Việt Nam có Trung tâm nghiên cứu trí nhớ và sa sút trí tuệ đầu tiên
(Dân trí) - Ngày 24/3, Bệnh viện Lão khoa Trung ương đưa vào hoạt động Trung tâm nghiên cứu trí nhớ và sa sút trí tuệ đầu tiên. Dự báo đến năm 2050, Việt Nam có khoảng 1,8 triệu người mắc bệnh sa sút trí tuệ.
PGS.TS Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu trí nhớ và sa sút trí tuệ cho biết, số người mắc sa sút trí tuệ ngày càng tăng lên.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, năm 2019, số lượng người mắc sa sút trí tuệ trên toàn cầu là 55 triệu người. Con số này được dự báo sẽ đạt 78 triệu người vào năm 2030, và 139 triệu người vào năm 2050.
Tại Việt Nam, năm 2019 có 531.000 người bị sa sút trí tuệ, dự báo con số này sẽ tăng gấp 3, tức là 1,8 triệu người vào năm 2050.
Cũng theo Tổ chức Y tế thế giới, chi phí cho việc điều trị, chăm sóc bệnh nhân sa sút trí tuệ rất tốn kém tăng từ khoảng 1,3 nghìn tỉ USD năm 2019 sẽ lên 2,8 nghìn tỉ USD vào năm 2030.
Việt Nam đã bước vào giai đoạn già hóa dân số và sẽ trở thành nước có dân số già. Theo nhận định của Liên Hiệp Quốc, từ nay đến năm 2050, nước ta sẽ nằm trong nhóm 10 quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất trên thế giới. Già hóa dân số dẫn đến sự gia tăng số người cao tuổi mắc sa sút trí tuệ.
Già hóa dân số dẫn đến sự gia tăng số lượng người cao tuổi mắc sa sút trí tuệ. Chính vì vậy, Việt Nam cần có sự nghiên cứu và điều chỉnh về chính sách, và các dịch vụ để có thể chẩn đoán sớm sa sút trí tuệ và có các dịch vụ đáp ứng với nhu cầu điều trị, chăm sóc sức khỏe người bệnh sa sút trí tuệ, đồng thời hỗ trợ người chăm sóc tại bệnh viện, tại cộng đồng.
Trung tâm đầu tiên nghiên cứu về trí nhớ và sa sút trí tuệ được đặt tại bệnh viện chuyên khoa đầu ngành trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe người cao tuổi là một trong những bước chuẩn bị để ứng phó với tình trạng già hóa dân số đang diễn ra nhanh chóng ở nước ta.
Theo PGS Bình, trong kế hoạch phát triển của trung tâm sẽ tiến tới phát triển một mảng lớn, đó là nghiên cứu khoa học, có thể tiến hành làm các nghiên cứu để xác định maker sinh học về sa sút trí tuệ trong máu của bệnh nhân để hỗ trợ chẩn đoán sớm.
"Trước đây, chúng ta phải lấy dịch não tủy của bệnh nhân để xét nghiệm, phải thực hiện xâm lấn cơ thể, rất phiền phức. Tiến tới sẽ xét nghiệm máu tìm maker sinh học sẽ đơn giản hơn rất nhiều", PGS.TS Nguyễn Thanh Bình nói.
Cũng theo PGS Bình, còn nhiều người Việt chủ quan với bệnh sa sút trí tuệ. Khi có vấn đề trí nhớ, nhiều người nghĩ đó là quá trình lão hóa bình thường, là bệnh của tuổi già mà không nghĩ đến có thể đó là triệu chứng sa sút trí tuệ, vì thế thường khi các triệu chứng về suy giảm trí nhớ tăng lên cùng với các rối loạn chức năng nhận thức khác bệnh nhân mới được người nhà đưa đi khám.
Bệnh nhân đến khám muộn, bệnh ở giai đoạn nặng, khi đó khả năng hỗ trợ điều trị không nhiều. Biến chứng, ảnh hưởng của sa sút trí tuệ trong sinh hoạt rất nguy hiểm, bệnh nhân có thể bỏng, ngã, gặp các chấn thương nguy hiểm
"Với người già, ngoài khám sức khỏe định kỳ, khi có biểu hiện không bình thường như quên kéo dài, quên có xu hướng tăng lên, có rối loạn cảm xúc, hành vi nên đưa người bệnh đi khám sớm", PGS Bình khuyến cáo.