Viện Pasteur TPHCM tiết lộ quá trình điều tra ca mắc cúm A(H9N2) đầu tiên
(Dân trí) - Theo lãnh đạo Viện Pasteur TPHCM, đã có 2 trường hợp tử vong trên thế giới vì cúm A(H9N2) và đều có bệnh nền, suy giảm miễn dịch. Trường hợp đầu tiên phát hiện ở Việt Nam cũng có bệnh nền nặng.
Liên quan đến ca mắc cúm A(H9) đầu tiên đầu tiên được ghi nhận tại Việt Nam, chiều 6/4, lãnh đạo Viện Pasteur TPHCM đã có thông tin chi tiết về quá trình điều tra, giám sát dịch bệnh.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Vũ Thượng, Phó viện trưởng, Viện Pasteur TPHCM cho biết, ngay khi nhận được báo cáo từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới và Sở Y tế TPHCM về ca dương tính với cúm A(H9) đầu tiên, Viện đã phối hợp chặt chẽ với nơi điều trị và ngành y tế tỉnh Tiền Giang (nơi bệnh nhân sinh sống), thú y vùng… để điều tra dịch tễ.
Đây là một bệnh nhân nam 37 tuổi, đặc biệt có bệnh nền xơ gan, đái tháo đường. Bệnh nhân vào viện ở TPHCM với các dấu hiệu như viêm phổi nặng, suy hô hấp. Hiện bệnh nhân được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM.
Theo bác sĩ Thượng, trường hợp vừa qua là một trong những ca cúm A(H9N2) được ghi nhận trên thế giới. Bệnh phát hiện lần đầu trên người tại Trung Quốc vào năm 1998, đến nay đã có 135 ca ở toàn cầu. Về nguồn gây bệnh, cúm A(H9N2) chủ yếu vẫn từ gia cầm lây sang người, chưa có bằng chứng về việc lây từ người sang người.
Bệnh có các triệu chứng như các loại cúm khác, như sốt, ho… Trong số các ca đã ghi nhận được, biểu hiện của bệnh hầu hết là nhẹ, vừa. Tuy nhiên đã có 2 trường hợp tử vong vì cúm A(H9N2) và đều có bệnh nền, suy giảm miễn dịch. Trường hợp đang điều trị ở TPHCM cũng có bệnh nền nặng.
Từ tháng 3, lãnh đạo Bộ Y tế và Bộ Nông Nghiệp - Phát triển nông thôn đã có chỉ đạo trong công tác phòng chống dịch, đặc biệt là các bệnh lây từ động vật sang người, trong đó có cúm gia cầm, tổ chức họp trực tuyến với 63 tỉnh thành.
Do đó, Viện Pasteur TPHCM đã có những kế hoạch trong giám sát, điều tra… đánh giá nguy cơ với ca bệnh vừa phát hiện, tại nơi bệnh nhân đang sinh sống. Qua điều tra, các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân trong vài tuần nay đều khỏe mạnh. Song song đó, ngành thú y cũng xử lý, giám sát, đánh giá gia cầm xung quanh khu nhà bệnh nhân.
"Gần nơi nhà bệnh nhân sống có nơi bán và giết mổ gia cầm. Chúng tôi đã khoanh vùng và đánh giá đầy đủ", bác sĩ Nguyễn Vũ Thượng nói.
Lãnh đạo Viện Pasteur TPHCM khuyến cáo, cho dù là cúm gia cầm gì người dân cũng cần thận trọng. Đối với những người nguy cơ cao (như người thường xuyên tiếp xúc với gia cầm, chăn nuôi, giết mổ), khi thực hiện các thao tác công việc cần có đồ bảo hộ, đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay, tránh bị dịch tiết của gia cầm bắn vào đường mũi, miệng, niêm mạc…
Khi có biểu hiện bệnh, triệu chứng đường hô hấp, sốt, ho.. ở đối tượng nguy cơ cao, cần thông báo cho cơ quan y tế để được kiểm tra, điều trị kịp thời và phòng chống lây lan, nếu không may mắc cúm gia cầm.
Với người dân nói chung, cần đảm bảo ăn uống sạch, dùng thực phẩm đã nấu chín, rửa tay thường xuyên. Ngoài ra, người dân không nên vận chuyển, buôn bán, giết mổ động vật, gia cầm không rõ nguồn gốc, hay động vật hoang dã. Khi gia cầm có biểu hiện ốm nặng, chết, người dân không thực hiện hành vi giết mổ, buôn bán và phải báo ngay cho chính quyền địa phương.
Vào sáng 6/4, Cục Quản lý dự phòng, Bộ Y tế đã thông tin về trường hợp mắc cúm A(H9) đầu tiên của Việt Nam từ trước đến nay.
Đây là bệnh nhân nam, 37 tuổi (xã Tân Lý Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang). Bệnh nhân đến khám và điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM ngày 16/3, được chẩn đoán viêm phổi nặng nghi do virus.
Kết quả xét nghiệm bước đầu phát hiện dương tính cúm A và có các đoạn gen tương đồng virus cúm A phân type H9. Mẫu bệnh phẩm được gửi tới Viện Pasteur TPHCM để xét nghiệm khẳng định.
Ngày 1/4, Viện Pasteur TPHCM phát hiện mẫu bệnh phẩm dương tính với cúm A phân type H9, đồng thời tiếp tục thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu để xác định phân nhóm.
Đến chiều 6/4, lãnh đạo Viện Pasteur TPHCM cho biết, bệnh nhân trên nhiễm cúm A(H9N2).