Viêm âm đạo do loạn khuẩn

Hiện có nhiều ý kiến khá trái ngược nhau về việc có hay không việc coi viêm âm đạo do loạn khuẩn và do nấm là bệnh lây truyền qua đường tình dục (hiện có hơn 20 bệnh).

Do sự phát triển quá mức, đến mức mất cân bằng của nhiều loại vi khuẩn bình thường vẫn sống ở âm đạo. Viêm âm đạo do loạn khuẩn không lây truyền do quan hệ tình dục và không nguy hiểm nhưng gây nhiều phiền phức cho phụ nữ, vì khi ra khí hư nhiều và hôi thì đều phải loại trừ bệnh do chlamydia và bệnh lậu. 

 

Triệu chứng

 

Thường ra khí hư hôi, có màu xám nhạt và thường không kèm theo triệu chứng gì khác.

 

Cần khám vùng tiểu khung, quan sát và xét nghiệm dịch âm đạo (loại trừ chlamydia và lậu), đánh giá thể tích của buồng trứng và tử cung, mức nhạy cảm của cả tử cung. Một xét nghiệm dễ làm và đáng tin cậy là nhỏ một giọt dung dịch thuốc tím lên một giọt khí hư của bệnh nhân sẽ ngửi thấy mùi cá ươn bốc lên. Khoảng một nửa số phụ nữ bị viêm âm đạo do loạn khuẩn không thể hiện triệu chứng gì. 

 

Nguyên nhân

 

Hình như có vai trò phối hợp các loại vi khuẩn ở âm đạo. Lí do vì sao lại có sự “hiệp đồng gây bệnh” của vi khuẩn vẫn chưa rõ. 

 

Điều trị

 

Kháng sinh clindamycine 300mg (uống 2 lần/ngày, trong 7 ngày) hoặc kèm clindamycine 2%, đưa vào âm đạo (5g/ngày, trong 7 ngày). Hoặc metronidazole (uống hoặc gel bôi tại chỗ. 2g - uống 1 liều duy nhất hay gel metronidazole 0,75% 5 g đưa vào âm đạo, 2 lần/ngày, trong 5 ngày).

 

Tuy chữa trị có kết quả nhưng cũng có tỷ lệ tái phát khoảng 15%. Nếu tái phát, thường chỉ định thêm một đợt kháng sinh nữa.

 

Viêm âm đạo do loạn khuẩn có thể chữa khỏi hoàn toàn, không lây truyền theo đường tình dục do đó không cần điều trị cho bạn tình. 

 

Khi mang thai, viêm âm đạo do loạn khuẩn có thể gây vỡ ối sớm, đẻ non, nhiễm khuẩn buồng ối và nhiễm khuẩn tử cung sau đẻ, vì thế cần phát hiện viêm âm đạo khi có thai để được điều trị sớm nhưng không dùng trong giai đoạn đầu của thai nghén và phụ nữ cho con bú. Viêm âm đạo do loạn khuẩn là một yếu tố để dễ bị nhiễm và lây truyền HIV.

 

Theo BS Đào Xuân Dũng

Tuổi trẻ