Whitmore quay trở lại: Hiểu đúng về bệnh để bảo vệ bản thân và gia đình
(Dân trí) - Biểu hiện lâm sàng của bệnh Whitmore rất đa dạng và dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác như quai bị, viêm da. Khi bị bỏ sót hoặc điều trị nhầm, bệnh có thể gây biến chứng nặng nề, thậm chí tử vong.
Sau một thời gian vắng bóng, bệnh Whitmore có dấu hiệu quay trở lại mạnh mẽ. Chỉ trong vòng 2 tháng (tháng 7 và tháng 8), nước ta đã ghi nhận 5 ca Whitmore tại Hà Nội, Hòa Bình, Nghệ An, Phú Thọ. Trong số các ca bệnh thậm chí còn có một bé gái 11 tháng tuổi.
Với khả năng gây ra dạng tổn thương đáng sợ trên da thịt, các trường hợp phát hiện được thường đã diễn biến nặng, Whitmore gây không ít hoang mang cho người dân.
Vậy Whitmore có thực sự "ăn thịt người" và vô phương cứu chữa như nhiều người vẫn nghĩ, và đâu là cách tốt nhất để bảo vệ bản thân và gia đình trước căn bệnh này?
PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với ThS.BS Đặng Thị Thúy, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, để "giải mã" bản chất của căn bệnh này.
Người mắc bệnh nền: Đối tượng nhạy cảm nhất với Whitmore
Thời gian vừa qua, nước ta liên tục ghi nhận những ca bệnh Whitmore. Vậy đây có phải là bệnh theo mùa như sốt xuất huyết hay viêm não Nhật Bản không, thưa bác sĩ?
Theo quan sát của chúng tôi trong 3-4 năm trở lại đây, đúng là có hiện tượng các ca mắc Whitmore tăng nhiều hơn vào giai đoạn tháng 7 cho đến cuối năm.
Tuy nhiên, các tài liệu khoa học quốc tế đều khẳng định rằng, Whitmore không phân bố theo mùa mà phân bố rải rác trong năm.
Các ca bệnh Whitmore được ghi nhận ở nước ta trong thời gian vừa qua chủ yếu là trẻ em và người lớn tuổi, vậy đây có phải là những đối tượng “nhạy cảm” với Whitmore không, thưa bác sĩ?
Các thống kê cho thấy, bệnh Whitmore có thể xảy ra ở tất cả các lứa tuổi. Tuy nhiên, có một số đối tượng có nguy cơ dễ mắc bệnh và bệnh dễ tiến triển nặng hơn.
Trước hết, vì môi trường sinh sống trong tự nhiên của vi khuẩn Burkholderia pseudomallei là bùn đất, nước bị ô nhiễm. Do đó, những người thường xuyên làm việc trong môi trường này như người lao động, nông dân có nguy cơ bị nhiễm bệnh cao hơn.
Bên cạnh đó, các đối tượng có cơ địa đặc biệt như người nghiện rượu, người mắc bệnh mạn tính như đái tháo đường, gout, bệnh lý gây suy giảm miễn dịch thì sẽ có nguy cơ bệnh tiến triển nặng hơn.
Trong thời gian công tác tại khoa Cấp cứu, tôi đã từng điều trị 1 bệnh nhân nam mắc Whitmore có cơ địa suy giảm miễn dịch nặng do nghiện rượu. Khi nhập viện, tình trạng của bệnh nhân này đã khá nghiêm trọng, các ổ áp xe đã xuất hiện ở rất nhiều vị trí trong cơ thể bệnh nhân như cơ bắp, chân, tay, phổi, gan.
Whitmore không "ăn thịt người" và có thể điều trị khỏi
Nhắc đến Whitmore, hầu hết mọi người đều có tâm lý hoang mang, lo sợ, vì cho rằng đây là một căn bệnh mới, có khả năng “ăn thịt người” và nguy cơ tử vong rất cao. Bác sĩ đánh giá thế nào về vấn đề này?
