Việt Nam "xuất khẩu" điều dưỡng, nữ hộ sinh

Tú Anh

(Dân trí) - Với trên 27.000 nữ hộ sinh được đào tạo kiến thức bài bản, thực hành kỹ trong bệnh viện trước khi ra hành nghề đã góp phần giảm tỉ lệ tử vong bà mẹ, tỉ lệ tử vong sơ sinh tại Việt Nam.

Chiều 5/5, Bệnh viện Phụ sản Trung ương tổ chức kỷ niệm Ngày Hộ sinh quốc tế 5/5 và Ngày Điều dưỡng quốc tế 12/5. 

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đánh giá cao vai trò của các nữ hộ sinh trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe bà mẹ, trẻ em.

Việt Nam xuất khẩu điều dưỡng, nữ hộ sinh - 1

Hình ảnh các nữ hộ sinh chăm sóc trẻ trong đại dịch Covid-19 (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).

Ông cũng chia sẻ ấn tượng với hình ảnh trong đại dịch Covid-19, những người nữ hộ sinh vừa giúp đỡ đẻ, chăm sóc các bà mẹ, rồi cũng chính là những "người mẹ" chăm sóc các em bé sau sinh.

Việt Nam xuất khẩu điều dưỡng, nữ hộ sinh - 2

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế (Ảnh: Dung Dung).

PGS.TS Trần Danh Cường, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương gọi những nữ hộ sinh là "nữ anh hùng thầm lặng" bởi những đóng góp thầm lặng nhưng không thể thiếu của họ trong công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em.

Việt Nam xuất khẩu điều dưỡng, nữ hộ sinh - 3

Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương (đứng giữa) tặng hoa tri ân các nữ hộ sinh (Ảnh: Dung Dung).

Ông Đinh Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em cho biết, trong thời gian qua, mạng lưới hộ sinh Việt Nam rất phát triển. Từ chỗ chỉ có các bà đỡ dân gian, hầu như không được đào tạo, hành nghề theo lối truyền tay, mẹ dạy cho con, bà dạy cho cháu để đỡ đẻ, đến ngày nay, chúng ta có đội ngũ hộ sinh có thể nói rất hùng hậu. Hiện Việt Nam có trên 27.000 hộ sinh các cấp, được đào tạo các kiến thức khoa học bài bản, được thực hành kỹ trong bệnh viện trước khi ra hành nghề.

"Đội ngũ hộ sinh đóng góp rất nhiều trong công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em. Việt Nam là một trong những quốc gia được quốc tế đánh giá là điểm sáng trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ về giảm tử vong mẹ và giảm tử vong trẻ em. Chúng ta đã giảm 3/4 số tử vong bà mẹ, giảm 2/3 số  tử vong trẻ em so với năm 1990", ông Tuấn nói.

Theo ông Tuấn, có được thành tựu này, đóng góp của nữ hộ sinh là rất lớn. Dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em không chỉ giới hạn ở vấn đề đỡ đẻ mà nhiều vấn đề khác: Chăm sóc trước, trong mang thai, chăm sóc trẻ sơ sinh, ngoài ra phòng chống bệnh đường sinh sản, chăm sóc, phát hiện sớm ung thư vú, ung thư cổ tử cung…

"Một ca đẻ thường, hộ sinh chăm sóc toàn diện. Với ca khó, hộ sinh tham gia cùng bác sĩ chuyên khoa, nhưng ca đẻ khó chỉ chiếm 10-20%. Như vậy, chúng ta thấy khối lượng công việc hộ sinh đóng góp. Ngoài ra, các việc liên quan đến kế hoạch hóa gia đình, phá thai an toàn, tuyên truyền vận động tư vấn... đều do nữ hộ sinh thực hiện", ông Tuấn nói.

Ở vùng sâu, các cô đỡ thôn bản cũng chính là những nữ hộ sinh. Họ là những người hàng ngày, hàng đêm bám trụ ở vùng sâu xa, khó khăn nhất để cung cấp các dịch vụ hộ sinh cho bà mẹ, trẻ em an toàn, giúp giảm tử vong mẹ, tử vong trẻ em ở vùng khó khăn.

Sau khi hoàn thành các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ vào năm 2015, hiện Việt Nam đang cùng cộng đồng quốc tế thực hiện mục tiêu phát triển bền vững. Mục tiêu này còn toàn diện hơn, đòi hỏi cao hơn nhiều so với mục tiêu phát triển thiên niên kỷ. "Chúng ta phải tiếp tục giảm tỉ lệ tử vong mẹ, tỉ lệ tử vong trẻ em. Bên cạnh giảm tử vong, chúng ta phải nâng cao sức khỏe, cải thiện chất lượng cuộc sống cho phụ nữ và trẻ em, giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng, đặc biệt là suy dinh dưỡng thấp còi", ông Tuấn nói.

Theo ông Tuấn, đội ngũ hộ sinh ngày càng phát triển về số lượng, chất lượng, không chỉ đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em trong nước, mà Việt Nam còn tiến tới "xuất khẩu" điều dưỡng, nữ hộ sinh đến nhiều quốc gia khác.