Việt Nam xuất hiện Omicron: Nguy cơ dịch lây lan mạnh, tăng áp lực điều trị
(Dân trí) - Việc siêu biến thể Omicron xuất hiện ở Việt Nam dấy lên lo ngại về một làn sóng Covid-19 mới trong bối cảnh tình hình dịch ở nhiều địa phương, đặc biệt là Hà Nội đang rất nóng.
Có thể còn có những ca nhiễm Omicron khác
Trưa 28/12, Bộ Y tế công bố ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên tại Việt Nam. Đây là hành khách trên chuyến bay QH9028 từ Anh Quốc về Việt Nam. Đáng chú ý, theo điều tra có 165 người đi cùng chuyến bay với bệnh nhân này. Tất cả cũng đã được cách ly tập trung theo quy định. Trong đó, chủ yếu là người ở Hà Nội và 3 địa phương khác.
Việc siêu biến thể Omicron xuất hiện ở Việt Nam dấy lên lo ngại về một làn sóng Covid-19 mới trong bối cảnh tình hình dịch ở nhiều địa phương, đặc biệt là Hà Nội đang rất nóng.
Trao đổi với Dân trí, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam nhận định, việc xuất hiện biến thể Omicron là điều không nằm ngoài dự báo, khi Việt Nam dần mở cửa trở lại với các nước.
PGS Phu phân tích: "Biến thể Omicron có 36 đột biến trong protein gai, thứ giúp virus SARS-CoV-2 xâm nhập vào tế bào người dẫn đến tốc độ lây lan nhanh. Việt Nam đã phát hiện trường hợp đầu tiên nhiễm Omicron nhưng có thể đây không phải là trường hợp duy nhất ở thời điểm hiện tại. Nhiều nước trên thế giới cũng đã có tình trạng Omicron xâm nhập nhưng không phát hiện. Do đó chúng ta cần đề phòng những trường hợp có thể chưa được phát hiện".
Lo ngại dịch lây lan mạnh trong dịp cuối năm
PGS Phu bày tỏ lo ngại về việc dịch có thể lan nhanh trong các dịp lễ tết cuối năm, do đây là thời điểm người dân đi lại tiếp xúc nhiều, trong khi chúng ta đang phải đối phó với chủng Delta, giờ lại xuất hiện thêm Omicron. Thậm chí, theo chuyên gia này, việc người dân về quê dịp Tết khiến nguy cơ lây lan không chỉ trong nội tỉnh mà có thể là giữa các tỉnh thành, cả nước.
Do đó, các địa phương phải thực hiện đánh giá nguy cơ, xây dựng sẵn các kịch bản chi tiết, để đáp ứng với các tình huống có thể xảy ra. Tùy diễn biến dịch để xem xét có thể mở hoạt động nào, tạm dừng hoạt động nào.
"Trong tình hình hiện nay, nguy cơ đến đâu, đáp ứng đến đó. Tránh việc đáp ứng không tới khiến dịch không được kiểm soát hay ngược lại là đáp ứng thái quá ảnh hưởng đến đời sống và kinh tế của người dân", PGS Phu nhấn mạnh.
Về phía người dân, theo chuyên gia này, cần thực hiện nghiêm túc khuyến cáo 5K của Bộ Y tế. Người dân nên hạn chế đi lại, xuất hiện ở nơi đông người nếu không cần thiết.
Nguy cơ tăng áp lực lên hệ thống điều trị
PGS Phu nhấn mạnh việc Omicron có khả năng lây lan nhanh có thể khiến số lượng bệnh nhân tăng vọt trong thời gian ngắn. Tình trạng này gây áp lực lớn lên hệ thống điều trị, đặc biệt là các địa phương dịch vốn đã rất căng thẳng.
"Nếu việc phân tầng điều trị không chuẩn sẽ dẫn đến tình trạng các ca bệnh nhẹ được can thiệp y tế, trong khi đó ca bệnh nặng lại không được can thiệp, từ đó làm tăng nguy cơ bệnh nhân tử vong", PGS Phu nhấn mạnh.
Theo chuyên gia này, các địa phương cần đẩy nhanh việc tiêm phòng vaccine Covid-19. Mặc dù vấn đề Omicron có vô hiệu hóa hay làm giảm hiệu quả vaccine Covid-19 hay không vẫn chưa thực sự sáng tỏ, nhưng một số nghiên cứu của quốc tế cho rằng, tiêm vaccine mũi 3 sẽ có tác dụng bảo vệ tốt hơn trước chủng mới.
Đặc biệt, PGS Phu lưu ý việc ưu tiên bảo vệ các đối tượng yếu thế trước Covid-19 như người cao tuổi, người có bệnh nên cần được đặt lên hàng đầu.
"Đây là những đối tượng có nguy cơ diễn biến nặng cao. Việc hạn chế các ca bệnh nặng sẽ giúp giảm tải cho hệ thống y tế, đặc biệt là đơn vị cấp cứu - hồi sức, từ đó giảm tỷ lệ tử vong", PGS Phu nhấn mạnh.