Vì sao số bệnh nhân Covid-19 tử vong ở TPHCM vẫn "neo" ở mức cao?

Hoàng Lê

(Dân trí) - Chuyên gia cho rằng có hai vấn đề góp phần làm số bệnh nhân mắc Covid-19 tử vong tại TPHCM vẫn tăng cao.

Ngày 15/12, Bộ Y tế công bố TPHCM có 991 F0 mới và 64 ca tử vong vì Covid-19. Tính từ đầu tháng 12 đến nay, số ca nhiễm Covid-19 tử vong ở TPHCM luôn trên 57 trường hợp mỗi ngày (cao nhất là ngày 6/12 với 94 ca).

Điều này khiến dư luận lo lắng và đặt ra câu hỏi: Liệu TPHCM có còn kiểm soát được dịch không?

Vì sao bệnh nhân Covid-19 tử vong ở TPHCM vẫn tăng cao?

Trao đổi với PV Dân trí, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng, Đại học Y Dược TPHCM nhận định, với tỉ lệ bao phủ vaccine rất dày của TPHCM (khoảng 95% người từ 18 tuổi trở lên tiêm đủ 2 mũi), số người tử vong tăng cao như hiện tại là rất đáng lo ngại. Nếu tính từ cuối tháng 11 đến nay, trung bình bệnh nhân Covid-19 tử vong hằng ngày tại địa phương là trên dưới 70 người, bao gồm các trường hợp nặng chuyển từ tỉnh đến.

Ông Dũng dẫn chứng tình hình ở quốc gia cùng khu vực Đông Nam Á là Indonesia, dân số khoảng 270 triệu người. Cụ thể, trong cùng khoảng thời gian trên, số ca tử vong của Indonesia chỉ 5-7 người mỗi ngày, nhưng số mũi vaccine nước này tiêm tương đương Việt Nam. Tức là nếu so với số dân thì chưa đến 40% người tiêm đủ 2 mũi. Với Singapore, dù số ca mắc cao nhưng số tử vong vẫn rất thấp.

Còn tại TPHCM, số ca F0 phát hiện hàng ngày trên 100.000 dân không quá cao nếu so với các khu vực khác trên thế giới, nhưng tỉ lệ tử vong lại cao.

Vì sao số bệnh nhân Covid-19 tử vong ở TPHCM vẫn neo ở mức cao? - 1

Lọc máu cho bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 (Ảnh: Hoàng Lê).

Chuyên gia cho rằng, khi tiến hành bình thường mới, cần chấp nhận số ca F0 sẽ tăng nhưng tỉ lệ tử vong phải giảm, về dưới 0,5%. Trong khi đó, thống kê từ Bộ Y tế cho thấy, F0 tử vong tại Việt Nam nói chung chiếm tỷ lệ 2% so với tổng số ca nhiễm. Trong đó, TPHCM là địa phương áp đảo.

Nhận định nguyên nhân tử vong ở góc độ dịch tễ, PGS Dũng cho rằng có 2 vấn đề khiến tỷ lệ tử vong vì Covid-19 vẫn cao liên tục tại TPHCM. Đầu tiên, dù TPHCM công bố tỉ lệ phủ vaccine rất dày nhưng qua ghi nhận, vẫn còn các trường hợp bị bỏ sót, chưa tiêm mũi nào và nhiễm bệnh.

Các trường hợp này có thể nằm trong nhóm cao tuổi, đi lại khó khăn, có bệnh nền đang điều trị, hoặc vấn đề tư vấn tiêm chủng không tốt, yêu cầu người có bệnh nền phải vào bệnh viện tiêm tạo nên tâm lý e ngại… Nhóm này một khi nhiễm bệnh thì nguy cơ trở nặng, tử vong rất cao. Do đó, đòi hỏi khối y tế dự phòng phải tiếp tục tìm kiếm, tuyên truyền, phủ vaccine cho người chưa tiêm.

Vấn đề thứ hai theo ý kiến riêng của chuyên gia, là việc quy trình điều trị Covid-19 hiện tại vẫn còn chưa phù hợp. Ví dụ, nếu dùng kháng viêm quá sớm, không đúng đối tượng sẽ dễ gây nguy cơ chuyển nặng về sau. Hoặc thuốc Molnupiravir thay vì ưu tiên cấp cho đối tượng cao tuổi thì còn dùng bị tràn lan...

Theo ông Dũng, cần phải phân luồng bệnh nhân hợp lý ngay từ đầu. Khi bệnh nhân có dấu hiệu trở nặng, cần can thiệp y tế, người nhà phải biết đưa họ đến cơ sở nào.

"Nhiều người nghĩ mình nặng quá, sắp chết rồi nên không muốn đi; hoặc sợ đi điều trị, sợ cách ly trong bệnh viện sẽ chuyển nặng. Chính sách cách ly F0, F1 hiện tại cũng khiến người dân có thể e ngại mà giấu bệnh…

Đó là những lý do làm việc can thiệp y tế bị trễ, dẫn đến gia tăng nguy cơ trở nặng, tử vong khi nhiễm bệnh" - PGS Dũng phân tích.

