Vụ trẻ 18 tháng tuổi chết do ăn chay: Những trường hợp nào không được ăn chay
(Dân trí) - Vừa qua, một trẻ sơ sinh 18 tháng tuổi đã tử vong vì suy dinh dưỡng do… ăn chay. Đã đến lúc cần nhìn nhận nghiêm túc rằng, việc ăn chay không thể áp dụng một cách tùy tiện, mà phải được tính toán kỹ lưỡng, khoa học về mặt dinh dưỡng, để tránh gây ra những hệ lụy cho bản thân và cả gia đình.
Cuối tháng 9 vừa qua một em bé 18 tháng tuổi ở Mỹ đã tử vong vì suy dinh dưỡng (khi qua đời bé chỉ nặng 7,7 kg, cân nặng trung bình của trẻ 7 tháng tuổi).
Điều đáng nói là chính chế độ ăn hoàn toàn chỉ có rau, trái cây và sữa mẹ là nguyên nhân sâu xa dẫn đến vụ việc hết sức thương tâm này. Theo thông tin từ lực lượng chức năng, bố mẹ của cháu bé đều là những người ăn chay trường và họ đã áp dụng chế độ ăn này cho cả nhà. Ngoài ra, trong gia đình này còn có 1 đứa trẻ 3 tuổi và 1 đứa trẻ 5 tuổi cũng ở trong tình trạng gầy gò, nước da vàng và tái nhợt.
Từ vụ việc kể trên, có thể thấy rằng, chế độ ăn chay hoàn toàn có thể gây những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, nếu áp dụng một cách tùy tiện, thiếu sự tính toán, cân nhắc về mặt dinh dưỡng.
Theo Thạc sĩ Vũ Thị Huế, Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung ương, ăn chay là một chế độ ăn lành mạnh, đã được áp dụng và kiểm chứng xuyên suốt chiều dài lịch sử. Ăn chay đúng cách có thể giúp chúng ta phòng ngừa nhiều loại bệnh tật, đặc biệt là bệnh tim mạch, tiểu đường, mỡ máu, thậm chí là ung thư.
Tuy nhiên, vì ăn chay loại bỏ hoàn toàn các loại thịt, cá, vốn là thành tố quan trọng trong chế độ dinh dưỡng tiêu chuẩn, đồng nghĩa với việc con người sẽ bị hụt đi một lượng dưỡng chất lớn và đặc trưng của các thực phẩm có nguồn gốc động vật này. Chuyên gia dinh dưỡng này cũng liệt kê ra một số loại dưỡng chất thiết yếu mà người ăn chay thường bị thiếu hụt:
-Protein: Đây là thành phần vô cùng quan trọng, protein giúp xây dựng các cấu trúc trong cơ thể, các tổ chức tế bào, cơ bắp. Bên cạnh đó, protein còn tham gia vào hệ miễn dịch, các hormones trong cơ thể. “Đặc biệt trường hợp trẻ trong tuổi ăn dặm, trẻ dưới 16 tuổi, người mang thai thì rất cần cung cấp đầy đủ protein” – Ths Huế nhấn mạnh.Trong một số loại thực vật, điển hình như đậu cũng có chứa protein nhưng lượng này vẫn khó đáp ứng đủ cho cơ thể.
-Axít béo Omega-3: Đây là dưỡng chất đóng vai trò cấu trúc ở não và mắt, đặc biệt quan trọng với sự phát triển của trí não. Do đó, trẻ nhỏ nhất là trẻ đang trong tuổi ăn dặm rất cần Omega-3.
-Kẽm: Khoáng chất quan trọng cho chức năng trao đổi chất, miễn dịch và phục hồi tế bào. Nếu cơ thể thiếu kẽm sẽ sinh ra chán ăn, rụng tóc, loét miệng, nóng trong người, vết thương lâu lành. Kẽm thường chứa nhiều trong các loại hải sản.
