Việt Nam đối mặt với tình trạng thiếu 40.000 điều dưỡng viên
(Dân trí) - Điều dưỡng viên chiếm 70% trong đội ngũ người làm công tác khám chữa bệnh. Tuy nhiên, nhân lực điều dưỡng còn rất thiếu, Việt Nam đặt mục tiêu tăng gấp đôi số điều dưỡng hiện có vào năm 2030.
Điều dưỡng góp phần quan trọng trong hệ thống y tế
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, lực lượng điều dưỡng viên chiếm đến 70% trong hệ thống y tế, góp phần hết sức quan trọng trong công cuộc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Đây là thông tin được nêu tại buổi Tọa đàm "Nghề điều dưỡng: Không lo thất nghiệp, AI không thể thay thế" do Báo Dân trí phối hợp với Đại học VinUni tổ chức ngày 30/5.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nếu Việt Nam không tăng cường đầu tư cho đào tạo điều dưỡng, đến năm 2030, ngành y tế Việt Nam có thể sẽ đối mặt với tình trạng thiếu khoảng 40.000-50.000 nhân lực điều dưỡng.
Theo PGS Khuê, sức hút hiện nay với ngành điều dưỡng còn hạn chế bởi công việc vất vả nhưng đãi ngộ chưa tương xứng. "Với điều dưỡng mới ra trường, lương khởi điểm chỉ là 2,8 triệu đồng, sắp tới tăng lương thì lên được 3 triệu đồng. Ngay cả ở các bệnh viện tư, lương của điều dưỡng cũng chỉ 6-7 triệu đồng. Với mức lương như vậy rất khó khăn", PGS Khuê nói.
Vì thế, theo PGS Khuê, các bệnh viện cần có nhiều giải pháp để tăng thu nhập cho lực lượng điều dưỡng - lực lượng đóng vai trò trụ cột hệ thống y tế. Đồng thời các cơ sở khám chữa bệnh phải quan tâm đến điều kiện lao động của điều dưỡng.
Nói về trí tuệ nhân tạo AI, PGS Khuê khẳng định chắc chắn AI không thể thay thế điều dưỡng.
"AI không thể thay thế nâng giấc, chăm sóc, hỏi han, ân cần, dịu dàng, nhẹ nhàng, cũng không thể lập kế hoạch để thay bàn tay, thay khối óc, thay cử chỉ, thay lời nói, thay người điều dưỡng trong chăm sóc sức khỏe người bệnh", PGS Khuê nói.
Trong lộ trình, luật Khám bệnh chữa bệnh được Quốc hội thông qua ngày 9/1/2023 có hiệu lực vào ngày 1/1/2024 đã quy định chức trách của người điều dưỡng.
Đến năm 2028, các cử nhân điều dưỡng, ngành nghề điều dưỡng sẽ thi qua Hội đồng y khoa quốc gia.
Nhu cầu lực lượng điều dưỡng sẽ rất lớn
TS Trần Quang Huy, Phó Chủ tịch Hiệp Hội điều dưỡng Việt Nam cho biết, hiện nay đã và đang phải đương đầu với tình trạng già hóa dân số. Theo quy luật, tuổi càng cao thì nhu cầu chăm sóc sức khỏe càng lớn. Vì thế, nhu cầu lực lượng điều dưỡng rất lớn.
Chúng ta thấy nghề điều dưỡng sẽ có nhiều cơ hội việc làm hơn. Khi già hóa dân số thì điều dưỡng còn là những công việc chăm sóc mới như chăm sóc người già, chăm sóc phục hồi tại nhà như thế nào… Việc này mở ra rất nhiều chuyên ngành chăm sóc mới.
ThS Bùi Văn Thắng, Giám đốc Điều dưỡng Bệnh viện Vinmec Times City đánh giá, hiện nay lực lượng điều dưỡng mới chỉ đáp ứng một nửa nhu cầu thực tế.
Ngay tại hệ thống Bệnh viện Vinmec, hiện đang có 7 bệnh viện, nhưng sắp tới mở rộng 10-12 bệnh viện, nhu cầu điều dưỡng là rất lớn.
Theo TS Nguyễn Hoàng Long, Giám đốc chương trình Điều dưỡng, Viện Khoa học sức khỏe, Đại học VinUni, nghề điều dưỡng trên thế giới rất được coi trọng. Ví dụ như ở Úc, nhiều năm qua điều dưỡng là nghề được thống kê là nghề được xã hội tin tưởng nhất, đứng số 1.
Với các nước tiên tiến, nghề điều dưỡng được trả lương rất tốt, là nghề mơ ước của nhiều bạn trẻ.
Như ở Mỹ, chuyên ngành điều dưỡng gây mê, quá trình đào tạo cần 7-9 năm, mức thu nhập 200 nghìn đô la mỗi năm.
Theo PGS Khuê, hiện Việt Nam đã có hệ thống đào tạo khá đồng bộ tại trung ương, địa phương. Tuy nhiên, hiện nay lực lượng điều dưỡng vẫn còn thiếu, đa số các bệnh viện sử dụng điều dưỡng trung cấp, trong khi đó nhu cầu phải nâng cao chất lượng lên, phải 50-70% là điều dưỡng có trình độ cao đẳng và đại học.
PGS Khuê cũng đánh giá cao chương trình đào tạo cử nhân điều dưỡng của Đại học VinUni bởi đây là chương trình phối hợp với trường đại học của Mỹ; toàn bộ học bằng tiếng Anh và nhà trường tổ chức xét tuyển chặt chẽ, sinh viên đều là những học sinh có năng lực tốt ở phổ thông.