1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Vì sao người bệnh tiểu đường hay buồn?

(Dân trí) - Không lạ gì nếu nhiều bệnh nhân tiểu đường là ứng viên của bệnh trầm uất. Không buồn sao được khi quá nản vì bệnh đeo đuổi suốt đời, quá chán vì cuộc sống mất chất lượng trên cả hai mặt tâm thể, quá căng thẳng vì chế độ sinh hoạt phải kiêng cữ đủ điều!

Vì sao người bệnh tiểu đường hay buồn?

Tình trạng này càng nhanh chân hơn nữa nếu nạn nhân đã bước qua tuổi trung niên do bàn tay phá bĩnh ngấm ngầm của hội chứng mãn dục nam ở đàn ông, hay hội chứng mãn kinh ở phụ nữ. Kết quả chắc chắn của nhiều công trình nghiên cứu cho thấy trầm uất trầm trọng đến độ phân liệt cá tính chiếm tỷ lệ không dưới 60% ở bệnh nhân tiểu đường có lượng đường huyết dao động quá thường và cao gấp đôi số bệnh nhân trầm uất tuy cũng mang bệnh nhưng đường huyết ít trồi sụt! Không lạ gì nếu nhiều thầy thuốc trị bệnh tiểu đường căn cứ vào trạng thái tinh thần của người bệnh để đánh giá hiệu quả của liệu pháp, thay vì chỉ dựa vào trị số mang ý nghĩa hạn hẹp của đường huyết.

Vấn đề chưa dừng lại ở đó. Bệnh nhân tiểu đường mười người hết chín phải dùng thuốc dài lâu. Trầm uất lại là phản ứng phụ nổi bật của thuốc hạ đường huyết. Dùng thuốc càng thường, càng mau buồn bã bực bội, đau đầu, mất ngủ, đãng trí… nhưng không thể vì thế mà không dùng thuốc. Đáng nói hơn nữa là các loại thuốc chống trầm uất hầu như không tác dụng nếu đường huyết không ổn định. Tệ hơn nữa là việc lạm dụng thuốc an thần ở người bệnh tiểu đường. Bệnh nhân có thể trước mắt ngủ vùi một cách tạm bợ nhưng nếu tưởng nhờ đó đẩy lùi bệnh trầm uất thì sai cả cây số. Thầy thuốc chuyên khoa thần kinh đã chứng minh hẳn hoi là bệnh nhân tiểu đường dùng thuốc an thần loại hóa chất tổng hợp không những dễ bị trầm uất mà còn là miếng mồi ngon của tình trạng đột quỵ.

Chính vì thế mà việc kết hợp hoạt chất sinh học như khoáng tố vi lượng, sinh tố, hoạt chất thực vật… trong phác đồ điều trị bệnh tiểu đường để phòng ngừa tình trạng trầm uất là khuynh hướng hiện nay của thầy thuốc coi trọng quan điểm điều trị toàn diện, thay vì chỉ tập trung vào mục tiêu hạ đường huyết, thay vì chỉ chú trọng CĂN BỆNH rồi quên NGƯỜI BỆNH! Đáng tiếc vì nhiều thầy thuốc vẫn chưa kết hợp trong phác đồ điều trị bệnh tiểu đường dược thảo với công năng “nhiều trong 1” để vừa ổn định đường huyết, vừa tăng cường sức đề kháng, vừa điều chỉnh dẫn truyền thần kinh. Quả thật đáng tiếc vì không ít thầy thuốc chữa bệnh tiểu đường chưa có thời giờ đọc qua các báo cáo về tác dụng thực nghiệm cũng như lâm sàng của các cây thuốc như Câu kỷ tử, Hoài sơn, Mạch môn…

Đừng xem thường nỗi buồn của người bệnh tiểu đường. Đó chính là một trong các tiêu chí cho thấy liệu pháp hiệu quả hay không? Người bệnh càng vui bệnh càng ít biến chứng. Nếu tưởng muốn được như thế chỉ cần dựa vào thuốc hạ đường huyết của Tây Y thì lầm! Nếu cần dẫn chứng về căn bệnh cần có sự kết hợp Đông Tây Y thì bệnh tiểu đường là thí dụ điển hình.

Bác sĩ Lương Lễ Hoàng