạt được trạng thái “bình thường mới” bền vững, bởi vì chúng ta có nhiều khả năng phải sống chung với Covid-19 trong tương lai.
Một số những điều chỉnh bao gồm: nhắm tới mục tiêu lớn hơn và bắt đầu áp dụng sớm hơn các biện pháp kiểm soát đi lại tại địa phương có dịch và các can thiệp y tế công cộng.
Đây là những gì mà chúng ta đã và đang thấy được áp dụng tại một số vùng ở Việt Nam. Cách tiếp cận này có thể sẽ có tính hiệu quả hơn và giảm thiểu được những gián đoạn xã hội cũng như những tác động đối với các nền kinh tế.
Trước diễn biến dịch Covid-19 hiện tại, khuyến cáo của ông đối với chính phủ và người dân Việt Nam là gì?
Việt Nam cần đánh giá nguy cơ và điều chỉnh các biện pháp xã hội dựa trên các thông tin khoa học cập nhật để đạt được mục tiêu kép là kiểm soát dịch song song với phục hồi kinh tế.
Chúng tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng, cuộc chiến này có thể còn kéo dài hơn nữa. Như trong làn sóng Covid-19 trước, Việt Nam cần chuẩn bị ứng phó với những tác động tiềm tàng của đợt dịch đối với hệ thống y tế của Việt Nam:
- Cần xem xét dịch vụ y tế an toàn và có chất lượng về lâu dài. Các cơ sở y tế và cán bộ y tế có thể sẽ bị quá tải do nhu cầu ứng phó Covid-19, nếu như số ca bệnh tăng thêm trong giai đoạn tới.
- Duy trì dịch vụ y tế thường quy, như tiêm chủng hay chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em hay sàng lọc và điều trị cho các bệnh khác.
Đối với các cá nhân, cách tốt nhất để bảo vệ bản thân và người khác khỏi Covid-19 vẫn là tiếp tục thực hành những biện pháp phòng ngừa như vệ sinh tay và quy tắc che miệng khi ho.
Chúng tôi cũng khuyến cáo tránh những môi trường sau, đặc biệt ở những khu vực đã phát hiện các ca mắc bệnh: (1) không gian kín, thông gió kém; (2) nơi tập trung đông người; và (3) nơi mọi người tiếp xúc gần nhau, chẳng hạn như giao tiếp và trò chuyện trong khoảng cách gần.
Xin cảm ơn ông!