Virus corona có thể tiến hóa nguy hiểm hơn cả cúm mùa?
(Dân trí) - 2019-nCoV là một loại virus mới và chúng ta không biết nhiều thông tin về nó. Chính vì vậy, khó có thể chắc chắn được rằng mầm bệnh này có tiến hóa thành một thứ gì đó tồi tệ hơn hay không.
Bệnh cúm mùa đã giết chết nhiều người hơn virus corona mới (2019-nCoV). Tuy nhiên, số ca tử vong không phải là yếu tố mà các bác sĩ và chuyên gia y tế sử dụng làm chỉ tiêu hàng đầu để đánh giá sự nguy hiểm của dịch bệnh, đó là chia sẻ của chuyên gia bệnh truyền nhiễm Ian Lipkin. Chuyên gia này phân tích: “2019-nCoV là một loại virus mới và chúng ta không biết nhiều thông tin về nó. Chính vì vậy, khó có thể chắc chắn được rằng mầm bệnh này liệu có tiến hóa thành một thứ gì đó tồi tệ hơn hay không”.
Số ca tử vong không phản ánh được hết sự nguy hiểm của một loại virus mới
Dưới góc độ là một chuyên gia cũng đã tham gia vào công cuộc chống dịch SARS năm 2003, Ian Lipkin nhận định, bệnh cúm mùa vẫn cho thấy sự nguy hiểm thường trực của nó, khi mà mỗi năm nó cướp đi mạng sống của 650.000 người trên toàn thế giới. Nhìn về dịch viêm phổi lạ do 2019-nCoV, số người chết hiện tại đang dừng ở mức trên 1000. “Nhìn vào sự chênh lệch quá lớn giữa số ca tử vong, có thể thấy, thử thách do virus corona mới gây ra với nhân loại gần như chưa thể sánh ngang với bệnh cúm mùa” – Chuyên gia Ian Lipkin nói.
Tuy nhiên, theo chuyên gia truyền nhiễm này, số ca tử vong không phải là yếu tố duy nhất mà chúng ta cần quan tâm khi đánh giá một dịch bệnh. “Chúng ta vẫn còn khá mơ hồ về khả năng lây truyền của nó. Chúng ta cũng chưa có được một phương pháp xét nghiệm thực sự chính xác và chúng ta cũng không biết được dịch phổi lạ này sẽ còn tiến triển đến đâu”- Ông cảnh báo – “Thứ duy nhất chúng ta có ở thời điểm hiện tại, không phải vắc-xin hay thuốc điều trị đặc hiệu, mà là các chính sách để ngăn chặn sự lây lan của bệnh dịch”.
Virus thuộc chủng corona hầu như chỉ có khả năng tấn công các loài động vật. Tuy nhiên, vào một số trường hợp, nó có thể tiến hóa và lây nhiễm cho con người, điển hình như dịch SARS (Hội chứng hô hấp cấp tính nặng), dịch MERS (Hội chứng Hô hấp Trung đông) hay mới đây là dịch viêm phổi lạ do 2019-nCoV bùng phát từ Vũ Hán, Trung Quốc.
Theo các chuyên gia y tế, virus corona mới có thể lây truyền từ người sang người ngay cả trong giai đoạn ủ bệnh. Thống kê cũng cho thấy rằng, khoảng 20% các ca bệnh được xác nhận ở tình trạng nặng dẫn đến viêm phổi và suy hô hấp.
Chuyên gia Ian Lipkin cho biết, tỷ lệ tử vong do virus corona mới sẽ nằm ở mức ít hơn 1%. Tuy nhiên, theo ông, những “bức tranh” này chỉ dừng lại ở lý thuyết. Cần nhiều xét nghiệm kháng thể hơn bình thường để có thể kết luận: “Người nào đã bị nhiễm virus corona mới nhưng không biểu hiện triệu chứng”. Và chính những ca nhiễm mầm bệnh “âm thầm” này sẽ tiềm ẩn những rủi ro bất ngờ đối với chúng ta.
Nhiều bằng chứng cho thấy những mối nguy hiểm khó lường của 2019-nCoV
Ngày 10/2, nhà dịch tễ học nổi tiếng người Trung Quốc Zhong Nan-shan đã công bố nghiên cứu mới về 2019-nCoV với một kết quả đáng quan ngại. Theo đó, sau khi tiến hành phân tích bệnh án của 1.099 bệnh nhân nhiễm virus corona mới tại 552 bệnh viện trên toàn Trung Quốc, thời gian ủ bệnh của các ca bệnh được xác định kéo dài từ 0-24 ngày, trong đó thời gian ủ bệnh trung bình là 3 ngày, ít hơn so với con số 5 ngày, được đưa ra trong một cuộc nghiên cứu khác được tiến hành gần đây. Điều đáng nói là trước đó, các chuyên gia y tế cho biết virus corona mới có thời gian ủ bệnh chỉ từ 2-14 ngày.
Vào đêm 10/2 sau khi 2 cư dân được xác nhận nhiễm virus corona mới, Hong Kong buộc phải sơ tán một phần cư dân tại một chung cư ở Tsing Yi. Trong buổi họp báo vào rạng sáng ngày 11/2, giáo sư Viên Quốc Dũng, nhà vi khuẩn học Hong Kong đã nhận định về rủi ro virus này có khả năng lây lan qua đường ống nước: “Hệ thống nước thải có điểm kết nối với ống thông khí, nên không loại trừ khả năng virus trong phân người bệnh sẽ bị phát tán”.
Cách đây vài ngày, các nhà khoa học Thượng Hải, Trung Quốc cũng đã chứng minh và công bố là virus corona mới lây qua khí dung. Khí dung là phương pháp xông mũi họng thông qua một mặt nạ đặc biệt trong điều trị các bệnh lý đường hô hấp như viêm mũi họng, viêm phế quản... Tuy nhiên, cần không cần quá lo ngại, bởi phương pháp xông khí dung cần được chỉ định của bác sĩ và chỉ sử dụng trong các bệnh viện, cơ sở y tế. Vì vậy, con đường phát tán dịch qua khí dung chỉ diễn ra ở các bệnh viện, mà cụ thể là những phòng bệnh có bệnh nhân sử dụng phương pháp này.
Bộ Y tế khẳng định, đến thời điểm hiện tại, khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới WHO cho thấy chỉ có 3 đường lây cơ bản của virus corona, bao gồm: Lây truyền qua không khí- ở đây là lây qua việc tiếp xúc với giọt nước bọt từ người ho, hắt hơi, sổ mũi vào đường hô hấp; lây trực tiếp- khi tiếp xúc với người bệnh, bắt tay người bệnh nếu không thực hiện biện pháp phòng bệnh, rửa tay với xà phòng; và lây truyền từ bề mặt đã nhiễm bẩn.
Minh Nhật
Theo CNBC, CDC