Nam Định:

Thai nhi chết lưu không rõ nguyên nhân sau khi lên phòng mổ đẻ

(Dân trí) - Sau khi tiêm thuốc kháng sinh và được chuyển lên buồng mổ, sản phụ Phạm Thị Nhâm bất ngờ bị co giật, tím tái phải cấp cứu khẩn lên tuyến trên. Cùng lúc đó, gia đình nhận thông báo thai nhi đã chết lưu.

Theo thông tin từ gia đình anh Nguyễn Văn Huy (SN 1969) trú tại Thôn Cẩm, xã Yên Dương, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định cho biết, vào tối ngày 16/6, vợ anh Huy là chị Phạm Thị Nhâm (SN 1968 theo giấy tờ, còn chính xác sinh năm 1975) có hiện tượng chuyển dạ nên gia đình lập tức đưa chị Nhâm đến bệnh viện Đa khoa huyện Ý Yên (Nam Định) để sinh.

Sau khi chị Nhâm làm thủ tục nhập viện xong, các bác sĩ ở bệnh viện Đa khoa huyện Ý Yên đã tiến hành khám khám lâm sàng và kết luận sức khỏe của sản phụ tốt.

Tuy nhiên, đến sáng ngày 17/6, chị Nhâm vẫn chưa sinh nên được các bác sĩ cho phép về nhà. Đến khoảng 20h ngày 18/6, chị Nhâm lại có hiện tượng chuyển dạ nên gia đình lại tiếp tục đưa chị xuống bệnh viện đa khoa huyện Ý Yên.

Các bác sĩ tiếp tục khám và xét nghiệm thấy sức khỏe bình thường, thai khỏe mạnh. Do thấy thai nhi to, mẹ lại cao tuổi nên các bác sĩ khuyên gia đình sản phụ Nhâm nên phẫu thuật mổ đẻ. Phía gia đình anh Huy đã đồng ý phương án mổ đẻ mà các bác sỹ đưa ra.

Thai nhi chết lưu không rõ nguyên nhân khi sản phụ sinh tại tuyến huyện

Anh Nguyễn Văn Huy chồng sản phụ Phạm Thị Nhâm đau lòng kể lại sự việc

Theo anh Huy kể lại: “Sau khi gia đình tôi đồng ý, phía bác sĩ tại bệnh viện tiến hành tiêm kháng sinh cho vợ tôi, khoảng 10 phút sau khi vợ tôi được đưa vào buồng mổ, bất ngờ các bác sĩ tiến hành sĩ hô cấp cứu.

Tôi chạy vào thì thấy người vợ tôi tím tái, co giật. Vợ tôi nhanh chóng được chuyển đi cấp cứu tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định. Tuy nhiên các bác sĩ ở đây nói thai nhi đã tử vong không cứu được và chuyển sản phụ lên bệnh viện Bạch Mai tiếp tục cấp cứu”.

Sau 10 ngày điều trị ở bệnh viện Bạch Mai, tình hình sức khỏe của sản phụ Nhâm đã tiến triển nên được chuyển về Bệnh viện đa khoa tỉnh Nam Định để tiếp tục điều trị.

Anh Huy cho biết: “Sau khi sức khỏe của vợ tôi ổn định, gia đình tôi đã nhiều lần đến bệnh viện để hỏi nguyên nhân về sự việc đau lòng trên, nhưng phía bệnh viện lần nào cũng trả lời loanh quanh. Tôi thực sự không muốn con tôi mất vì nguyên nhân không rõ ràng”.

Bệnh viện Đa khoa huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định, nơi sản phụ Phạm Thị Nhâm đến sinh
Bệnh viện Đa khoa huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định, nơi sản phụ Phạm Thị Nhâm đến sinh

Anh Huy cũng cho biết thêm, việc vợ anh đi cấp cứu và điều trị khiến gia đình gần như “kiệt quệ” về kinh tế. Tổng chi phí khám chữa bệnh đến nay đã lên đến hơn 140 triệu.

Anh Huy cho biết: “Khi đến bệnh viện để hỏi nguyên nhân về sự việc và có trình bày hoàn cảnh, ông giám đốc bệnh viện có trả lời một câu tắc trách: “thế thì chia đôi bệnh viện trả 70 triệu”.

Trao đổi về vấn đề trên với PV Dân trí, Bác sỹ Lê Minh Hiển, Giám đốc bệnh viện Đa khoa huyện Ý Yên cho biết: “Đây là một sự cố y khoa ngoài mong muốn. Sản phụ Nhâm được đưa lên phòng mổ chuẩn bị làm phẫu thuật thì bị co giật, tím tái phải đưa đi cấp cứu trong tình trạng thai lưu. Phía Bệnh viện làm việc hoàn toàn đúng quy trình, sự việc này đến nay vẫn chưa xác minh được nguyên nhân vì đâu”.

Đức Văn