Vụ 20 học sinh viêm cầu thận cấp: Tất cả đều bị phù mặt, đau bụng, tiểu buốt

(Dân trí) - Người dân xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An những ngày qua vẫn chưa hết hoang mang sau khi sự việc hai học sinh đều là anh em ruột trong một gia đình chết nghi liên quan đến suy thận cấp. Người dân ở đây cảm thấy lo lắng vì đây là lần đầu tiền từ ngày lập mường lập bản tới nay mới chứng kiến sự việc lạ thường này.

Gia đình ông Quê đang tổ chức lo ma chay cho đứa con mình.
Gia đình ông Quê đang tổ chức lo ma chay cho đứa con mình.

Bản làng hoang mang vì "bệnh lạ"

Vẫn chưa hết bàng hoàng sau khi hai đứa em ruột chết vì căn “bệnh lạ” - anh Lô Văn Hoài (SN 1995, trú xã Hạnh Dịch - anh trai) cũng như người bố của mình cho biết, dù trước đó biết bệnh tình của con là có thể cứu chữa, có thể khỏi nhưng gia đình lại quá nghèo nên đành chấp nhận đưa con về nhà chờ chết.

“Dù biết con bị bệnh nhưng cũng phải đưa về, vì gia đình không có tiền chữa trị nữa”, ông Lô Văn Quê (SN 1975) bố hai em Lô Văn Hiếu (12 tuổi) và Lô Văn Tuấn (8 tuổi) buồn bã nói.

Ngồi trong căn nhà sàn đã cũ, dường như xuống cấp, thi thoảng những cơn gió ngoài rú (núi) tạt vào phả hơi se se lạnh cuối chiều, anh trai của hai em Hiếu và Tuấn vẫn trầm ngâm. Dù mới ngày nào đó, hai đứa em vẫn sáng cắp sách tới trường chiều lại vui vẻ về nhà cùng bố mẹ. Những buổi được nghỉ học, cả hai đều theo anh trai vào rừng kiếm củi, xuống con suối kiếm con cá, con tôm… thì nay cả hai em đã về thế giới bên kia.

Em Hằng (áo đỏ) từng bị bệnh và nay đã đỡ và đến trường.
Em Hằng (áo đỏ) từng bị bệnh và nay đã đỡ và đến trường.

Người anh lại càng thêm đau xót, bần thần như người mất hồn: “Hai thằng em giờ hắn đi thật rồi. Các anh nhìn là thấy đó. Gia đình em buồn lắm. Ngày đưa em xuống bệnh viện để chữa bệnh họ nói (bác sỹ) nó bị nặng lắm rồi, phải đưa đi Hà Nội thôi, nhưng gia đình cũng phải đưa em về vì nhà nghèo quá. Bệnh của thằng Tuấn bác sỹ nói có thể cầm cự và chữa được nhưng phải chạy thận, khám liên tục. Nhưng mà gia đình nhà em thì nghèo các anh nhìn là biết mà. Dù biết vậy, nhưng đành chấp nhận đưa về nhà thôi”, Lô Văn Hoài (SN 1995, anh trai Hiếu và Tuấn) buồn bã chia sẻ.

Cũng như nhiều gia đình khác trong bản Chăm Pụt, gia đình ông Quê cũng phải sử dụng nguồn nước khe suối để ăn uống, sinh hoạt.

“Nhiều hôm gia đình thấy nguồn nước đục lắm cũng phải múc lên lắng để ăn uống, vì trên đầu nguồn có mấy gia đình khác họ làm ruộng lúa. Ở đây thì không có nước sạch mô…”, Hoài cho biết thêm.

Mang nhiều nỗi buồn tự dưng ập đến - người dân nơi đây như đang bất ổn bởi những ngày qua họ phải chứng kiến cảnh chia lìa đau đớn tột cùng khi hai em học sinh tử vong vì căn “bệnh lạ” và 18 em khác cũng mắc bệnh tương tự nhưng đã đỡ hơn.


Anh Hà Văn Dậu (43 tuổi) vượt 7km đường rừng, đưa con trai là Hà Văn Tiến (12 tuổi) từ bản Mứt đi khám bệnh.

Anh Hà Văn Dậu (43 tuổi) vượt 7km đường rừng, đưa con trai là Hà Văn Tiến (12 tuổi) từ bản Mứt đi khám bệnh.

Tại trường THCS Hạnh Dịch các thầy cô giáo, các em học sinh cũng xôn xao bởi sự ra đi đột ngột của em Hiếu và nhiều học sinh khác mang bệnh. Trong số đó, đã có 16 em đã trở lại đi học bình thường, còn 2 em đang được theo dõi và chăm sóc tại nhà.

