1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Vì sao thai to chết lưu?

Tại Bệnh viện Phụ sản T.Ư, những trường hợp thai to chết lưu không phải hiếm, trung bình mỗi tháng có khoảng hơn 10 trường hợp. Có những trường hợp mang thai đến tháng thứ 8, 9 vẫn bị chết lưu. Vậy nguyên nhân do đâu?

Ngày 14/8, sản phụ Trần Thị N. được chuyển từ Bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội lên Bệnh viện Phụ sản T.Ư. Đến đêm thì chị sinh con nhưng là để "cho ra" đứa con đã mất trước đó. Trong khoa, vẫn còn bệnh nhân biết thai chết lưu nhưng bác sĩ đang chờ thời điểm thích hợp để cho ra. Còn một vài sản phụ nữa đang được xếp vào nhóm phải theo dõi cẩn thận vì thai phụ bị tiểu đường. 

 

Siêu âm thai để kịp thời phát hiện những dị thường

 

Theo BS Trần Thị Phúc, trưởng khoa Sản 1, Bệnh viện Phụ sản T.Ư, từ tháng thứ 8, tử cung có những cơn co tự nhiên. Đôi khi thai phụ dễ nhầm với phản xạ đạp của đứa trẻ. Vì thế, có khi thai chết cả tháng, không còn đạp nhưng vẫn còn cơn co tử cung và người mẹ tưởng đứa bé vẫn còn sống. Thực tế, nhiều thai phụ con chết mà không biết bởi không có dấu hiệu gì (không đau bụng, không ra máu). Chỉ đến khi đi khám định kỳ hoặc thậm chí đến ngày đẻ, bác sĩ mới thông báo tim thai ngừng đập thì mới biết.

 

Theo BS Phúc, từ tháng thứ 8, ngoài các cơn co tử cung, thông thường, thai nhi có phản xạ đạp vào bụng mẹ từ 15 - 20 lần/ngày. Nếu tự dưng thấy bé ít đạp thì nên đi khám ngay để đảm bảo bé vẫn khỏe mạnh.

 

Theo PSG. TS Nguyễn Đức Hinh, Phó giám đốc Bệnh viện Phụ sản T.Ư, đa phần các trường hợp thai chết lưu không biết lý do. Tuy nhiên, có thể chia ra các nguyên nhân: từ người mẹ (bị huyết áp cao, bệnh thận, thiếu máu...), cấu trúc của em bé không bình thường (song thai, dây rốn thắt nút, quấn cổ..). Tùy từng nguyên nhân mà đề cập tới vấn đề phòng tránh. Nếu người mẹ bị bệnh thì cần chữa bệnh cho người mẹ. Các trường hợp còn lại, rất khó phòng tránh.

 

Khi định có thai, phụ nữ nên đi khám để đảm bảo có em bé trong giai đoạn cơ thể mình khỏe mạnh. Trong thời gian đang mang thai, không được tùy tiện uống các loại thuốc Bắc, thuốc Nam (đôi khi vì mục đích bồi bổ sức khỏe nhưng trong thuốc Bắc, thuốc Nam có thể có chất lạ ảnh hưởng đến sự an toàn của thai nhi).

 

BS Hồng Minh, Phó giám đốc TT Tư vấn kế hoạch hóa gia đình, Bệnh viện Phụ sản T.Ư cho biết: "Nhiều trường hợp lấy được đứa trẻ ra mới biết nguyên nhân tử vong từ dây rau: dây rau thắt nút, quấn gây nghẹt, dây rau ngắn. Các trường hợp từ dây rau dễ gây mất tim thai đột ngột. Ngoài ra, dị tật đảo phủ tạng cũng dễ khiến thai to chết lưu".

 

Điều nguy hiểm ở thai to chết lưu là không có dấu hiệu báo trước. Chỉ có rất ít bà mẹ cảm nhận được cường độ đạp yếu và thưa của đứa trẻ mà tự dưng lo lắng đi khám. Các trường hợp này nếu đi khám sẽ phải chạy máy để theo dõi. Nếu có bất thường và thai đến ngày đẻ thì bác sĩ có thể cho thai ra đời luôn để đảm bảo an toàn.

 

Hiện nay, thai được 23 tuần tuổi trở lên được coi là thai to (trước đây 28 tuần trở lên mới được coi là thai to). Khi thai đã lớn mà không may chết lưu, người mẹ cần có quãng thời gian nghỉ ngơi ít nhất 6 tháng để phục hồi sức khỏe và tâm lý rồi mới nên tiếp tục có thai. Khi biết thai nằm trong bụng không may bị chết lưu, các bà mẹ không nên hoảng hốt bởi cũng không cần vội vàng cho thai ra nếu chưa vỡ ối, không bị nhiễm trùng. Lúc này, các bác sĩ chuyên khoa sẽ hội ý để chọn cách cho thai ra một cách thích hợp, an toàn cho bà mẹ.

 

Theo Hoài Hương

Sức khoẻ & Đời sống