Chuyên gia: Cần thống kê người tử vong tiêm loại vaccine gì

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia dịch tễ, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM) cho rằng, các thống kê về số ca tử vong của TPHCM cần chi tiết hơn. Cụ thể, cần chỉ rõ đối tượng tử vong ở độ tuổi bao nhiêu, đối tượng nào, có bệnh nền gì, đã tiêm đủ hay chưa tiêm, tiêm loại vaccine gì… thì mới có nhận định đúng đắn. Khó khăn trong tình hình hiện tại là việc số lượng F0 điều trị tại nhà cao, nên con số thống kê có thể chưa chuẩn xác.

"Cơ quan thống kê nên phân tích chi tiết tỉ lệ các ca bệnh không chích ngừa diễn tiến nặng, tử vong để người dân thấy rõ lợi ích của việc chủng ngừa. Nhất là với nhóm anti vaccine và những người mang tâm lý sợ hãi không dám đi chích" - bác sĩ Khanh nhấn mạnh.

Vì sao số bệnh nhân Covid-19 tử vong ở TPHCM vẫn neo ở mức cao? - 2

Các chuyên gia kỳ vọng chiến dịch tiêm vaccine mũi 3 sẽ làm giảm tỉ lệ bệnh nhân nặng và tử vong (Ảnh: CTV).

Bác sĩ Đỗ Châu Việt, Trưởng khoa Điều trị Covid-19, Bệnh viện Nhi Đồng 2 cho biết thêm, ngoài số F0 tại chỗ, TPHCM sau khi mở cửa còn gánh các ca nặng từ nhiều tỉnh thành khác chuyển lên, góp phần làm tăng số lượng bệnh nhân nặng, tử vong và áp lực điều trị.

Dù vậy theo các chuyên gia, đây chỉ là những bệnh nhân chuyển viện, không phải bệnh nhân sinh sống, làm việc tại TPHCM. Bộ Y tế khi thống kê số ca tử vong cũng ghi rõ trường hợp nào chuyển từ tỉnh đến.

Các chuyên gia đặt kỳ vọng về chiến dịch tiêm vaccine mũi 3 (đặc biệt ở cho đối tượng người cao tuổi, bệnh nền) và chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ của Sở Y tế TPHCM sẽ giúp hạn chế tỉ lệ tử vong.

Theo Sở Y tế TPHCM, người trên 50 tuổi đặc biệt là trên 65 tuổi và người có bệnh nền là những người thuộc nhóm nguy cơ.

1. Người thuộc nhóm nguy cơ cần làm gì để hạn chế nguy cơ mắc Covid-19?

- Thường xuyên rửa tay.

- Chỉ ra khỏi nhà khi thật sự cần thiết.

- Khuyến khích thường xuyên đeo khẩu trang ngay khi ở nhà. Khi ra khỏi nhà phải đeo khẩu trang đúng cách, giữ khoảng cách tiếp xúc an toàn với người khác.

- Tránh những nơi đông người.

- Tiêm vaccine khi đến lượt.

2. Người thân, người chăm sóc cần làm gì để bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ?

- Rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, hạn chế tụ tập.

- Tiêm vắc xin ngay khi đến lượt.

- Đeo khẩu trang khi chăm sóc, tiếp xúc với người thuộc nhóm nguy cơ; rửa tay bằng nước sạch và xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay trước và sau khi chăm sóc.

- Khi có triệu chứng nghi mắc COVID-19, khai báo ngay với y tế địa phương để được hướng dẫn cách ly, xét nghiệm, điều trị.

 3. Làm sao phát hiện mắc Covid-19 sớm?

- Theo dõi sức khỏe hàng ngày; nếu có triệu chứng nghi ngờ mắc Covid-19 (sốt, ho, đau họng, rát họng, sổ mũi, chảy mũi, ngạt mũi, đau mỏi người, đau cơ, mất vị giác, mất khứu giác …) thì đến ngay cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc tự xét nghiệm Covid-19 hoặc thông báo cho y tế địa phương.

- Tham gia xét nghiệm tầm soát khi có yêu cầu của Ngành y tế.

 4. Người thuộc nhóm nguy cơ cần làm gì khi mắc Covid-19?

- Nếu có kết quả xét nghiệm dương tính, thông báo ngay cho Trạm y tế nơi cư trú để được theo dõi và cấp phát ngay thuốc kháng vi rút (gói thuốc C) và thuốc hạ sốt, nâng đỡ thể trạng (gói thuốc A) và thuốc kháng viêm, kháng đông (gói thuốc B) cho người F0.

- Tuân thủ chỉ định điều trị theo hướng dẫn của nhân viên y tế.

- Sử dụng ngay gói thuốc C khi được cấp phát. Gói thuốc B chỉ được sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ.

- Nếu cách ly điều trị tại nhà thì cần theo dõi sức khỏe hàng ngày và khai báo cho y tế địa phương.

- Tăng cường sức khỏe bằng dinh dưỡng hợp lý, tinh thần thoải mái.

- Tiếp tục điều trị bệnh nền (nếu có) theo chỉ định của bác sĩ.