Whitmore bùng phát tại miền Trung: Đi khám ngay nếu có các triệu chứng này

Minh Nhật

(Dân trí) - Trong trường hợp Whitmore bị bỏ sót hoặc điều trị nhầm theo hướng nhiễm trùng thông thường, bệnh có thể tiến triển kéo dài, dai dẳng và gây ra các biến chứng nặng nề, thậm chí là tử vong.

Tỷ lệ tử vong do Whitmore lên đến 40% nếu phát hiện muộn

Sau những đợt bão lũ kéo dài, tại các tỉnh thành miền Trung ghi nhận số ca bệnh Whitmore tăng vọt. Whitmore thường gây nên các tổn thương nặng nề trên cơ thể bệnh nhân, việc điều trị khó khăn đã dẫn đến tâm lý hoang mang trong cộng đồng.

Whitmore bùng phát tại miền Trung: Đi khám ngay nếu có các triệu chứng này - 1

Bệnh Whitmore thường gặp nhất vào mùa mưa và ở các nơi nguồn nước bị ô nhiễm như khu vực ngập lụt

Lý giải về nguyên nhân bệnh Whitmore bùng phát mạnh ở vùng chịu tác động của mưa lũ, Ths.Bs Trần Thị Hải Ninh, Trưởng khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương, cơ sở Đông Anh nói: “Vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei gây bệnh Whitmore sống trên bề mặt nước, và trong đất, đặc biệt là bùn đất. Vi khuẩn này lây sang người thông qua vết trầy xước trên da hoặc qua đường hô hấp, khi hít phải các hạt bụi đất hoặc giọt nước li ti trong không khí có chứa vi khuẩn. Vì vậy, bệnh thường gặp nhất vào mùa mưa và ở các nơi nguồn nước bị ô nhiễm như khu vực ngập lụt”.

Whitmore bùng phát tại miền Trung: Đi khám ngay nếu có các triệu chứng này - 2

Bệnh nhân Whitmore điều trị tại Khoa Hồi sức Cấp cứu, Bệnh viện Trung ương Huế 

Theo BS Ninh, Whitmore là một bệnh lý nhiễm trùng khá nguy hiểm. Khi xâm nhập vào cơ thể, vi khuẩn gây bệnh có thể làm hoại tử và chết các mô trong cơ thể. Đây cũng là nguyên nhân khiến Whitmore thường được người dân gọi với cái tên “ăn thịt người”.

Bệnh nhân Whitmore phải đối mặt với những tổn thương nghiêm trọng như: viêm loét hay khối áp xe ngoài da, hoại tử cánh mũi; nhiễm trùng máu, các ổ áp xe ở gan, lách…

Whitmore bùng phát tại miền Trung: Đi khám ngay nếu có các triệu chứng này - 3

Dạng tổn thương điển hình của bệnh Whitmore là gây viêm, hoại tử sau đó hình thành ổ áp xe

“Nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời, dùng đúng thuốc thì tỷ lệ tử vong có thể lên tới 40%”, BS Ninh nhấn mạnh.

 Những dấu hiệu cảnh báo bệnh Whitmore

Một nguyên nhân khác khiến Whitmore trở nên nguy hiểm, theo BS Ninh, chính là việc dấu hiệu ban đầu của bệnh dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác nên rất khó phát hiện.

Lấy ví dụ, ở thể nhẹ, bệnh nhân chỉ sốt hoặc viêm tuyến nước bọt mang tai, đây là triệu chứng thường gặp ở ca bệnh trẻ em và rất dễ bị nhầm với quai bị. Một số trường hợp lại chỉ xuất hiện viêm da và người dân thường chủ quan nghĩ là nhiễm trùng đơn giản nên không đi điều trị, hoặc tự đắp thuốc nam.

Whitmore bùng phát tại miền Trung: Đi khám ngay nếu có các triệu chứng này - 4

Bệnh nhi bị áp xe tuyến mang tai do Whitmore được điều trị tại Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Trung ương Huế

Thực tế tại Bệnh viện Trung ương Huế, các bệnh nhân Whitmore nhập viện chủ yếu đều ở giai đoạn muộn của bệnh. Lúc này đã có tình trạng nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn hoặc suy đa tạng..., điều trị khó khăn, chi phí điều trị cao nhưng kết quả không khả quan.

Để nâng cao hiệu quả điều trị, BS Ninh khuyến cáo, người dân cần phải đặc biệt chú ý những dấu hiệu cảnh báo bệnh Whitmore ở giai đoạn đầu.

Cụ thể, người mắc bệnh Whitmore thường sẽ có dấu hiệu sốt cao, đau dạ dày, viêm mang tai (rất giống với quai bị), đau cơ khớp, đau đầu và co giật, triệu chứng viêm phổi (ho, khó thở, đau ngực), nhiễm trùng trên da với các dấu hiệu đau hoặc sưng, loét và áp xe.

Nếu có các triệu chứng này, người dân nên đi khám ngay khi có thể để được làm xét nghiệm giúp chẩn đoán chính xác bệnh.

Chuyên gia cũng khuyến cáo, phòng bệnh là yếu tố được đặt lên hàng đầu. Cần hạn chế tiếp xúc với những môi trường mà mầm bệnh thường trú ngụ. Trong trường hợp buộc phải tiếp xúc thì cần chú ý đảm bảo vệ sinh và an toàn lao động như đi ủng, đeo găng, băng bó các vết thương hở, bởi đây là con đường để Whitmore xâm nhập vào. Sau khi tiếp xúc cần sát khuẩn chân tay bằng xà phòng hoặc dung dịch diệt khuẩn.

Tại Bệnh viện Trung ương Huế từ 2014-2019 có khoảng 83 trường hợp được chẩn đoán Whitmore (cấy bệnh phẩm dương tính với Burkholderia Pseudomallei – vi khuẩn gây bệnh Whitmore). Từ tháng 1 đến tháng 9/2020 có 11 bệnh nhân. Riêng từ tháng 10 đến giữa tháng 11 có 28 bệnh nhân.

Trong các bệnh nhân nhập viện có 50% bệnh nhân đến từ các tỉnh miền Trung là Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị... và 50% đến từ tỉnh Thừa Thiên Huế (các huyện Phú Lộc, Phú Vang, Quảng Điền, Phong Điền, thị xã Hương Thủy).