Vụ thai lưu ở Nam Định: Bệnh viện hỗ trợ gia đình sản phụ 100 triệu đồng
(Dân trí) - Sau khi nhận được kết quả nguyên nhân dẫn đến sản phụ Phạm Thị Nhâm trụy mạch, hôn mê sâu dẫn đến thai nhi chết lưu có khả năng là do “tắc mạch ối”, phía gia đình sản phụ Phạm Thị Nhâm cho biết kết quả này không rõ ràng.
>> Thai nhi chết lưu không rõ nguyên nhân sau khi lên phòng mổ đẻ
>> Vụ thai lưu ở Nam Định: Do mẹ trụy mạch, hôn mê
Ngày 19/8, trao đổi với PV Dân trí, Anh Nguyễn Văn Huy chồng sản phụ Phạm Thị Nhâm cho biết, phía Bệnh viện đa khoa huyện Ý Yên đã hỗ trợ gia đình 100 triệu đồng và yêu cầu không kiện cáo gì nữa.
Ngày 11/8 Sở Y tế Nam Định có thông báo số 1023/SYT-NVY kết luận hội đồng chuyên môn cấp tỉnh về trường hợp sản phụ Phạm Thị Nhâm. Thông báo nêu rõ, căn cứ quá trình diễn biến và hồ sơ bệnh án, tài liệu lưu trữ, Hội đồng chuyên môn nghĩ đến khả năng sản phụ bị “tắc mạch ối” đã gây tình trạng suy hô hấp, suy tuần hoàn nặng.
Nguyên nhân gây tử vong cho thai nhi do mẹ truỵ mạch nên thai nhi suy hô hấp. Sở Y tế Nam Định cũng kết luận đối với trường hợp tai biến của sản phụ Phạm Thị Nhâm, Bệnh viện đa khoa huyện Ý Yên không có sai sót về chuyên môn kỹ thuật.
Anh Huy cho biết thêm, gia đình anh thực sự rất đau đớn trước sự việc, nhưng bây giờ không muốn làm lớn chuyện vì sức khỏe và tinh thần chị Nhâm vẫn chưa hồi phục hẳn, gia đình sợ làm lớn chuyện chị Nhâm sẽ lại nghĩ ảnh hưởng đến quá trình điều trị và sức khỏe. Nhưng gia đình vẫn không đồng ý với kết quả của Sở Y tế tỉnh Nam Định.
Trước đó, theo báo cáo số 891/BC-SYT tỉnh Nam Định cho biết, quá trình đón tiếp chẩn đoán, chỉ định xét nghiệm, ghi chép đều đầy đủ. Việc theo dõi chờ đẻ với sản phụ thai đủ tháng, chuyển sinh lần thứ 3, ngồi chỏm, thai to, mẹ lớn tuổi là phù hợp.
Khi sản phụ có diễn biến xấu, khó thở, tím tái, trụy tim mạch, ngừng tim,..., kíp trực đã hội chẩn, hồi sức tích cực cũng như chuyển người bệnh lên tuyến kịp thời và đúng quy định.
Đánh giá chung đây là trường hợp khó, sản phụ lớn tuổi, có thai lần 3 (sinh lần 2 năm 1995), lại không nằm viện theo đúng chỉ định của bác sĩ nên việc theo dõi liên tục bị hạn chế (vắng mặt tại khoa từ 10h ngày 17/6 đến 20h30’ ngày 18/6). Cùng với đó, tình trạng khó thở, trụy mạch, hôn mê của sản phụ diễn ra đột ngột, tiến triển nhanh, nên dù các bác sĩ khẩn trương tiến hành cấp cứu mẹ, trong thời gian đó tình trạng thai nhi đã diễn biến xấu đi.
Bệnh viện cũng đã gặp gỡ, động viên, chia sẻ với bệnh nhân và gia đình người bệnh lúc nằm viện.
Đức Văn