Em Hà Thị Hằng, học sinh lớp 9 A, trường Tiểu học và THCS Hạnh Dịch là một trong số 20 học sinh được chẩn đoán mắc bệnh viêm cầu thận, đã xuất viện và đi học cho biết:

“Tháng trước, em bị phù mặt, đau bụng, tiểu buốt, nên nói với bố mẹ và được đưa đến BVĐK huyện Quế Phong khám. Sau đó, em phải nhập viện 1 tuần. Bây giờ thì em đã khỏe mạnh bình thường rồi. Các bác sĩ và thầy cô giáo ở trường cũng dặn em không được uống nước lạnh, ăn mặn và vệ sinh thân thể sạch sẽ để không mắc bệnh lại”, Hằng chia sẻ.

Học sinh trường THCS và Tiểu học Hạnh Dịch đến trường để khám bệnh.
Học sinh trường THCS và Tiểu học Hạnh Dịch đến trường để khám bệnh.

Còn em Hà Văn Tiến, học sinh lớp 6A, đang về nhà điều trị cho biết: “Hiện nay em cũng đã đỡ nhiều rồi, ít ngày nữa là em lại đến trường”.

Thấp thỏm đưa con đi khám

Được thông báo có đoàn bác sĩ về khám sàng lọc cho học sinh, anh Hà Văn Dậu (43 tuổi) vượt 7km đường rừng, đưa con trai là Hà Văn Tiến (12 tuổi) từ bản Mứt đến trường: “Nó nghỉ học mấy tuần ni rồi. Tháng 11 năm ngoái, người thằng Tiến tự nhiên sưng phù lên, kêu mệt, ngủ nhiều chứ không ham chơi, chạy nhảy như bình thường. Mình thấy vậy nên đưa nó đến bệnh viện huyện khám. Bác sĩ nói nó bị viêm cầu thận, nhập viện 1 tuần rồi sau đó cho thuốc về nhà uống. Đến bựa ni cái mặt nó vẫn đang còn sưng. Bữa trước cũng có bác sĩ về tận nhà kiểm tra cho nó, nhưng mình lo lắm nên hôm nay lại đưa thằng bé đến trường khám tiếp”.

Bác sỹ khám bệnh cho hơn 200 học sinh tại Hạnh Dịch.
Bác sỹ khám bệnh cho hơn 200 học sinh tại Hạnh Dịch.

Anh Lô Văn Tuyến (bản Coong) cũng ngồi thấp thỏm đợi ngoài sân trường đợi con trai là Lô Văn Tuấn (12 tuổi) đang được các bác sĩ lấy mẫu máu, nước tiểu xét nghiệm. “Nó xuất viện, vừa mới đi học trở lại được 2 ngày thôi. Mặt nó xẹp rồi, không sưng nữa, nhưng đang “ngơ ngơ” lắm. Thấy mọi người nói là bị viêm cầu thận chứ ta cũng không biết là bệnh chi. Mong là nó đã được chữa khỏi rồi, không còn cái bệnh đó trong người nữa”, anh Tuyến nói.

Cô Lang Thị Tuyển - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Sự việc xảy ra tại nhà trường khiến các thầy cô giáo, phụ huynh học sinh đều lo lắng. Đặc biệt có 2 em học sinh của trường tử vong khiến chúng tôi rất đau lòng. Các thầy cô giáo trong trường cũng đến tận nhà từng em mắc bệnh để động viên, trấn an tâm lý.

Cô Tuyển cũng cho biết thêm, các em học sinh của trường không mắc bệnh đồng loạt, mà rải rác từ tháng 11 năm 2016 đến nay. Đây cũng là lần đầu tiên xảy ra sự việc như vậy tại trường.

Nhiều khả năng do liên cầu khuẩn

Có mặt trực tiếp tại buổi khám sàng lọc cho gần 200 học sinh Trường Tiểu học và THCS Hạnh Dịch vào ngày 22/2 - Bác sĩ Nguyễn Chí Sỹ - Khoa hồi sức, BV Sản Nhi Nghệ An, cho biết: Các bác sĩ và nhân viên y tế đang tiến hành khám sàng lọc cho học sinh, lấy mẫu máu và nước tiểu. Còn về nguyên nhân sự việc hiện tại chưa thể kết luận ngay, mà còn phải chờ kết quả của nhiều xét nghiệm khác.

Sau khi sự việc 2 em học sinh tử vong vì căn bệnh suy thận cấp, người dân nhốn nháo đưa con đi khám.
Sau khi sự việc 2 em học sinh tử vong vì căn bệnh suy thận cấp, người dân nhốn nháo đưa con đi khám.

Tuy nhiên, hội đồng chuyên môn tính đến khả năng viêm cầu thận cấp do liên cầu khuẩn. Viêm cầu thận cấp do liên cầu khuẩn có 2 thể: thể lành tính và thể ác tính. Thể lành tính thường điều trị xong đợt cấp, sau đó điều trị duy trì từ 6-9 tháng và được tiên lượng tốt, khỏi bệnh hoàn toàn nếu được điều trị đúng.

