1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Việt Nam đứng thứ 12 về số người mắc lao

(Dân trí) - Tại Việt Nam, mặc dù chương trình chống lao quốc gia đã đạt được nhiều thành tựu trong kiểm soát, phát hiện và điều trị, song bệnh lao ở nước ta vẫn còn nặng nề, đứng thứ 12 trong số 22 nước có tình hình dịch tễ lao cao nhất, thứ 14 trong số 27 nước có gánh nặng bệnh lao đa kháng thuốc cao nhất thế giới (báo cáo WHO năm 2014).

Chiều 21/8, tại Đà Nẵng đã diễn ra hội nghị khoa học bệnh phổi toàn quốc lần thứ VI với chủ đề “Kiểm soát tốt các bệnh hô hấp từ bệnh viện đến cộng đồng” do Hội lao và bệnh phổi Việt Nam và Bệnh viện Phổi trung ương phối hợp tổ chức.

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương, cho biết, theo báo cáo toàn cầu về bệnh lao và kiểm soát bệnh lao năm 2014 của Tổ chức Y tế thế giới, hiện có 1/3 dân số thế giới đã nhiễm lao. Bệnh lao là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 2 trong các bệnh nhiễm trùng. Tình hình dịch tễ lao kháng thuốc đang có diễn biến phức tạp và xảy ra ở hầu hết các quốc gia.

Ước tính năm 2013, trên toàn thế giới có 12 triệu người hiện mắc lao, 9 triệu người mới mắc lao, 13% dân số mắc lao có đồng nhiễm HIV, 1 triệu rưỡi người tử vong do lao, trong đó 0,36 triệu người tử vong có đồng nhiễm HIV, 65.000 người mắc lao đa kháng thuốc.

Tỷ lệ lao đa kháng thuốc: 3,5% trong số bệnh nhân mới và 29,5% trong số bệnh nhân đã từng điều trị lao. Ước tính có 480.000 người mắc lao đa kháng thuốc, trong đó có khoảng 9% là lao siêu kháng. Tỷ lệ điều trị thành công đa kháng trên toàn cầu mới đạt 48%, tuy nhiên Việt Nam là 1 trong 5 nước trên thế giới đạt tỷ lệ điều trị thành công lao kháng thuốc.

 

img-8138-d99b1
Toàn cảnh hội nghị

Ngày 19/5/2014, tại Geneva, Thụy Sỹ, Đại hội đồng Y tế thế giới đã phê duyệt “Chiến lược kết thúc dịch tễ bệnh lao - Global end TB Strategy”, trong đó nói rõ toàn cầu đồng thuận mục tiêu giảm xuống dưới 10 người mắc lao trên 100.000 dân vào năm 2035 và cắt giảm 95% số người chết do lao vào năm 2035 so với con số năm 2015.

Tại Việt Nam, mặc dù chương trình chống lao quốc gia đã đạt được nhiều thành tựu trong kiểm soát, phát hiện và điều trị, song bệnh lao ở nước ta vẫn còn nặng nề, đứng thứ 12 trong số 22 nước có tình hình dịch tễ lao cao nhất, thứ 14 trong số 27 nước có gánh nặng bệnh lao đa kháng thuốc cao nhất thế giới (báo cáo WHO năm 2014).

Năm 2013, có 17.000 người tử vong vì lao, 130.000 người mắc lao mới (tỷ lệ 144/100.000 dân số), tỷ lệ đa kháng thuốc trong số bệnh nhân mới là 4%, trong số người đã từng điều trị lao là 23%, ước tính có 5.100 bệnh nhân lao kháng thuốc trong năm 2013. Tỷ lệ có nhiễm HIV trong số người mắc lao được xét nghiệm là 6%.

Ngày 17/3/2015, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng chống lao đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 với mục tiêu giảm 30% số mắc và 40% số tử vong trong 5 năm từ 2015 - 2020. Đây là mục tiêu rất cao nhưng có cơ sở khoa học và thực tiễn, đòi hỏi phải có 4 đổi mới đó là tư duy, công nghệ, tiếp cận và đầu tư. Với 8 giải pháp toàn diện và có điểm đột phá, mục tiêu nhân văn đó sẽ đạt được, phòng tránh được cái chét không cần thiết cho nhiều người Việt Nam.

Khánh Hồng