Việt Nam loại trừ bệnh sốt rét tại 25 tỉnh thành

(Dân trí) - PGS.TS Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương cho biết, lần đầu tiên Chương trình phòng chống sốt rét Việt Nam thực hiện thành công loại trừ bệnh sốt rét trên phạm vi một tỉnh.

Từ năm 2009 đến năm 2018, số người mắc sốt rét giảm dần qua các năm, từ 60.867 người năm 2009 xuống còn 6.870 người năm 2009 (giảm 88,71%); Số người chết do bị bệnh sốt rét giảm từ 27 trường hợp xuống còn 1 trường hợp. Đồng thời, phạm vi và số người sống trong vùng có bệnh sốt rét lưu hành cũng ngày càng bị thu hẹp.

Việt Nam loại trừ bệnh sốt rét tại 25 tỉnh thành - 1
Muỗi anophen truyền bệnh sốt rét

Hiện nay, bệnh sốt rét hiện nay tập trung chủ yếu ở các tỉnh Bình Phước, Gia Lai, Kon Tum, Đăk Lăk, Đăk Nông, Phú Yên, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Bình Thuận.

Theo PGS Dương, với kết quả này, Việt Nam đã sớm đạt được Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ về phòng chống sốt rét..

Thực hiện kế hoạch hoạt động năm 2019 về phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét, ngay từ đầu năm, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương với nhiệm vụ được Bộ Y tế giao là đơn vị chủ trì tổ chức, triển khai thực hiện hoạt động phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét đã xây dựng kế hoạch xét công nhận loại trừ bệnh sốt rét tại 25 tỉnh, thành phố trong năm 2019 theo Lộ trình loại trừ bệnh sốt rét tại Việt Nam đến năm 2025 và định hướng đến 2030.

Các đơn vị liên quan cùng đại diện Tổ chức Y tế thế giới đã rà soát hồ sơ, xem xét đề nghị công nhận 25 tỉnh, thành phố đạt các tiêu chí loại trừ bệnh sốt rét năm 2019 gồm: Sơn La, Yên Bái, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, TP Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Quảng Ninh, TP. Đà Nẵng, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, TP Cần Thơ, Hậu Giang.

Đây là các tỉnh không phát hiện trường hợp bệnh sốt rét lan truyền tại chỗ trong 5 năm liền và được ngành y tế địa phương xây dựng và duy trì hệ thống giám sát bệnh tật tốt, đảm bảo yêu cầu chuyên môn về phát hiện và xử các trường hợp bệnh sốt rét ngoại lai. 

Theo PGS Dương, để nhân rộng và duy trì thành quả loại trừ bệnh sốt rét tại 25 tỉnh và đạt mục tiêu loại trừ sốt rét do Plasmodium falciparum vào năm 2025, loại trừ hoàn toàn các loài ký sinh trùng sốt rét trên phạm vi toàn quốc vào năm 2030, tại các địa phương có bệnh sốt rét lưu hành, đặc biệt là các vùng trọng điểm về sốt rét và sốt rét kháng thuốc, chính quyền các cấp và ngành y tế địa phương cần chủ động xây dựng kế hoạch và bố trí kinh phí hàng năm cho công tác phòng, chống và loại trừ bệnh sốt rét theo phân cấp, đáp ứng nhu cầu về nguồn lực cho công tác phòng chống và loại trừ sốt rét ở địa phương.

Bên cạnh đó cần đẩy mạnh các hoạt động phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét, đặc biệt tập trung vào công tác tuyên truyền phòng bệnh, giám sát, điều tra, can thiệp xử lý trường hợp bệnh, ổ bệnh nhằm ngăn chặn và cắt đứt nguồn lây nhiễm ra cộng đồng, duy trì ổn định những thành quả giảm mắc, giảm chết do bệnh sốt rét gây ra và tiến tới loại trừ bệnh sốt rét theo lộ trình.

Đối với 25 tỉnh đã được xác nhận loại trừ bệnh sốt rét năm 2019, để duy trì thành quả đã đạt được, các địa phương cần tiếp tục triển khai các hoạt động giám sát nhằm duy trì tình trạng không có sốt rét, tập trung vào việc giải quyết các vấn đề liên quan đến sốt rét ngoại lai và ngăn ngừa bệnh sốt rét quay trở lại, góp phần tích cực vào công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Tú Anh