Vì sao mất ngủ có thể làm tăng nguy cơ lo âu?

(Dân trí) - Bạn có quầng thâm quanh mắt? Chúng có thể là "thủ phạm" của những bồn chồn, lo âu mà bạn không thể tống khứ đi.

Vì sao mất ngủ có thể làm tăng nguy cơ lo âu? - 1

Bạn biết nó diễn ra như thế nào: Một đêm không ngon giấc - dù bạn đã có đến mấy tiếng ở quán bar hay bạn đang bị chứng mất ngủ - đồng nghĩa với việc bạn sẽ có cảm giác lơ mơ và cơ thể lờ đờ vào ngày hôm sau. Tuy nhiên, sự mệt mỏi thường đi kèm với một cảm giác bồn chồn kỳ lại, làm tăng gấp đôi sự khó chịu. Bạn lo lắng và bạn thực sự cần một giấc ngủ trưa.

“Khi xem xét giấc ngủ và sự tác động của nó lên tâm trí, chúng ta sẽ phải nhìn vào bản chất – tương tự như tình huống con gà và quả trứng”, chuyên gia về giấc ngủ Christine Hansen nói. “Một mặt, căng thẳng tâm lý có thể gây ra những hậu quả về thể chất, chẳng hạn như chứng rối loạn hoóc môn hoặc tổn thương đường ruột, cả 2 đều có thể gây rối loạn giấc ngủ. Mặt khác, những vấn đề về thể chất làm cho chúng ta khó đối phó với căng thẳng hơn”.

Khi sự ứng phó với căng thẳng bị giảm xuống, sẽ tạo ra vòng xoáy luẩn quẩn mất ngủ - căng thẳng.

Vì sao mất ngủ có thể làm tăng nguy cơ lo âu? - 2

Theo chuyên gia trị liệu giấc ngủ TS. Richard Shane, chứng thiếu ngủ chiếm phần lớn trong các trường hợp đi khám.

“Các nghiên cứu chỉ ra rằng thiếu ngủ có thể làm gia tăng căng thẳng, lo lắng, trầm cảm, giận dữ, kích thích, làm suy giảm khả năng suy nghĩ, năng lượng, hiệu suất và góp phần gây ra một loạt các vấn đề sức khỏe”, BS. Shane nói.

BS. Shane cũng cho biết trong 1 nghiên cứu với 10.000 người trưởng thành tham gia, những người bị chứng mất ngủ có nguy cơ bị trầm cảm cao gấp 20 lần và nguy cơ hoảng loạn lên tới 20 lần.

“Khi ngủ, não bạn sẽ thực sự co lại. Chất dịch trong não về cơ bản sẽ làm sạch chất độc đã tích tụ trong ngày (Quá trình này là điểm mấu chốt để giảm căng thẳng). Những chất độc này có thể đẩy nhanh các bệnh tâm thần tiềm ẩn như Alzheimer hay sa sút trí tuệ", Hansen giải thích.

Khi không ngủ được, cơ thể bạn sẽ căng thẳng và chất độc bị tích lũy sẽ góp phần gây ra lo âu, trầm cảm. “Bởi não bộ đã không có cơ hội xóa đi những dữ kiện không cần thiết và đầy căng thẳng từ hôm trước. Não bộ cảm thấy hỗn loạn và điều này góp phần gây ra lo âu”.

Thêm vào đó, các dây thần kinh không được nghỉ ngơi sẽ làm bạn có cảm giác bị kích động. Bạn không thể suy nghĩ sáng rõ điều gì khi bạn không có một giấc ngủ ngon và hậu quả là bạn sẽ ra những quyết định sai lầm.

Tất cả những điều này sẽ gây ra cảm giác lo âu và góp phần gây ra chứng rối loạn lo âu.

Vì sao mất ngủ có thể làm tăng nguy cơ lo âu? - 3

“Khi bạn không ngủ đủ, cơ thể sẽ bị stress và các nghiên cứu cho thấy hoóc môn cortisol sẽ tăng lên. Cortisol là chất giúp chúng ta ngủ ngon nhưng khi quá nhiều sẽ gây mất cân bằng các hoóc môn khác, đặc biệt là hoóc môn giới tính (oestrogens, testosterone, progesterone) và nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe tinh thần và khả năng ứng phó với căng thẳng”.

Hansen cũng chỉ ra giấc ngủ REM (giai đoạn giấc ngủ khi não hoạt động tích cực và xuất hiện giấc mơ) là rất cần cho sức khỏe mỗi cá nhân bởi giai đoạn này giúp não bộ xử lý mọi thứ đã xảy ra trong ngày.

Tóm lại, một giấc ngủ trọn vẹn là điều tối cần thiết cho sức khỏe thể chất và tinh thần.

Nhân Hà

Theo RD