Vụ hơn 21 tấn mực khô hôi thối: Không có độc tố

(Dân trí) - Liên quan đến vụ việc lực lượng chức năng bắt giữ 21 tấn mực khô vào ngày 5/5 vừa qua có biểu hiện mốc và bốc mùi hôi. Các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa đã lấy mẫu kiểm nghiệm và kết luận hiện tượng nấm mốc trên mực khô không tạo ra độc tố, ít ảnh hưởng đến sức khỏe cho người và động vật.

Ngày 5/5/2016, Trạm CSGT 4.1- Phòng CSGT Công an tỉnh Thanh Hóa đã tiến hành kiểm tra xe ô tô mang BKS 92C-067.08 do ông Phạm Tiến Thông (trú tại khối 3, thị trấn Núi Thành, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) điều khiển.

Qua kiểm tra trên xe chở hơn 21 tấn mực khô, tại thời điểm kiểm tra, lái xe không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc lô hàng. Sau đó, số mực nói trên được bàn giao lại cho Đội Quản lý thị trường số 9 - Chi cục Quản lý thị trường Thanh Hóa để xử lý theo quy định.

Lô mực không có độc tố và ít ảnh hưởng đến sức khỏe cho người và động vật
Lô mực không có độc tố và ít ảnh hưởng đến sức khỏe cho người và động vật

Đến ngày 6/5, ông Nguyễn Thanh Tự, trú tại thôn Mỹ Tân, xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi là chủ lô hàng nêu trên đã có mặt tại Chi cục Quản lý thị trường để làm việc. Chủ hàng đã xuất trình giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của lô mực.

Theo đó, toàn bộ số mực trên được thu gom từ các ngư dân tham gia đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa, mực phơi nắng tự nhiên và không hề có chất bảo quản. Số hàng này được xuất bán sang Trung Quốc và theo yêu cầu phải để nguyên cả túi mật.

Ngày 14/5, đại diện các ngành gồm: Đại diện Phòng cảnh sát môi trường; Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm; Chi cục quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản; Trạm CSGT 4.1; Phòng PC 46; Trung tâm kiểm nghiệm và Chi cục Quản lý thị trường đã tổ chức cuộc họp liên ngành. Dựa trên kết quả kiểm nghiệm, đoàn liên ngành đã kết luận: Toàn bộ số mực trên được phơi khô để làm nguyên liệu, trong thành phần có chứa muối nên dễ hút ẩm, nếu bảo quản không tốt sẽ xuất hiện nấm mốc, nấm men.

Tuy nhiên, hiện tượng này trên mực khô không tạo ra độc tố Aflatoxin, do đó ít ảnh hưởng đến sức khỏe cho người tiêu dùng và động vật. Theo kết quả phân tích, chỉ số nấm mốc, nấm men và tổng số vi khuẩn hiếu khí của lô mực vượt ngưỡng cho phép nhưng không quá lớn (3,6 x 106 CFU/g), 3 chỉ tiêu còn lại là vi khuẩn E.coli; S.aureus và Salmonella không có trong lô hàng.

Chi cục Quản lý thị trường Thanh Hóa đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi buôn bán nguyên liệu thực phẩm không phù hợp quy định an toàn thực phẩm. Đồng thời, lô hàng đã được bàn giao lại cho chủ hàng để tiếp tục xuất bán.

Duy Tuyên