Vụ thảm họa tử vong chạy thận: Nếu bệnh viện Hòa Bình có 1 kỹ sư hóa…

(Dân trí) - Trong phiên xét xử trách nhiệm của các bị cáo trong thảm án 9 bệnh nhân chạy thận tử vong, một trong những nội dung được tranh luận nảy lửa tuần qua là ai chịu trách nhiệm kiểm tra hệ thống nước lọc chạy thận? Ai chịu trách nhiệm đồng hồ đo dẫn điện?


Bị cáo Bùi Mạnh Quốc - Giám đốc Công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh - Công ty được thành lập trước khi xảy ra sự cố y khoa (29/5/2017) đúng 6 tháng với ngành nghề kinh doanh chính là… xử lý nước thải

Bị cáo Bùi Mạnh Quốc - Giám đốc Công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh - Công ty được thành lập trước khi xảy ra sự cố y khoa (29/5/2017) đúng 6 tháng với ngành nghề kinh doanh chính là… xử lý nước thải

Vì sao thảm họa xảy ra khi đồng hồ đo dẫn điện bình thường?

Trong phiên làm việc thứ 7 (23/5), bị cáo Bùi Mạnh Quốc cho biết, trước khi sự việc xảy ra ngày 29/5/2017 làm 9 người tử vong, bản thân bị cáo đã làm cho bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình nhiều lần và khi vận hành chỉ xác định vào đồng hồ đo độ dẫn điện để xem chất lượng nguồn nước sau khi sửa chữa xong.

Còn Luật sư Nguyễn Tiến Dũng (bào chữa cho bị cáo Quốc) cho rằng cần làm rõ cá nhân, tổ chức nào chịu trách nhiệm về đồng hồ đo độ dẫn điện vì cho rằng chính việc đồng hồ đo độ dẫn điện bị hỏng đã gây ra thảm họa 9 người tử vong.

Về vấn đề này, một chuyên gia trong lĩnh vực Hóa học - ĐH Bách khoa TPHCM, cho biết: “Không phải do đồng hồ hư vì chỉ số đồng hồ dao động từ 8.6-9”.

Vị chuyên gia có 24 năm kinh nghiệm về ngành Hóa này cho rằng vấn đề ở đây là người sửa máy đã không theo dõi đồng hồ trong suốt cả quá trình.

Việc lắp đặt hệ thống lọc nước, theo dõi và bảo trì nó phải do các kĩ sư và các kĩ thuật viên chuyên ngành thiết bị y tế thực hiện. Trường Y không đào tạo ngành này cho các bác sĩ, điều dưỡng và kĩ thuật viên y khoa.

Chuyên gia phân tích: “Nếu ở BVĐK tỉnh Hoà Bình có 1 kỹ sư Hoá tốt nghiệp Bách Khoa hay Công nghiệp Hoá tốt nghiệp từ ĐH Khoa học tự nhiên thì người này sẽ theo dõi sự biến động của đồng hồ từ đầu cho đến cuối quá trình sửa máy. Khi đó, sẽ thấy ban đầu số trên đồng hồ sẽ lớn, sau đó giảm dần, rồi một lúc sau sẽ vào giới hạn cho phép. Lúc này, kỹ sư sẽ yêu cầu bỏ ngay lập tức toàn bộ nước RO trong bình thành phẩm”.

Bởi số liệu trên đồng hồ chỉ nói lên độ dẫn của chính mẫu nước ngay tại thời điểm nước đi qua đồng hồ, chứ hoàn toàn không nói lên độ dẫn của nước RO trong bình chứa nước thành phẩm

”Mấu chốt ở đây là lúc tháo màng lọc RO ra rửa, người sửa máy đã làm cái bình chứa nước RO thành phẩm cùng với cái đoạn ống nằm phía sau đồng hồ nhiễm axit flohydric rồi. Lúc đó, nếu đem nước trong bình thành phẩm đo độ dẫn bằng 1 máy đo khác, sẽ thấy khác hoàn toàn với con số hiện ra trên đồng hồ kia.

