1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Vụ chặn xe cứu thương: “Con tôi chưa xuất viện đã có người lạ… gọi”

(Dân trí) - Đó là tâm sự đầy nước mắt của chị Hoàng Thị Soa (SN 1977) - mẹ cháu Trần Công Diễn (9 tháng tuổi, đã mất trước đây ít ngày), trú ở xã Tam Hợp, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An.

Chị Hoàng Thị Soa đau đớn bảo: Tôi chỉ mong không còn người mẹ nào phải chị nỗi đau như tôi...
Chị Hoàng Thị Soa đau đớn bảo: Tôi chỉ mong không còn người mẹ nào phải chị nỗi đau như tôi...

Những ngày qua dư luận cả nước đang dậy sóng trước hàng loạt video được đẩy lên mạng xã hội “tố” bảo vệ Bệnh viện Nhi TƯ đã “ngăn cản” không cho xe cứu thương chở cháu Trần Công Diễn (9 tháng tuổi) ra khỏi bệnh viện để về nhà khi cháu đang trong cơn hấp hối.

Gia đình chị Soa cho biết, với bệnh tình của cháu Diễn, do không thể cứu vãn nên gia đình mong muốn được đưa cháu về nhà càng sớm càng tốt. Chính vì vậy, gia đình đã gọi điện thoại chiếc xe cấp cứu mang BKS 37A-136.12 của ông Ngô Tất Thành, trú khối Đan Nhiệm, thị trấn Nam Đàn, Nghệ An.

Chiếc xe cấp cứu BKS 37A - 136.12 được trang bị đầy đủ các thiết bị y tế hiện đại phục vụ vận chuyển cấp cứu. Gia đình ông Ngô Thành Công có tổng cộng 3 chiếc xe chuyên phục vụ vận chuyển cấp cứu và đã hoạt động được 15 năm nay.

Gia đình, người thân chị Sao bức xúc và tỏ thái độ không bằng lòng với cách trả lời của lãnh đạo BV Nhi TƯ trên các báo.
Gia đình, người thân chị Sao bức xúc và tỏ thái độ không bằng lòng với cách trả lời của lãnh đạo BV Nhi TƯ trên các báo.

Những ngày qua, sau khi chiếc xe đưa cháu Diễn về quê Quỳ Hợp để lo hậu sự cuối cùng, thì người thân cũng như người dân địa phương rất lấy làm buồn trước sự việc xảy ra tại BV Nhi TƯ.

Trong ngôi nhà đơn sơ, như muốn đổ sụp, chị Hoàng Thị Soa buồn bã: “Hôm đó, các bác sĩ cho biết sức khỏe của cháu đã có diễn biến xấu nên khuyên gia đình đưa cháu về nhà. Còn nước còn tát, tôi vẫn chưa có kế hoạch đưa cháu về nhưng đã có một người dùng số máy lạ gọi điện đến cho tôi hỏi có thuê xe đưa cháu về không. Tôi hỏi thì họ báo giá là 5,8 triệu đồng là không có y tá đi cùng, còn nếu có y tá đi cùng thì 7 triệu và có bình thở. Tôi cũng chẳng muốn nói chi thêm, vì nghĩ chưa có ý định đưa cháu về mà cũng không có đủ tiền nên …”. Chị Soa ngập ngừng rồi lau đi dòng nước mắt rơi trên đôi má gầy gò của mình.

Cũng theo chị Soa, sau đó anh Hoàng Ngọc Thủy (dượng) và anh Trần Minh Phương (SN 1962, bác) đã hợp đồng với một xe ở cứu thương Nghệ An để đưa cháu và gia đình về quê.

Đến giờ, bà nội cháu Diễn vẫn không tin cháu mình đã mất một cách đột ngột như vậy.
Đến giờ, bà nội cháu Diễn vẫn không tin cháu mình đã mất một cách đột ngột như vậy.

Chị Soa nói: “Xe cấp cứu hôm đó là họ đưa bệnh nhân từ Nghệ An ra. Nhân tiện chúng tôi thuê xe ni (xe cứu thương 37A - 136.12-PV) chở cháu và người nhà về luôn với lại giá cũng thấp hơn. Và sau đó cậu cháu ra cổng bệnh viện liên lạc với tài xế để đón. Vì sợ vợ chồng tôi quá đau buồn nên người thân trong gia đình bảo hai vợ chồng chúng tôi ra bến xe bắt xe về trước. Sau đó, tôi mới biết sự việc nên quay lại thì công an đã đến rồi”.

