Vì sao số ca Covid-19 tại TPHCM tăng nhanh?

Nam Phương

(Dân trí) - Hiện nay dịch Covid-19 đang "nóng" ở TPHCM và một số tỉnh thành phía Nam. Theo GS.TS Phan Trọng Lân, virus lây lan nhanh cộng thêm các hành vi có nguy cơ lây nhiễm cao làm gia tăng số mắc mới.

GS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM cho biết để đánh giá tình trạng lây lan của dịch cần dựa trên 3 yếu tố, virus gây bệnh, yếu tố nguy cơ và các biện pháp phòng chống.

Về virus, biến thể Delta (B.1.617, ở Ấn Độ) đã được ghi nhận ở 85 quốc gia. Tổ chức Y tế Thế giới xếp biến thể này của SARS-CoV-2 này vào nhóm biến thể đáng quan ngại.

Đây là những biến thể được khẳng định có liên quan đến gia tăng đáng kể khả năng lây lan, làm thay đổi đáng kể tình hình dịch tễ Covid-19 một cách tiêu cực, tăng độc lực virus/làm nặng lên biểu hiện lâm sàng, giảm hiệu quả các biện pháp y tế công cộng hay giảm hiệu quả của các vắc xin, xét nghiệm chẩn đoán và liệu pháp điều trị hiện hành…

Vì sao số ca Covid-19 tại TPHCM tăng nhanh? - 1

GS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM.

Nghiên cứu cho thấy biến thể Alpha (B.1.1.7, ở Anh), có khả năng lây nhiễm cao hơn đến 70% so với các biến thể cũ. Nghĩa là một người mắc chủng cũ trung bình sẽ lây cho 2-4 người khác, với biến thể Alpha có thể lây cho đến 7 người khác. Biến thể Delta dễ lây nhiễm hơn cả biến thể Alpha, và ước tính có thể lây nhiễm nhiều hơn từ 40-60%. Tỷ lệ lây nhiễm thứ phát (F1 dương tính) của các ca nhiễm biến thể Delta cao hơn so ca nhiễm biến thể Alpha.

Theo TS Lân, tại khu vực phía Nam đã ghi nhận một số trường hợp có triệu chứng hoặc dương tính chỉ sau hơn một ngày tiếp xúc phơi nhiễm.

Chẳng hạn, BN7488 tiếp xúc với BN7445 trưa ngày 25/5, nhưng đến tối 26/5 (tức là sau 32 tiếng) đã có triệu chứng hô hấp (chuỗi lây trong gia đình ở Long An). Hay BN7539 (Đồng Tháp) tiếp xúc với BN7083 (tại Tiền Giang) lúc 18h ngày 29/5, nhưng chỉ sau 38 tiếng - đến 8h sáng ngày 31/5, kết quả xét nghiệm của bệnh nhân này đã dương tính.

Dù vậy, theo chuyên gia hiện chưa chắc chắn biến thể Delta gây bệnh cảnh nặng hơn. 

Ngoài ra, sự gia tăng các ca bệnh chủ yếu còn do các hành vi có nguy cơ lây nhiễm cao, như ở các bữa tiệc, sự kiện "siêu lây nhiễm".

TS Lân phân tích, các chuỗi lây truyền tại khu vực phía Nam hiện nay ghi nhận chủ yếu tại các hộ gia đình, nơi ăn uống chung, văn phòng cao ốc. Gần đây có thêm lây lan trong hàng xóm, nhà máy, xí nghiệp, các khu vực chợ đông người. Đây đều là nơi diễn ra các hành vi nguy cơ cao, như: giao lưu đi lại nhiều, tụ tập đông người; ở lại lâu trong các không gian kín, kém thông khí...

Vì thế, người dân cần ý thức được tầm quan trọng của việc hạn chế các hành vi nguy cơ này. Cụ thể, thực hiện nghiêm quy tắc 5K (khẩu trang- khử khuẩn-khoảng cách- không tập trung- khai báo y tế). Tuân thủ những điều này thì cho dù là biến thể nào của SARS-CoV-2 cũng khó có khả năng lây lan. Một điều quan trọng nữa là từng bước nâng cao miễn dịch cộng đồng bằng cách tăng độ bao phủ vắc xin.

Vì sao số ca Covid-19 tại TPHCM tăng nhanh? - 2

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cũng nhận định thời gian qua tình hình dịch tại phía Nam, đặc biệt tại các địa phương như TPHCM, Bình Dương và một số tỉnh khác khiến Bộ Y tế rất lo ngại. Với TPHCM, có thể tiếp tục xuất hiện những ca lây nhiễm tại cộng đồng nhưng không phát hiện được nguồn lây. Lý do là dịch đã đi qua một số chu kỳ lây nhiễm nên việc tìm ra nguồn lây rất khó khăn.

Bên cạnh đó, nguy cơ lây nhiễm vào các khu công nghiệp rất lớn. Bản thân các khu công nghiệp đã có ca nhiễm. Cộng thêm TPHCM, đặc biệt là Bình Dương có mật độ công nhân lao động lớn, trong khi đó điều kiện làm việc, ăn ở, sinh hoạt tại nơi lưu trú rất chật hẹp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc lây nhiễm Covid-19 tại khu vực này.

Biến thể mới của SARS-CoV-2 được phát hiện lần đầu tiên tại Ấn Độ đang gây rất nhiều khó khăn trong công tác kiểm soát dịch tại nước ta trong thời gian qua. 

Theo các chuyên gia, triệu chứng lâm sàng của các bệnh nhân đợt dịch thứ 4 chưa có khác biệt gì. Hầu hết những người bị nhiễm virus nếu có triệu chứng thì hầu hết là các triệu chứng về đường hô hấp. 

Triệu chứng hay gặp của bệnh là sốt, ho khan, mệt mỏi và đau cơ. Một số trường hợp đau họng, nghẹt mũi, chảy nước mũi, đau đầu, ho có đờm, nôn và tiêu chảy. Hầu hết người bệnh chỉ sốt nhẹ, ho, mệt mỏi, không bị viêm phổi và thường tự hồi phục sau khoảng một tuần. Thậm chí, nhiều trường hợp không có biểu hiện triệu chứng.

Ở trẻ em, đa số mắc Covid-19 có các biểu hiện lâm sàng nhẹ hơn người lớn, hoặc không có triệu chứng. Các dấu hiệu thường gặp ở trẻ em là sốt và ho, hoặc các biểu hiện viêm phổi. 

Dòng sự kiện: Dịch Covid-19 đợt 4

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm