1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Vì sao nên luân phiên giữa ngồi và vận động?

(Dân trí) - Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng việc luân phiên giữa ngồi với các hoạt động thể chất giúp giảm nguy cơ mắc một số bệnh bao gồm bệnh thận, bệnh phổi, bệnh gan, Alzheimer và thậm chí là ung thư.

Nghiên cứu của Đại học California, San Diego lần đầu tiên cho thấy liệu ngồi lâu có làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch hay không.

Vì sao nên luân phiên giữa ngồi và vận động? - 1

Giảm thời gian ngồi chỉ một tiếng đồng hồ mỗi ngày giúp giảm 12% nguy cơ mắc bệnh tim mạch của phụ nữ và 26% nguy cơ mắc bệnh tim

 

Trong nghiên cứu, được công bố trên tờ Circulation, nhóm nghiên cứu đã xem xét hơn 5.600 phụ nữ ở độ tuổi từ 63 đến 97 không có tiền sử đột quỵ hay đau tim.

Những phụ nữ này được đeo máy đo chuyển động trong gần 24 giờ mỗi ngày.

Hoạt động thể chất được theo dõi trong 4 đến 7 ngày và sức khỏe tim mạch của họ được theo dõi trong gần 5 năm.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng cứ thêm một giờ không ngồi mỗi ngày, phụ nữ giảm 12% nguy cơ mắc bệnh tim mạch và giảm 26% nguy cơ mắc bệnh tim.

Những phụ nữ ngồi nhiều nhất - 11 giờ trở lên mỗi ngày – dễ có chỉ số BMI cao nhất và có các vấn đề về sức khỏe như tiểu đường hoặc tăng huyết áp, so với những phụ nữ ngồi ít nhất.

Họ cũng thấy rằng những phụ nữ ngồi liên tục trong thời gian dài, không gián đoạn, có nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn 52% so với những phụ nữ ngồi trong cùng một lượng thời gian nhưng những khoảng gián đoạn ngắn.

Nguy cơ có thể dễ dàng giảm bớt bằng cách tham gia vào bất kỳ loại hoạt động thể chất nào, thậm chí chỉ trong một hoặc hai phút.

"Giảm thời gian không hoạt động không nhất thiết phải diễn ra ngay một lúc", đồng tác giả nghiên cứu, TS Andrea LaCroix cho biết.

“Tôi khuyên tất cả những phụ nữ, như tôi, trên 60 tuổi, hãy nỗ lực có ý thức để làm gián đoạn việc ngồi bằng cách đứng dậy và di chuyển xung quanh thường xuyên nhất có thể.”

Cần nghiên cứu thêm để hiểu tại sao ngồi lại có nguy cơ như vậy, nhưng nhóm nghiên cứu cho biết ngồi làm giảm lượng máu tĩnh mạch và động mạch chảy vào tim.

Nó cũng tác động tiêu cực đến lớp nội mạc, lớp tế bào phủ mặt trong mạch máu.

Rối loạn chức năng nội mạc đã được chứng minh là một chỉ báo của cơn đau tim vì các động mạch không thể giãn hoàn toàn.

Bệnh tim là kẻ giết người lớn nhất ở Mỹ và là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho phụ nữ từ 65 tuổi trở lên.

Ngoài ra, gần 68% phụ nữ trong độ tuổi từ 60 đến 79 mắc bệnh tim mạch.

Vì vậy, các nhà nghiên cứu đang kêu gọi cơ quan y tế công cộng nhấn mạnh tầm quan trọng của sức khỏe tim ở phụ nữ lớn tuổi.

Tiến sĩ John Bellettiere, một nhà nghiên cứu về dịch tễ học bệnh tim mạch tại UC San Diego, cho biết:

"Khuyến khích giảm thời gian không vận động và giảm thời gian ngồi liên tục ở phụ nữ lớn tuổi có thể mang lại lợi ích sức khỏe cộng đồng lớn", BS. John Bellettiere, một nhà nghiên cứu về dịch tễ học bệnh tim mạch tại UC San Diego cho biết.

Cẩm Tú

Theo DM