Vị thuốc từ rau dền

Khi bị viêm ruột, lấy nước luộc rau dền tía nấu cháo ăn lúc đói. Rau dền tươi giã nát, trộn mật ong đắp vào vết loét da cũng có tác dụng rất tốt.

Rau dền còn gọi là dền, dền gai, dền thanh hương, hiện thái. Là thân lá non của cây dền thực vật họ rau dền, tính mát, vị ngọt. Thành phần chính của rau dền có sắt, vitamin B2, C, acid nicotic... Hàm lượng calci nhiều nhất (0,2%). Xuân hè thu ăn rau tươi. Có các mầu đỏ, xanh, lục, tía đốm tía. Trong dược liệu, rau dền đỏ tía là tốt nhất.

 

Tác dụng

 

Thanh nhiệt giải độc, ngưng tả, lợi mật tan ứ, thông huyết mạch. Chủ yếu dùng chữa bệnh lị, vàng da, khó tiểu, đại tiện, dùng cho sản phụ.  

 

Kiêng kị

 

Người tì yếu, đi ỉa chảy không dùng; kị bột quyết. Có thuyết cho rằng, rau dền không ăn với ba ba. Ðiều đó không có căn cứ. Không nên ăn rau dền cùng với rau cải.

 

Chữa trị

 

1- Bệnh lị, viêm ruột: Rau dền tía một nắm, rửa sạch, luộc, bỏ bã lấy nước cho gạo vào đun cháo, ăn lúc đói. Có thể dùng 100 g lá rau dền luộc ăn.

 

2- Trợ sản: Rau dền, rau dền gai 100g, rửa sạch, luộc, bỏ bã, cho thêm đường vừa đủ. Lúc trở dạ thì uống khi nước còn ấm, có tác dụng dễ đẻ.

 

3- Ho lao: Rau dền đỏ, cá diếc mỗi thứ 150 g, rửa sạch, hầm mà ăn.

 

4- Bị sơn ăn: Rau dền 100-200 g đun thành canh, rửa lúc nóng.

 

5- Da bị loét: Rau dền tươi giã nát, trộn mật ong đắp chỗ đau, ngày một lần.

 

6- Bị bỏng nước: Rau dền đỏ (tươi) vừa đủ, giã nát, đắp vào chỗ đau, ngày hai lần.

 

7- Bị sâu bọ cắn: Rau dền tươi cho thêm đường trắng, giã nhừ, đắp vào chỗ bị thương, mỗi ngày thay 3-4 lần.

 

Theo sách "Thức ăn vị thuốc"