Có lẽ người ta đặt tên như vậy dựa vào tổn thương điển hình và hay gặp của bệnh Whitmore là gây viêm, hoại tử sau đó hình thành thành ổ áp xe, mà chúng ta thường gọi là ổ mủ. Trên thực tế, đây là dạng tổn thương có ở nhiều bệnh lý nhiễm trùng gây ra bởi các căn nguyên khác chứ không riêng gì Whitmore.
Whitmore cũng không phải là căn bệnh mới xuất hiện. Theo y văn, loại vi khuẩn gây bệnh này đã được phát hiện từ đầu thế kỷ 20. Tuy nhiên, do Whitmore dễ bị nhầm lẫn với các bệnh vi khuẩn khác, nên trong giai đoạn trước chúng ta ít khi chú ý để sàng lọc nên dễ bỏ sót.
Ngoài ra, Whitmore không phải là bệnh “vô phương cứu chữa” như nhiều người đồn đoán. Trên thực tế, mặc dù chưa có vắc xin phòng bệnh, nhưng Whitmore lại có kháng sinh điều trị đặc hiệu. Thậm chí, thuốc điều trị còn phổ biến ở gần như tất cả các tuyến y tế. Chỉ cần phát hiện và điều trị kịp thời là sẽ khỏi hẳn.
Whitmore nguy hiểm vì dễ bị bỏ sót, chẩn đoán nhầm
Thế nhưng thực tế tại Việt Nam và thế giới vẫn ghi nhận các ca Whitmore nặng và thậm chí là tử vong. Vậy từ góc nhìn chuyên môn, bác sĩ đánh giá điều gì thực sự tạo nên sự nguy hiểm của Whitmore?
Biểu hiện lâm sàng bệnh Whitmore rất đa dạng, từ không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng, đến các biểu hiện như các bệnh nhiễm trùng khác (như các ổ viêm nhiễm khu trú trên da, viêm phế quản phổi, viêm đường tiết niệu, viêm tuyến mang tai…) đến nhiễm khuẩn huyết, hình thành ổ áp xe ở các cơ quan nội tạng trong cơ thể và có thể dẫn đến sốc nhiễm khuẩn. Bệnh không có triệu chứng điển hình, dễ nhầm với các bệnh nhiễm trùng khác , đặc biệt ở giai đoạn đầu.
Lấy ví dụ, ở thể nhẹ, bệnh nhân chỉ sốt hoặc viêm tuyến nước bọt mang tai, đây là triệu chứng thường gặp ở ca bệnh trẻ em và rất dễ bị nhầm với quai bị. Một số trường hợp lại chỉ xuất hiện viêm da và người dân thường chủ quan nghĩ là nhiễm trùng đơn giản nên không đi điều trị, hoặc tự đắp thuốc nam.
Trong trường hợp bị bỏ sót hoặc điều trị nhầm theo hướng nhiễm trùng thông thường, bệnh có thể tiến triển kéo dài, dai dẳng và gây ra các biến chứng nặng nề, thậm chí là tử vong.
Whitmore điều trị chậm trễ có thể gây nguy hiểm, trong khi ở giai đoạn đầu lại không có dấu hiệu, vậy theo bác sĩ đâu là cách tốt nhất để mọi người có thể bảo vệ mình trước căn bệnh này?
Trước hết, phòng bệnh là yếu tố được đặt lên hàng đầu. Chúng ta cần hạn chế tiếp xúc với những môi trường mà mầm bệnh thường trú ngụ. Trong trường hợp buộc phải tiếp xúc như những người lao động chân tay thì cần chú ý đảm bảo vệ sinh và an toàn lao động như đi ủng, đeo găng, băng bó các vết thương hở, bởi đây là con đường để Whitmore xâm nhập vào. Sau khi tiếp xúc cần sát khuẩn chân tay bằng xà phòng hoặc dung dịch diệt khuẩn.
Bên cạnh đó, vì dấu hiệu bệnh không rõ ràng nên khi cơ thể có các triệu chứng bất thường, tốt nhất nên đến thăm khám tại các cơ sở y tế, không nên chủ quan tự điều trị tại nhà.
Xin cảm ơn bác sĩ!