1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Vì sao Ninh Thuận công bố dịch tay chân miệng?

(Dân trí) - Ninh Thuận là tỉnh đầu tiên công bố dịch TCM bởi địa phương này cho rằng, dù đã triển khai quyết liệt các biện pháp phòng dịch nhưng số mắc vẫn tăng gấp 23 lần so với năm ngoái, không kiểm soát được diễn tiến ca bệnh nặng dẫn đến tử vong nhanh chóng.

Xung quanh diễn tiến Ninh Thuận là tỉnh đầu tiên trong cả nước công bố dịch tay chân miệng, phóng viên Dân trí đã có cuộc phỏng vấn qua điện thoại với bà Phan Thị Lai, Phó giám đốc Sở Y tế Ninh Thuận.

 

Xin bà cho biết, căn cứ nào để Sở Y tế tham mưu cho UBND tỉnh Ninh Thuận công bố dịch tay chân miệng? 

 

Nói về căn cứ để công bố dịch thì Ninh Thuận đủ các tiêu chuẩn giống Bộ Y tế quy định.

 

Tay chân miệng là một bệnh mà hàng năm vẫn xảy ra tại Ninh Thuận nhưng năm nay, số ca mắc tay chân miệng tăng đột biến, tăng đến trên 20 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

 

Thứ hai nữa là số ca bệnh nặng cũng tăng lên. Dù chúng tôi đã áp dụng quy chuẩn điều trị theo hướng dẫn của Bộ Y tế, theo dõi nghiêm ngặt nhưng tình trạng bệnh trở nặng mình không lường trước, các ca tử vong rất đột ngột, nhanh chóng.

 

Trong khi đó, với đặc thù của tỉnh là đang bắt đầu vào mùa mưa, là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh, dự báo số ca bệnh có thể tăng nhiều lần hơn nữa. Mà khi số ca bệnh tăng thì số ca tử vong tăng lên là không thể tránh khỏi.

 

Và việc quyết định công bố dịch mang tính chất địa phương là nhằm kêu gọi sự quan tâm của tất cả các ban ngành đoàn thể, không chỉ riêng gì y tế, để cùng nhau phòng chống tay chân miệng.

 

Trước đó, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định quyền công bố dịch thuộc về lãnh đạo các địa phương. Việc công bố dịch phải theo luật phòng chống bệnh truyền nhiễm, chỉ công bố dịch khi có 2 tỉnh trở lên công bố dịch. Mà tỉnh công bố dịch tức là tỉnh đó không có khả năng phòng chống dịch bệnh.

Sở Y tế Ninh Thuận kỳ vọng như thế nào về việc phòng chống dịch bệnh này sau khi công bố dịch, thưa bà?

 

Dù công tác tuyên truyền chúng tôi đã làm cật lực nhưng không phải ai cũng nắm bắt hết được các vấn đề mình mong muốn trong công tác truyền thông. Khi dịch bệnh được công bố, sẽ có sự chỉ đạo nghiêm ngặt hơn từ UBND tỉnh, với sự tham gia của tất cả các ban ngành. Ngoài ra, những vấn đề kinh tế, tài chính cũng sẽ được ưu tiên trong phòng dịch. Chúng tôi hi vọng sự huy động tổng thể của tất cả các ban ngành trong phòng chống dịch sẽ giúp Ninh Thuận có thể kiểm soát được dịch tay chân miệng.

 

Xin bà cho biết, sau 2 ngày công bố dịch, địa phương đã có những đổi mới gì trong việc triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch tay chân miệng?

 

Quyết định công bố dịch được ký ngày 4/11 và chúng tôi đã bắt đầu triển khai xuống tất cả các địa phương. Còn việc tăng cường công tác phòng chống dịch đã được Sở Y tế chỉ đạo sát sao ngay từ khi số ca mắc tăng lên và có ca tử vong. Còn việc công bố dịch giống như một nội lực để mình tiếp tục làm tốt cho công tác phòng chống dịch tại địa phương.

 

Sau công bố dịch, tỉnh Ninh Thuận có nhận được sự hỗ trợ trong phòng dịch từ các cấp cao hơn không, thưa bà?

 

Chúng tôi mong muốn nhận được sự chỉ đạo sát sao hơn từ cấp trên, hỗ trợ về mặt chuyên môn, trang thiết bị, kinh phí để tăng cường công tác phòng chống dịch cũng như ngăn chặn được các ca tử vong. Còn tại địa phương, với sự chỉ đạo của UBND tỉnh thì các ban ngành sẽ tham gia triệt để hơn trong công cuộc phòng chống dịch tay chân miệng.

 

Vậy đến nay, Bộ Y tế đã có hỗ trợ gì trong công tác phòng chống dịch bệnh tại địa phương, thưa bà?

 

Hiện chúng tôi vẫn đang thực hiện quy định chung của Bộ Y tế. Bởi chúng tôi mới nhận được công văn của Bộ Y tế (gửi cho tất cả các tỉnh trong cả nước) yêu cầu phải gửi toàn bộ hồ sơ bệnh án của các ca bệnh tử vong về tuyến trung ương để trên cơ sở đó người ta nghiên cứu hồ sơ và để chỉ đạo trong công tác về chuyên môn kỹ thuật. Hiện nay Sở Y tế đang thực hiện đóng hồ sơ để gửi lên tuyến trên.

 

Xin cảm ơn bà!
 

Quyết định công bố dịch nêu rõ địa điểm và quy mô xảy ra dịch tại 16 xã, phường thuộc 6/7 huyện, thành phố gồm 4 xã tại thành phố Phan Rang-Tháp Chàm; 6 xã, thị trấn thuộc huyện Ninh Phước; 3 xã ở huyện Ninh Sơn; 2 xã huyện Ninh Hải, 1 xã huyện Thuận Nam và 1 xã ở huyện Thuận Bắc.

 

Đến nay, Ninh Thuận đã phát hiện gần 550 trường hợp mắc tay chân miệng, trong đó đã có 3 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2010 số người mắc bệnh này trong tỉnh đã tăng hơn 23 lần.

 

Như vậy Ninh Thuận là tỉnh đầu tiên công bố dịch tay chân miệng, trong khi dịch bệnh đang lan rộng hầu hết các tỉnh thành trong cả nước với hơn 84.800 trường hợp mắc tay chân miệng, trong đó 142 ca tử vong. Các trường hợp mắc và tử vong do tay chân miệng tập trung chủ yếu tại khu vực miền Nam chiếm 65,1% số mắc và 89,1% tử vong.

 Hồng Hải (thực hiện)