Quy trình nào đảm bảo nước RO an toàn?

Theo chuyên gia của ĐH Bách Khoa, để bảo đảm có nước RO sạch cung cấp cho bác sĩ, BVĐK tỉnh Hòa Bình phải có ít nhất 3 yếu tố: (1) Nhân sự có chuyên môn, được đào tạo bài bản về ngành Hóa tại Trường Khoa học tự nhiên hoặc Bách Khoa, (2) Phòng thí nghiệm và trang thiết bị cần thiết, (3) Các quy định quy chế thật nghiêm ngặt ở tất cả các khâu, kể cả khâu sửa chữa máy, và trong trường hợp phải đi thuê phòng thí nghiệm khác thì cũng phải có quy định quy chế rõ ràng.

Vị chuyên gia này nhấn mạnh: “Chỉ cần 1 yếu tố có vấn đề, thảm họa sẽ xảy ra bất cứ lúc nào. Nếu không làm được đồng thời 3 điều này mà để xảy ra thảm họa, người đáng bị truy tố phải là ông Giám đốc Bệnh viện chứ không phải là các bác sĩ”.

Nói về trách nhiệm của Bộ Y tế, vị chuyên gia này cho rằng Bộ Y tế cũng không thể nào ban hành các quy trình thật chi tiết cho cả ngàn bệnh viện, mà chính từng bệnh viện phải cụ thể hóa các quy trình đó cho phù hợp với hoàn cảnh của từng bệnh viện.

Do đó, chuyên gia này khẳng định rằng: "Nếu ai đó đưa cho anh 1 bình nước RO và hỏi nước này có thể dùng để chạy thận được hay không thì “tôi xin đầu hàng vô điều kiện”

Thậm chí, ngay cả trong trường hợp có phòng thí nghiệm hiện đại, cũng chỉ có thể làm những test theo Dược điển, và phải tốn khá nhiều thời gian.

Còn nếu muốn biết chính xác trong mẫu nước RO đó có nhiễm những hoá chất nào, thì cần cung cấp cho mình thông tin chi tiết về chất lượng nguồn nước đầu vào, về những nguồn hoá chất có thể nhiễm vào nước, về quá trình bảo quản nước, về những lần bảo trì sửa chữa, nói chung là càng nhiều thông tin càng tốt, để có thể khoanh vùng, rồi cũng phải "lên bờ xuống ruộng" mới mong có kết quả".

Với những lập luận này, vị chuyên gia Hóa này cho rằng: “Nếu tòa tuyên BS Hoàng Công Lương có tội, bi kịch mới thật sự bắt đầu… Bởi BS Lương chỉ có 3 không: không chuyên môn, không thiết bị phân tích, không quy chế, thì kiểm tra được cái gì đây?”.

BVĐK tỉnh Hòa Bình chạy thận 6 năm không phép

Trong phiên làm việc thứ 9 (ngày 25/5), luật sư Phúc đã đưa ra thông tin BVĐK tỉnh Hòa Bình tiến hành chạy thận nhân tạo cho các bệnh nhân chưa được cấp phép suốt 6 năm (từ năm 2010-2016).

Cụ thể, ngày 8/3/2010, BVĐK tỉnh Hòa Bình thành lập Đơn nguyên thận nhân tạo, và chính thức hoạt động ngày ngày 15/3/2010.

Ngày 20/6/2016, Sở Y tế tỉnh Hòa Bình mới phê duyệt kỹ thuật bổ sung thêm phê duyệt danh mục kỹ thuật bổ sung chức năng lọc máu, chạy thận cho bệnh viện này.

Chính vì vậy, suốt 6 năm bệnh viện này chạy thận không phép.

Từ lập luận trên, Luật sư Phúc cho rằng, VKS buộc tội cho bị cáo Hoàng Công Lương là không có căn cứ, ở đây, cần phải xem xét trách nhiệm của đơn vị quản lý là BVĐK tỉnh Hòa Bình và cơ quan chủ quản ngành y tế.

Nhân Hà

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm