Vỡ bàng quang vì uống nhiều bia rượu
(Dân trí) - Tối ngày 13/2, Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn Hà Nội tiếp nhận và phẫu thuật cho một bệnh nhân đặc biệt (nam giới, 45 tuổi) với chẩn đoán vỡ bàng quang tự phát do uống quá nhiều bia rượu.
Theo lời kể của bệnh nhân và gia đình, trước đó một ngày, bệnh nhân đi ăn cỗ có uống nhiều rượu, sau đó uống thêm khoảng hơn 5 cốc bia rồi đi ngủ. Sau 4 tiếng tỉnh dậy thấy xuất hiện đau bụng, kèm theo cảm giác mót tiểu nhưng không đi tiểu được.
Bệnh nhân được gia đình đưa vào viện trong tình trạng: tỉnh táo, không sốt, đau khắp bụng, buồn đi tiểu nhưng không tiểu được. Siêu âm phát hiện thấy có đường vỡ mặt trên bàng quang gây tràn nước tiểu vào trong ổ bụng. Các bác sĩ đã tiến hành mổ cấp cứu, khâu 25mm thành bàng quang vỡ, lau rửa ổ bụng. Hiện tại tình trạng bệnh nhân ổn định.
Vỡ bàng quang tự phát do lạm dụng bia rượu là một bệnh lý rất hiếm gặp. Nguyên nhân do nồng độ cồn trong máu cao đã ức chế vỏ não và một số trung tâm thần kinh điều khiển tiểu tiện, gây rối loạn ý thức nên người bệnh không có cảm giác buồn đi tiểu làm cho dung tích bàng quang tăng quá ngưỡng cho phép, hậu quả cuối cùng là bàng quang bị vỡ.
Vỡ bàng quang là một bệnh lý cấp cứu ngoại khoa, nếu không được phát hiện và phẫu thuật kịp thời sẽ gây ra những biến chứng và hậu quả hết sức nặng nề như viêm phúc mạc, viêm tấy nước tiểu khoang Retzius vùng tiểu khung, viêm xương chậu, xơ hoá khoang sau phúc mạc..., thậm chí có thể gây tử vong.
Theo báo cáo của nhiều tác giả trên thế giới, vỡ bàng quang do lạm dụng bia rượu, bệnh nhân thường đến bệnh viện muộn nên việc điều trị sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Chẩn đoán dựa vào lâm sàng, siêu âm, chụp bàng quang ngược dòng. Ở những cơ sở y tế không có máy siêu âm, không có máy chụp X-quang, việc chẩn đoán sớm thường khó, đặc biệt thể bệnh vỡ bàng quang ngoài ổ phúc mạc.
Bàng quang là một tạng rỗng chứa nước tiểu nằm trong chậu hông bé, ngoài ổ phúc mạc. Khi đầy nước tiểu, bàng quang có dạng hình cầu, dung tích khoảng từ 250 đến 350ml ở người trưởng thành. Tổ chức liên kết của thành bàng quang có nhiều cấu trúc collagen có tính đàn hồi cao nên trong những trường hợp đặc biệt, bàng quang có thể tăng thể tích lên tới 300% so với dung tích bình thường.
Khi bàng quang có dung tích khoảng 350ml, áp lực thành bàng quang vào khoảng 10 mmHg, sẽ có cảm giác mót đi tiểu, trên 400 ml thì có cảm giác rất mót đi tiểu, trên 600 ml thì cảm thấy đau tức không thể chịu được.
Hoạt động tiểu tiện của bàng quang chịu sự chi phối của trung tâm thần kinh điều khiển tiểu tiện ở S2 - S4 của tủy sống, tiểu não và vỏ não. Ở người trưởng thành, khi bàng quang căng giãn gây cảm giác buồn đi tiểu. Cảm giác này được điều khiển theo ý muốn từ vỏ não. Khi chưa có điều kiện đi tiểu, vỏ não sẽ ức chế phản xạ dây cùng S2 - S4.
Ngược lại, phản xạ mót tiểu được truyền từ vỏ não theo cung cảm giác đến kích thích hoạt động phản xạ của dây cùng qua cung vận động ở S2 - S4 làm bàng quang co bóp đẩy nước tiểu ra ngoài.
BS Trần Văn Phúc
Bệnh viện Xanh Pôn