Việt Nam lần đầu có phòng xét nghiệm nuôi động vật để thử nghiệm vaccine

Hoàng Lê

(Dân trí) - Phòng xét nghiệm an toàn sinh học cấp 3 vừa đi vào hoạt động tại Viện Pasteur TPHCM là nơi đầu tiên tại Việt Nam có module nghiên cứu trên động vật để phục vụ thử nghiệm vaccine Covid-19.

Sáng 17/1, tại Viện Pasteur TPHCM đã diễn ra lễ khánh thành phòng xét nghiệm an toàn sinh học (ATSH) cấp III. Đây là công trình nằm trong khuôn khổ dự án nâng cao năng lực cho hệ thống phòng xét nghiệm y tế về an toàn sinh học và xét nghiệm tác nhân gây bệnh truyền nhiễm nguy hiểm tại Việt Nam, Lào, Campuchia, kéo dài 5 năm (2018-2022).

Việt Nam lần đầu có phòng xét nghiệm nuôi động vật để thử nghiệm vaccine - 1

TS.BS Nguyễn Vũ Thượng, Phó Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM (bìa trái) và phía JICA Nhật Bản mở băng khánh thành phòng xét nghiệm ATSH cấp III (Ảnh: Hoàng Lê).

TS.BS Hoàng Quốc Cường, Phó Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM cho biết, dự án xây dựng phòng xét nghiệm ATSH cấp 3 tại đây được đề xuất hỗ trợ kỹ thuật bằng vốn ODA của JICA Nhật Bản. Phòng xét nghiệm ATSH cấp III được dùng để nghiên cứu thử nghiệm vaccine Covid-19 trên động vật và người, nghiên cứu các thuốc, chế phẩm diệt virus SARS-CoV-2, đồng thời phục vụ xét nghiệm chẩn đoán các tác nhân gây bệnh nguy hiện có nguy cơ lây nhiễm nhóm A.

Việt Nam lần đầu có phòng xét nghiệm nuôi động vật để thử nghiệm vaccine - 2

Đây là phòng xét nghiệm đầu tiên ở Việt Nam có module nghiên cứu trên động vật để phục vụ thử nghiệm thuốc/vaccine (Ảnh: Hoàng Lê).

Đặc biệt, đây cũng là phòng xét nghiệm đầu tiên ở Việt Nam có module nghiên cứu trên động vật để phục vụ thử nghiệm thuốc/vaccine, giai đoạn tiền lâm sàng. Việc xây dựng phòng xét nghiệm ATSH cấp III yêu cầu các quy định chặt chẽ, kinh phí xây dựng là rất lớn, các thiết bị hiện đại của phòng thí nghiệm được nhập từ Nhật Bản nên cần hỗ trợ kĩ thuật rất nhiều từ phía nước bạn và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.

Trước đó, JICA cũng đã hỗ trợ Viện Pasteur TPHCM phòng ATSH cấp 3 di động hoạt động rất hiệu quả, góp phần không nhỏ trong việc phòng chống đợt dịch Covid-19 vừa qua.

Việt Nam lần đầu có phòng xét nghiệm nuôi động vật để thử nghiệm vaccine - 3

TS.BS Hoàng Quốc Cường (bìa trái) cho biết, việc phòng xét nghiệm có module nghiên cứu trên động vật sẽ mở ra nhiều hướng nghiên cứu mới cho Việt Nam (Ảnh: Hoàng Lê).

Bắt đầu xây dựng từ tháng 6/2021, dù đợt bùng phát dịch lần thứ 4 tại TPHCM đã ảnh hưởng đến việc thi công, một số nhân công trong quá trình xây dựng cũng đã thành F0 nhưng bằng nỗ lực ngày đêm của các bên, phòng xét nghiệm ATSH cấp III đã hoàn thành kịp tiến độ trong vòng đúng 6 tháng.

Lãnh đạo Viện Pasteur TPHCM cho biết, phòng xét nghiệm ATSH cấp III vừa khánh thành là công trình ghi dấu sự hợp tác giữa hai chính phủ Việt Nam và Nhật Bản. Viện sẽ cố gắng sử dụng phòng xét nghiệm này một cách hiệu quả, an toàn, để phục vụ công tác nghiên cứu, xét nghiệm chẩn đoán các tác nhân gây bệnh nguy hiểm có nguy cơ lây nhiễm cao, đặc biệt là trên tác nhân Covid-19.

Việt Nam lần đầu có phòng xét nghiệm nuôi động vật để thử nghiệm vaccine - 4

Khay nuôi nhốt động vật để thực hiện nghiên cứu trong phòng ATSH cấp III (Ảnh: Hoàng Lê).

Trao đổi với PV Dân trí, TS.BS Hoàng Quốc Cường chia sẻ, trước đây vì chưa có phòng xét nghiệm trực tiếp nuôi động vật để phục vụ thử nghiệm thuốc/vaccine, các đề tài nghiên cứu thường phải gửi sang nước ngoài thực hiện, với chi phí lên đến hơn một triệu đô la Mỹ/đề tài. Do đó, việc phòng xét nghiệm của Viện có module nghiên cứu trên động vật sẽ giúp tiết kiệm chi phí hơn, mở ra nhiều hướng nghiên cứu mới cho Việt Nam.

Ước tính, chi phí vận hành, hoạt động của phòng xét nghiệm ATSH cấp III là khoảng 2 tỷ đồng/năm.