Thể ác tính có thể gây suy tim cấp, suy thận nặng dẫn tới tử vong. 2 bệnh nhân tử vong khi vào viện đều có biểu hiện suy thận, rối loạn điện giải nặng, tổn thương do hoại tử ống thận. Cũng theo bác sĩ Sĩ, nếu như do độc tố thức ăn, hóa chất hay nguồn nước chưa chắc đã là nguyên nhân bởi nếu như vậy người lớn cũng sẽ bị nhiễm bệnh.

"Chúng tôi cần có thời gian để điều tra thêm về tình hình sử dụng thực phẩm, thói quen ăn uống, điều trị thuốc nam, phác đồ điều trị bệnh nhân Viêm cầu thận cấp của người dân xã Hạnh Dịch. Để phòng bệnh, trước mắt cần tuyên truyền cho người dân, học sinh, các em nhỏ vệ sinh thân thể, răng miệng, vệ sinh môi trường sạch sẽ, ăn chín uống sôi tránh thức ăn lạ để dẫn đến ngộ độc. Khi phát hiện các biểu hiện viêm họng, viêm da hay các bệnh ngoài da cần đến các cơ sở y tế để khám.

Trong trường hợp các bé đã bị bệnh viêm cầu thận cấp sau đợt điều trị ổn định thì tiếp tục theo dõi từ 6 đến 9 tháng tiếp theo, và có thể uống thuốc phòng từng cấp 1, 2 hoặc 3 theo từng thể trạng của trẻ; đồng thời khám định kỳ", bác sĩ Nguyễn Chí Sĩ - Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu BV Sản Nhi Nghệ An đưa ra khuyến cáo.

Xã Hạnh Dịch là nơi sinh sống của hầu hết bà con người Thái. Theo bác sĩ Lang Văn Hùng - Trung tâm Y tế huyện Quế Phong cho biết: Chứng sưng phù người, chân tay theo tiếng Thái là “Pê ồm Poong”, tuy nhiên có rất nhiều bệnh có thể gây ra triệu chứng này. Riêng bệnh viêm cầu thận, theo dõi ngành y tế của huyện suốt từ năm 1990 đến nay thì không chỉ Hạnh Dịch và các xã khác của Quế Phong cũng rất ít xảy ra”.

Học sine được bác sỹ kiểm tra kỹ càng.
Học sine được bác sỹ kiểm tra kỹ càng.

Trước mắt, tại thời điểm này, các bác sĩ khuyến cáo: Trẻ cần được vệ sinh thân thể sạch sẽ. Ngoài ra, kiểm tra kỹ thức ăn, nguồn nước uống, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường. Khi có các dấu hiệu như tiểu buốt, mệt mỏi, đau bụng, phù trắng ở mí mắt, mặt, và chân tay thì đến ngay cơ sở y tế để khám bệnh. Không tự ý chữa bệnh ở nhà bằng thuốc lá khi không có chỉ định của bác sĩ.

Ông Lê Quang Trung - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng huyện Quế Phong cho biết: Ngay sau khi có hiện tượng trên xảy ra, chúng tôi đã phối hợp với chính quyền địa phương, trường học tổ chức triển khai tổng vệ sinh môi trường tại xã Hạnh Dịch, đặc biệt là tại các trường có bệnh nhân mắc bệnh. Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền vệ sinh phòng bệnh; tăng cường làm tốt vệ sinh cá nhân, hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh hiệu quả. Đồng thời phối hợp với cơ quan chức năng điều tra, giám sát mở rộng các mặt hàng hoa quả, thực phẩm, thuốc nam, nước sinh hoạt… nhằm xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh.

Lây truyền do ở nội trú

Cả 2 em đều bệnh nặng, được gia đình xin xuất viện và sau đó tử vong tại nhà. Trong số 20 bệnh nhân, có 16 bệnh nhân ăn bán trú, 4 bệnh nhân ăn ở nhà. “Có thể bệnh đã lây lan từ học sinh này sang học sinh khác vì các em bị mắc bệnh ở bậc THCS đều ở nội trú, ăn chung với nhau”, ông Lang Văn Thái - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Quế Phong nói.

Phòng giáo dục và đào tạo huyện Quế Phong đã tổ chức đoàn đến thăm hỏi, động viên gia đình 2 em học sinh tử vong. Đồng thời chỉ đạo Trường Tiểu học và THCS Hạnh Dịch phối hợp cùng các đơn vị y tế dọn dẹp vệ sinh môi trường, vệ sinh thân thể cho học sinh và giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm.

Nguyễn Duy