1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Vụ thuốc ung thư hết hạn: Trách nhiệm thuộc về bệnh viện và công ty

(Dân trí) - Vụ việc Thanh tra TPHCM phát hiện lãng phí lớn tại Bệnh viện Truyền máu Huyết học khi tiêu hủy khối lượng 20.000 viên thuốc trị ung thư Tasigna bước đầu đã được Sở Y tế thành phố này làm rõ.

Theo báo cáo do GS.TS.BS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM ký (ngày 9/5) và gửi Bộ Y tế thì: Bệnh viện Truyền máu Huyết học là cơ sở đầu tiên trong cả nước đề xuất thực hiện chương trình thuốc viện trợ nhân đạo dành cho người mắc bệnh bạch cầu mạn tính dòng tủy kháng Glivec của chương trình hỗ trợ thuốc Glivec (GIPAP).

Ước tính, đến cuối tháng 7 năm 2013 có khoảng 25% (tương đương với 200 bệnh nhân) kháng thuốc Glivec cần được điều trị liên tục bằng Tasigna 200mg nếu không bệnh nhân sẽ đối mặt với nguy cơ tử vong.

Sở Y tế khẳng định thuốc Tasigna do trách nhiệm của bệnh viện và phía công ty cung ứng
Sở Y tế khẳng định thuốc Tasigna do trách nhiệm của bệnh viện và phía công ty cung ứng

Theo phân tích của Sở Y tế TPHCM, việc hỗ trợ thuốc đặc trị cho bệnh nhân là hoạt động rất có ý nghĩa nhằm tăng cơ hội sống sót. Thực tế, tại bệnh viện Truyền máu Huyết học, tác động của chương trình đã cứu sống được 26 người bệnh.

Tuy nhiên Tasigna là chương trình viện trợ có điều kiện, bệnh nhân không được miễn phí thuốc Tasigna hoàn toàn và bệnh viện không có quyền chủ động sử dụng thuốc khi chưa có sự đồng ý, chấp thuận của đơn vị cung ứng là Công ty Novartis. Cụ thể, bệnh nhân tham gia chương trình sẽ được tài trợ 11,5 tháng thuốc miễn phí còn bệnh nhân phải mua 0,5 tháng thuốc.

Như vậy, bệnh nhân phải đồng chi trả 4% tương đương với 42 triệu đồng mỗi năm mới được tham gia chương trình. Mặt khác, Sở Y tế cho biết, giữa bệnh viện và công ty cung ứng đã có thỏa thuận về việc phía công ty sẽ kiểm soát việc lựa chọn bệnh nhân theo các tiêu chí và quyết định cho phép sử dụng Tasigna với những bệnh nhân tham gia. Bệnh viện không được tự ý thay đổi hay làm khác các quy định của chương trình.

Sở Y tế TPHCM cho biết thêm, trước thời điểm thuốc Tasigna hết hạn, tháng 3/2015 Bệnh viện Truyền máu Huyết học đã tiếp nhận một lô thuốc Tasigna mới có hạn sử dụng xa theo phê duyệt chương trình thuốc viện trợ dành cho người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế đối với thuốc Tasigna từ ngày 1/1/2015. Do vậy không có bệnh nhân nào bị thiếu thuốc.

Báo cáo của Sở Y tế TPHCM khẳng định: trách nhiệm trong việc để xảy ra sự cố 20.000 viên thuốc Tasigna hết hạn buộc phải tiêu hủy thuộc về Công ty Novartis và Bệnh viện Truyền máu Huyết học. Quá trình từ lúc tiếp nhận thư đồng ý hiến tặng đến khi hoàn tất các thủ tục đưa thuốc về sử dụng của bệnh viện bị kéo dài trong khi thuốc có hạn sử dụng ngắn (thuốc đã được sản xuất từ tháng 6/2013, hạn sử dụng đến tháng 5/2015).

Tại thời điểm Cục Quản lý Dược cấp giấy phép nhập khẩu, thuốc chỉ còn hạn sử dụng ngắn (10 tháng) nhưng phía công ty Novartis vẫn gửi hàng về Việt Nam. Khi thực hiện các thủ tục để đưa vào sử dụng, nhận ra thuốc chỉ còn hạn sử dụng 6 tháng, bệnh viện đã chủ động đề nghị công ty cho phép mở rộng chương trình đến các bệnh viện đang điều trị bệnh lý liên quan trong toàn quốc hoặc thông báo cho nơi khác chuyển bệnh đến. Tuy nhiên phía Công ty Novartis đã không đồng ý mà chấp nhận hủy thuốc nếu không sử dụng hết.

Sự việc trên bị Thanh tra TPHCM làm rõ và xác định, thiệt hại do việc tiêu hủy thuốc gây ra lên tới gần 14 tỷ đồng. Tuy nhiên, báo cáo của Sở Y tế gửi Bộ Y tế thì số tiền thiệt hại chỉ ở mức hơn 3,8 tỷ đồng (tính theo giá tại thời điểm tiêu hủy năm 2015, không tính theo giá tại thời điểm thanh tra năm 2017).

Trước những sai sót trên, ngày 8/5 Sở Y tế đã tổ chức cuộc họp kiểm điểm trách nhiệm Giám đốc bệnh viện và trách nhiệm của Sở Y tế. Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng gửi công văn rút kinh nghiệm chung cho toàn ngành y tế thành phố về hướng dẫn tiếp nhận tiền - hàng viện trợ - quà biếu tặng.

Mặt khác, Sở Y tế TPHCM cũng đã làm việc với Công ty Novartis Pharma Services AG về vấn đề tiếp nhận và sử dụng lô thuốc viện trợ nêu trên. Phía công ty sẽ có văn bản giải trình gửi Sở Y tế.

Vân Sơn - Hồng Hải