1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Vụ tử vong 2 mẹ con sản phụ: Nhiều uẩn khúc cần làm rõ

(Dân trí) - Hai ngày nay, căn nhà lá xập xệ của mẹ con nạn nhân Trần Thị Phượng bao trùm một không khí tang thương. Con trẻ khóc tìm mẹ. Mẹ già khóc thương tiếc cháu con...

Căn nhà chị Phượng bao trùm một không khí tang tương, còn gái chị khóc tìm mẹ suốt buổi
Căn nhà chị Phượng bao trùm một không khí tang tương, còn gái chị khóc tìm mẹ suốt buổi

Sau cái chết của mẹ con chị Trần Thị Phượng (39 tuổi ở xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang), trao đổi với phóng viên Dân trí, bác sĩ Nguyễn Minh Vũ, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, cho biết: Bệnh nhân Phượng nhập viện trong tình trạng bị ra huyết, mang thai 29 tuần tuổi, có tiền sử bướu cổ từ 3 năm trước. Khi nhập viện các dấu hiệu sinh tồn của mẹ và con đều bình thường, được theo dõi “nhau tiền đạo”.  Nhưng sau đó khám lại thì không phải nhau tiền đạo mà có dấu hiệu khô nước ối, thai nhi có triệu chứng hư, phải bỏ em bé.

Cũng theo bác sĩ Vũ, bác sĩ điều trị chỉ định dùng thuốc chấm dứt thai kỳ cho em bé bằng đường sinh thường. Đến 0h25 phút, ngày 7/8 bệnh nhân Phượng hạ sinh một bé gái nặng 1,7kg vẫn còn thoi thóp, sau đó bé tử vong. Sau khi sinh chị Phượng tỉnh, mạch nhanh, sốt 39 độ, huyết áp tụt, chảy máu âm đạo. Hội chẩn liên khoa nghi bệnh nhân bị “cơn bão giáp trạng”, “băng huyết sau khi sinh”. 4h40 phút ngày 7/8 bệnh nhân ngưng tim, ngưng thở.

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Hai mẹ bệnh nhân Phượng: Sau 2 ngày nhập viện, bác sĩ chẩn đoán là “nhau tiền đạo”, sau đó lại đưa đi siêu âm và kết luận thai nhi bị khô nước ối, có triệu chứng hư rồi bác sĩ hỏi có đồng ý bỏ con, cứu mẹ không? Gia đình tôi đồng ý. Liền theo, bác sĩ yêu cầu tôi đóng 4 triệu đồng để mổ lấy thai. Nhưng vì nhà nghèo, 4 triệu đồng là số tiền quá lớn, trong chốc lát không thể lo được, nên tôi trả lời không có tiền bác sĩ ơi.

Đơn thuốc của bác sĩ kê cho chị Phượng

Đơn thuốc của bác sĩ kê cho chị Phượng

Cũng theo lời bà Hai, khi trả lời không có tiền mổ, bác sĩ liền ghi toa cho người nhà đi mua thuốc để phá thai. Sau khi đặt thuốc do bác sĩ chỉ định, chị Phượng đau bụng quằn quại, ra huyết, sốt cao nên năn nỉ “Mẹ ơi, kêu bác sĩ mổ cho con đi, con kiệt sức rồi, nếu để con rặn đẻ thì con chết mất!”. Hoảng hốt, bà Hai lại đi tìm bác sĩ yêu cầu mổ lấy thai để cứu con gái nhưng bác sĩ nói cái bụng nhỏ xíu, mổ gì, đợi sinh thường đi. Kết quả chị Phượng sinh bé gái nặng 1,7kg trong tình trạng thoi thóp.