-Canxi và vitamin D: Canxi là khoáng chất cần cho xương và răng. Canxi còn tham gia vào chức năng cơ, truyền tải tín hiệu thần kinh… Trong khi đó, vitamin D lại là dưỡng chất tăng cường sự hấp thu canxi từ đường ruột, cũng như tham gia vào quá trình tổng hợp canxi.
-Vitamin B12: Dưỡng chất tham gia vào hầu hết mọi hoạt động sống. Vitamin B12 còn là thành phần cần thiết để tạo ra hồng cầu, đồng thời đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe của hệ thần kinh.
-Sắt: Cơ thể sử dụng sắt để tạo ra ADN và các tế bào hồng cầu mới, cũng như vận chuyển oxy trong máu. Đặc biệt, loại sắt heme (phần nhân của tế bào hồng cầu, cũng là thứ khiến hồng cầu có màu đỏ) lại chỉ có ở động vật nhất là thịt đỏ.
Việc ăn chay dễ khiến cơ thể bị thiếu hụt nhiều loại dưỡng chất thiết yếu. Thiếu chất sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, sự phát triển cũng như vận hành bình thường của cơ thể. Đặc biệt, ở một số trường hợp, giai đoạn phát triển “nhạy cảm”, việc bị thiếu chất có thể gây ra hậu quả rất nghiệm trọng, thậm chí là dẫn đến tử vong, trường hợp em bé sơ sinh ở Mỹ là một ví dụ nhãn tiền. Về vấn đề này, Ths Vũ Thị Huế cũng chỉ ra những đối tượng tốt nhất không nên ăn chay hoặc nếu có thì cần phải tính toán một cách rất cẩn trọng về thành phần dinh dưỡng trong chế độ ăn, áp dụng thêm các thực phẩm bổ sung, cũng như liên tục theo dõi tình trạng sức khỏe:
Phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú
Phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú không khuyến khích nhưng vẫn có thể ăn chay. Tuy nhiên, cần bổ sung thêm trứng (không có trống) hoặc sữa động vật, nếu không thì cần dùng các loại thực phẩm chức năng, vi chất tổng hợp để đảm bảo đủ dưỡng chất. “Nếu người mẹ thiếu chất thì vừa ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ, vừa ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của thai nhi. Điển hình như việc thiếu sắt, vitamin B12 sẽ gây thiếu máu và có thể dẫn đến dị tật ống thần kinh ở thai nhi; thiếu canxi thì trẻ sinh ra sẽ ốm yếu. Sau khi hạ sinh, mẹ không có đủ chất cũng làm giảm chất lượng sữa.” – Ths Vũ Thị Huế nhấn mạnh.
Trẻ sơ sinh đang trong giai đoạn ăn dặm
Trẻ sơ sinh đang trong giai đoạn ăn dặm thì tuyệt đối không được ăn chay. Ths Vũ Thị Huế phân tích sâu hơn: “Đây là giai đoạn trẻ phát triển rất nhanh nên cần nhiều dưỡng chất. Đặc biệt, não bộ em bé lúc này chưa hoàn chỉnh như người lớn, lipid chiếm tỷ lệ lớn trong cấu trúc não bộ nên cần cung cấp đầy đủ chất béo từ động vật, đặc biệt là Omega-3.”
Thanh thiếu niên dưới 16 tuổi
Thanh thiếu niên dưới 16 tuổi tốt nhất cũng không nên ăn chay, bởi đây là thời kỳ cơ thể phát triển mạnh mẽ, vận động nhiều nên cần nhiều năng lượng và dưỡng chất. Ngoài ra, vào cuối độ tuổi này, con người cũng bước vào quá trình dậy thì, với sự thay đổi lớn và liên tục của các nội tiết tố trong cơ thể, nguồn gốc của sự thay đổi về ngoại hình và tính cách. Chính vì vậy, cần đảm bảo sự toàn diện và cân đối về dinh dưỡng trong chế độ ăn hàng ngày, để quá trình này không bị ảnh hưởng, rối loạn.
Minh Nhật