Vụ sản phụ băng huyết tử vong: Bệnh viện giả mạo chữ ký?
(Dân trí) - “Tôi thực sự sốc khi bệnh viện đưa ra bản cam kết mổ nhưng chữ ký không phải của tôi. Tôi dùng điện thoại chụp lại văn bản thì bị một nhân viên bệnh viện quát nạt, giằng lấy, bắt phải xóa hình. Họ đang giày xéo lên nỗi đau của gia đình tôi”.
Ngày 17/8, sau niềm vui đón cậu con trai chào đời thì anh Phạm Viết Dũng (40 tuổi) cũng vĩnh viễn mất đi người vợ của mình vì “băng huyết sau sinh” tại bệnh viện An Bình (quận 5, TPHCM).
Đúng một tháng sau thảm kịch gia đình, cậu con trai của họ vẫn phải lưu lại bệnh viện để được chăm sóc. Nén lại nỗi đau, anh Dũng đang phải gồng mình để lo cho 3 đứa con thơ. Trong lòng anh và gia đình vẫn mòn mỏi trông chờ lời giải thích thỏa đáng từ phía bệnh viện để “người chết được an lòng nơi chín suối”.
“Trong vòng một tháng qua, tôi và gia đình đã ít nhất 5 lần đề nghị bệnh viện trả lời thỏa đáng về cái chết của vợ tôi. Tuy nhiên, đáp lại sự chờ đợi của chúng tôi chỉ là những giải thích vu vơ từ phía bệnh viện. Họ cho rằng vợ tôi tử vong là do bị băng huyết, đờ tử cung sau sinh nhưng tôi không tin đó là sự thật. Ê kíp trực hôm đó gồm những ai? Bác sĩ nào là người trực tiếp đỡ cho vợ con tôi? Bác sĩ nào đã được gọi vào tăng cường? Họ đã làm hết trách nhiệm hay tắc trách, thiếu và yếu về chuyên môn khiến vợ tôi tử vong?...”. Hàng loạt vấn đề thắc mắc của anh Dũng nhưng đến nay phía bệnh viện vẫn cố tình lảng tránh.
Trong khi ca tử vong của chị Nguyễn Thị Hạnh còn chưa được làm sáng tỏ thì một vấn đề mới lại phát sinh. “Ngày 11/9, tôi và gia đình đề nghị bệnh viện cho tiếp cận với hồ sơ bệnh án để tìm hiểu chuyện gì đã xảy ra trong ca sinh. Khi xem đến “Giấy cam đoan chấp nhận phẫu thuật, thủ thuật và gây mê hồi sức” của vợ, tôi giật mình và thực sự thấy sốc vì chữ ký và một số nội dung trên văn bản đó không phải chữ của tôi.”
Anh Dũng cho biết thêm: “Sau khi phát hiện chuyện không bình thường ấy, tôi dùng điện thoại để chụp giấy cam đoan. Ngay lập tức, một nhân viên của bệnh viện xông tới lớn tiếng quát nạt, giằng lấy điện thoại, buộc tôi phải xóa bức hình vừa chụp, sau khi tôi xóa họ còn kiểm tra lại điện thoại của tôi. Chẳng biết mục đích họ mạo khi danh chữ ký của tôi và thêm thắt nội dung trong giấy cam đoan để làm gì, nhưng rõ ràng họ đang gian dối.”
Chưa dừng lại ở đó, anh Dũng cho biết thêm: “Sau khi báo chí phản ánh về cái chết của vợ tôi ông Nguyễn Xuân Tường, Phó giám đốc bệnh viện và một số người khác đến thăm gia đình. Ông Tường đã gợi ý, bệnh viện sẽ hỗ trợ gia đình 80 triệu đồng. Mới đây, ông Tường lại đề nghị gia đình suy nghĩ về khoản “hỗ trợ” và hứa sẽ tăng cao hơn mức đề xuất ban đầu. Có lẽ ông Tường không hiểu, điều mà chúng tôi mong mỏi là sự thật về cái chết của vợ tôi”.
Cho rằng chữ ký và chữ viết của mình đã bị bệnh viện giả mạo trong hồ sơ bệnh án, đồng thời bất bình với cách giải quyết vu vơ của bệnh viện, ngày 11/9 anh Dũng đã chính thức gửi đơn lên Sở Y tế TPHCM đề nghị Sở vào cuộc để làm rõ nguyên nhân tử vong của vợ anh và việc bệnh viện giả mạo chữ ký, chữ viết của anh trong hồ sơ bệnh án.
Ngày 15/9, tại cuộc họp giao ban Sở Y tế, ông Bùi Minh Trạng, Chánh thanh tra sở Y tế xác nhận có tiếp nhận đơn tố cáo của ông Phạm Viết Dũng. Thanh tra Sở Y tế thành phố đã báo cáo sự việc trên đến Ban giám đốc Sở Y tế thành phố. Ngày 17/9, ông Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở tế đã chỉ đạo phòng Nghiệp vụ Y lập hội đồng chuyên môn sớm phân tích, xác định nguyên nhân dẫn đến ca tử vong của sản phụ Nguyễn Thị Hạnh để trả lời đơn thư của gia đình người quá cố.
Vân Sơn