Nhiều người đặt câu hỏi, tại sao ngày 2/8 nhập viện, tới ngày 3/8 mới cho siêu âm rồi chẩn đoán “nhau tiền đạo”? Ngày 4/8 lại nói không phải “nhau tiền đạo”, mà là “nước ối khô, thai có triệu chứng hư”? Ngày 5/8 cho đặt thuốc phá thai, 2 ngày sau tức sáng sớm 7/8 chị Phượng vẫn hạ sinh bé gái trong tình trạng vẫn thoi thóp (nghĩa là thai vẫn sống). Nếu ngay từ đầu bệnh viện chẩn đoán đúng bệnh, cho mổ lấy em bé kịp thời thì thai nhi có chết tức tưởi như thế không? Nếu chị Phượng cũng được chẩn đoán đúng bệnh, theo dõi tình trạng bệnh chu đáo, không để 5 ngày đêm ở bệnh viện trong tình trạng chảy máu âm đạo, sốt cao, đau đẻ quằn quại sau khi đặt thuốc giục sinh để chấm dứt thai kỳ thì có lẽ chị Phương không phải chịu cái chết oan uổng như thế.
 
Cũng theo bác sĩ Nguyễn Minh Vũ: Mẹ con chị Phương chết do “cơn bão giáp trạng”, vì tiền sử có bệnh bướu cổ đã 3 năm nay. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, cách đây hơn 2 năm chị Phượng vẫn sinh con bình thường ở trạm xá xã, lúc đó chị Phượng đã bị bệnh bướu cổ thường do thiếu iot? Liệu lời giải thích này có thỏa đáng?
 
Trong khi đó, theo một số bác sĩ đầu ngành tại TP Cần Thơ cho rằng, cách làm việc và giải thích của bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ là chưa thuyết phục.

Một bác sĩ lý giải, nếu bệnh nhân Phượng bị “nhau tiền đạo” là tình trạng nhau không bám hoàn toàn ở mặt trước và sau đáy tử cung như bình thường mà một phần hoặc toàn bộ bánh nhau bám vào đoạn dưới tử cung.Tỷ lệ thai phụ bị nhau tiền đạo là 0,6%. Nhau tiền đạo là một trong những nguyên nhân gây chảy máu trong 3 tháng cuối của thai kỳ, trong chuyển dạ và sau sinh; tình trạng chảy máu có thể làm ảnh hưởng đến cả sức khỏe mẹ và con. Bác sĩ phải theo dõi sát tổng trạng, các dấu hiệu sinh tồn của mẹ, số lượng máu mất và tình trạng tim thai. Nếu tổng trạng mẹ suy sụp do mất máu nhiều hay khi đã có triệu chứng suy thai thì bác sĩ mổ cấp cứu ngay.

Con gái chị Phượng mới 28 tháng tuổi, mấy hôm nay toàn hỏi Cha ơi sao mẹ đi Cần Thơ lâu về vậy?
Con gái chị Phượng mới 28 tháng tuổi, mấy hôm nay toàn hỏi" Cha ơi sao mẹ đi Cần Thơ lâu về vậy"?

Bà Hai nghẹn ngào nói: “Tôi biết tình hình sức khỏe con tôi. Mẹ con nó chết oan vì nghèo vì  không có 4 triệu đồng đóng tiền để mổ chứ không phải chết vì bệnh. Hôm qua ông giám đốc Đặng Quang Tâm nói với tôi rằng con tôi chết vì “cơn bão giáp trạng” do căn bệnh bướu cổ, tôi biết là ông nói cho qua, con cháu tôi chết thì cũng chết rồi nên đành đưa xác về chôn cất. Tôi mong muốn các cơ quan có trách nhiệm làm rõ vì sao con, cháu tôi chết.

Ông Trần Hoàng Phương, chú ruột của chị Phượng, cho biết, trưa ngày 7/8, ông Đặng Quang Tâm, Giám đốc bệnh viện, mời đại điện gia đình lên phòng làm việc của ông để giải thích nguyên nhân dẫn đến cái chết của chị Phương. Suốt buổi làm việc ông Tâm chỉ giải thích qua loa, cố ý bênh che sai phạm của nhân viên. Gia đình tôi không chấp nhận và không ký tên vào biên bản.

Ông Phương cũng cho biết, sau khi đưa cho gia đình nạn nhân 30 triệu lo tiền mai táng thì đến đầu giờ chiều ngày 8/8, phía bệnh viện vẫn chưa thấy ai đại diện đến viếng và chia buồn cùng gia đình.
 
Phạm Tâm