“Lúc đó vợ chồng chúng tôi bắt xe ôm ra bến xe Mỹ Đình vòng đi vòng lại đến 3 lần vì nghe tin họ (bảo vệ BV Nhi TƯ- PV) không cho xe chở con ra. Khi tôi trở lại, một số chị đưa bệnh nhân ra đây điều trị kể cũng đã từng gặp cảnh bảo vệ hành xử như vậy nếu “phát hiện” xe cứu thương ở tỉnh lẻ đến đón. Con tôi giờ đã mất rồi. Nhưng tôi chỉ mong những gia đình, những người mẹ khốn khổ như chúng tôi không còn phải chịu cảnh như vậy nữa”, người mẹ nói trong nước mắt.

Chị Soa cùng bà nội đau đớn trong ngày chúng tôi tới thăm, chia buồn.
Chị Soa cùng bà nội đau đớn trong ngày chúng tôi tới thăm, chia buồn.

Cũng theo chị Soa, cháu Trần Công Diễn là con thứ 2 của vợ chồng chị. Từ lúc lọt lòng mẹ, cháu đã không may mắc phải căn bệnh tim bẩm sinh. Khi phát hiện bệnh, mặc dù gia cảnh rất khó khăn, thiếu thốn nhưng anh chị vẫn chạy vạy vay mượn khắp nơi để chữa bệnh cho con, với mong ước con mình sẽ được cứu sống.

Chị Soa buồn bã nói: “Đây là lần thứ 4 hai vợ chồng tôi ôm con ra Bệnh viện Nhi TƯ điều trị. Và cũng là lần cuối cùng cháu không thể qua khỏi căn bệnh và cháu đã từ bỏ cha mẹ mà đi rồi”. Nói đoạn, chị Soa lại khóc ngất.

Thế nhưng nguyện vọng cuối cùng của vợ chồng chị Soa là được con về đến nhà để cháu trút hơi thở cuối cùng ở quê hương nhưng cũng không thực hiện được chỉ vì chiếc xe chở con chị đã bị những bảo vệ vô tâm ngăn cản.

“Lúc đó, chúng tôi cáng cháu từ tầng 3 xuống, đưa được cháu lên xe rồi, họ (bảo vệ và một số người khác - PV) bao vây lấy xe không cho xe ra ngoài. Họ hô đóng, chặn tất cả cửa lại không cho chiếc xe đang chở cháu chúng tôi ra ngoài. Lúc đó họ tranh cãi với tài xế, quá bức xúc trước thái độ của bảo vệ, chúng tôi mới lên tiếng. Chẳng lẽ lúc đó chúng tôi lại đưa cháu xuống để ở sân bệnh viện sao, và cứ mặc cho họ muốn là gì thì làm sao…”, vẫn chưa hết nhói đau, anh Hoàng Ngọc Thủy (dượng bé Diễn) chia sẻ.

Xe cứu thương được trang bị đầy đủ thiết bị y tế, phòng cháy chữa cháy...
Xe cứu thương được trang bị đầy đủ thiết bị y tế, phòng cháy chữa cháy...

“Khi đưa cháu từ bệnh viện ra xe không có bác sĩ, hay một y tá nào của bệnh viện đi cùng mà chỉ có người nhà chúng tôi và 1 người đi cùng xe cấp cứu đưa cháu xuống. Lúc xảy ra sự việc cũng không có bác sĩ, y tá nào của bệnh viện ra can thiệp”, anh Thủy nhớ lại.

Những ngày qua, trên các báo cũng đã nói và phản ánh nhiều về sự việc của cháu Diễn con chị Soa bị bảo vệ BV Nhi TƯ ngăn cản và trước trả lời của Ban lãnh đạo Bệnh viện Nhi TƯ, anh Hoàng Ngọc Thủy bức xúc: “Chúng tôi giờ đây đã mất con, mất cháu là nỗi đau lớn lắm rồi. Là những người có mặt, chứng kiến, trực tiếp tham gia sự việc chúng tôi thấy việc trả lời của lãnh đạo bệnh viện như vậy là không được. Ông ấy có chứng kiến sự việc đâu mà nói như thế. Chúng tôi chỉ mong rằng bệnh viện Nhi cũng như các bệnh viện khác sớm chấn chỉnh tình trạng trên, xem lại thái độ làm việc của bảo vệ, nhân viên tại đây để người nhà không còn phải chịu khổ mỗi khi phải đến bệnh viện nữa”.

Nguyễn Duy