1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Việt Nam vẫn tiếp tục tiêm vắc xin Covid-19 của AstraZeneca

(Dân trí) - Đan Mạch dừng tiêm vắc xin Covid-19 của AstraZeneca trước lo ngại về các trường hợp bị đông máu dù hiếm gặp. Trong khi đó, Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục tiêm vắc xin này.

Tại Việt Nam, đến nay đã có hơn 62.000 người tại 19 tỉnh, thành được tiêm vắc xin phòng Covid-19 của AstraZeneca, trong đó chưa phát hiện trường hợp nào gặp biến chứng về đông máu. Tất cả những trường hợp gặp phản ứng phụ nặng đến nay đều đã được xử lý kịp thời. 

Trước thông tin Đan Mạch dừng tiêm vắc xin Covid-19 của AstraZeneca, Bộ Y tế cho biết sẽ tiếp tục triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 của AstraZeneca. Việt Nam đang tiêm nốt số vắc xin Covid-19 tiếp nhận trong đợt 1, đồng thời chuẩn bị kế hoạch để tiêm tiếp đợt 2. 

Việt Nam vẫn tiếp tục tiêm vắc xin Covid-19 của AstraZeneca - 1

Tổ chức Y tế Thế giới, Cơ quan Dược châu Âu vẫn khuyến cáo tiêm vắc xin này vì biến cố đông máu rất hiếm gặp và "lợi ích do vắc xin mang lại lớn hơn nguy cơ tác dụng phụ". 

Báo cáo trước đó của WHO, cho thấy tỷ lệ bệnh nhân bị đông máu không vượt quá tỷ lệ thông thường khi không có can thiệp vắc xin. Hay nói cách khác trong thời điểm không tiêm chủng thì vẫn có một tỷ lệ nhất định trong cộng đồng bị đông máu. 

Thế giới đang có hiện tượng vắc xin cung cấp không đủ mua, đang ở trong "cuộc đua tranh khốc liệt". Do đó, Việt Nam phải cố gắng hết sức để có vắc xin ngừa Covid-19 sớm nhất.

Ngày 14/4, trước tình hình dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên thế giới,  Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 có công văn khẩn gửi Quảng Ninh, Hải Dương, Tây Ninh, TP Hà Nội và TP HCM về việc tăng cường các biện pháp phòng chống dịch. 

Trong đó nhấn mạnh đến công tác giám sát và quản lý người nhập cảnh; không được chủ quan lơ là trong công tác phòng chống dịch, tiếp tục quản lý chặt chẽ xuất nhập cảnh qua biên giới. Đồng thời, chỉ đạo khẩn trương triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 theo số lượng đã được phân bổ và kế hoạch sử dụng vắc xin Covid-19 tại địa phương đảm bảo đúng tiến độ xong trước ngày 15/5, đúng đối tượng, an toàn, hiệu quả.

Đặc biệt, cần theo dõi, thành lập các đội xử trí sự cố bất lợi sau tiêm chủng; bố trí đủ cơ số thuốc chống sốc phản vệ để xử trí kịp thời các trường hợp sự cố bất lợi nặng nếu có sau tiêm chủng.

Ngày 14/4, Đan Mạch tuyên bố dừng hẳn việc vắc xin Covid-19 của AstraZeneca. Động thái này được đưa ra bất chấp khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Cơ quan Dược châu Âu (EMA) về việc tiếp tục sử dụng vắc xin AstraZeneca để phòng ngừa Covid-19.

Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh đến nay, gần một triệu người trong số 5,8 triệu dân số của Đan Mạch đã tiêm mũi đầu tiên, 77% tiêm vắc xin Pfizer-BioNTech, 7,8% của Moderna và 15,3% của AstraZeneca. 2 trong số 140.000 người tiêm vắc xin AstraZeneca đã gặp biến chứng đông máu, trong đó có một người tử vong. Ngoài ra, Đan Mạch cũng đang kiểm soát tốt dịch bệnh, đang nới lỏng các hạn chế sau khi tỷ lệ nhiễm Covid-19 hàng ngày của họ giảm xuống 500-600 từ vài nghìn vào tháng 12.

Trước đó, EMA thông báo đã phát hiện ra mối liên hệ giữa vắc xin AstraZeneca và các trường hợp đông máu hiếm gặp sau khi tiêm vắc xin. Tuy nhiên, EMA vẫn khuyến cáo các nước tiếp tục sử dụng vắc xin này, vì "lợi ích do vắc xin mang lại lớn hơn nguy cơ tác dụng phụ". Theo đó, nguy cơ tử vong do Covid-19 lớn hơn nhiều so với nguy cơ tử vong do các tác dụng phụ hiếm gặp. 

Tuy nhiên, EMA cũng để cho các quốc gia tự đưa ra đánh giá của mình về vắc xin và quyết định cách thức tiêm vắc xin dựa trên điều kiện của từng nước. 

Sau khi tạm ngừng, nhiều quốc gia ở châu Âu và một số nơi khác đã tiếp tục tiêm vắc xin AstraZeneca, với một số hạn chế nó ở một số nhóm tuổi nhất định, chủ yếu là những người trên 50 tuổi hoặc trên 60 tuổi.