Vì sao để tốt cho sức khỏe bạn không nên ăn nhiều tỏi?

Hà An

(Dân trí) - Ăn 1-2 tép tỏi mỗi ngày có thể có lợi cho sức khỏe, nhưng ăn nhiều hơn có thể gây hôi miệng, ợ nóng, các vấn đề về dạ dày và các tác dụng phụ khó chịu khác.

Đối với nhiều người, tỏi là loại gia vị yêu thích để nấu ăn, nhờ hương vị cay nồng và mùi thơm. Nó đặc biệt hiệu quả trong các món hầm, nước sốt, pizza và các món mì ống. Nó cũng mang lại một số lợi ích sức khỏe do đặc tính dược liệu của nó. Tuy nhiên, bất chấp tính linh hoạt và lợi ích cho sức khỏe, một số người yêu thích tỏi tự hỏi liệu có thể ăn quá nhiều không?

Tác dụng phụ của tỏi

Theo Healthline, mặc dù tỏi là một thực phẩm bổ sung lành mạnh cho chế độ ăn uống cân bằng, nhưng ăn quá nhiều có thể gây ra một số tác dụng phụ.

Vì sao để tốt cho sức khỏe bạn không nên ăn nhiều tỏi? - 1

Tốt nhất, bạn nên ăn tỏi ở mức độ vừa phải (Ảnh: Shutterstock).

Tăng nguy cơ chảy máu

Một trong những tác dụng phụ nghiêm trọng nhất của việc ăn quá nhiều tỏi là tăng nguy cơ chảy máu, đặc biệt là nếu bạn đang dùng thuốc làm loãng máu hoặc phẫu thuật. Nguyên nhân là do tỏi có đặc tính chống huyết khối, nghĩa là nó có thể ngăn ngừa hình thành cục máu đông.

Mặc dù chảy máu do tỏi không phổ biến nhưng một báo cáo đã nêu chi tiết một trường hợp bị chảy máu nhiều hơn sau khi thường xuyên ăn 12 gram tỏi (khoảng 4 tép tỏi) mỗi ngày trước khi phẫu thuật.

Một trường hợp bị bầm tím sau phẫu thuật. Nguyên nhân có thể là do một loại thực phẩm bổ sung mà người đó đã dùng, có chứa dầu cá và 10mg tinh chất tỏi, cả hai đều ảnh hưởng đến quá trình hình thành cục máu đông.

Do đó, điều quan trọng là bạn phải trao đổi với bác sĩ trước khi sử dụng thực phẩm bổ sung tỏi. Nếu bạn đang dùng bất kỳ loại thuốc nào hoặc chuẩn bị phẫu thuật, bạn cũng nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thêm tỏi vào chế độ ăn uống của mình.

Tương tự, theo ThS.BSCKII Hà Hải Nam, Bệnh viện K (Hà Nội), tỏi có tác dụng làm loãng máu, ngăn hình thành huyết khối, ức chế ngưng tập tiểu cầu, làm tăng nguy cơ chảy, mất máu. Vì thế, người ăn nhiều hơn 12gr tỏi mỗi ngày (hơn 4 tép) sẽ có nguy cơ bị chảy máu nhiều hơn khi phẫu thuật.

Hơi thở có mùi tỏi

Tỏi chứa nhiều hợp chất lưu huỳnh, có nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, những hợp chất này có thể gây hôi miệng, đặc biệt là khi ăn với số lượng lớn. Điều này đặc biệt đúng đối với tỏi sống, vì nấu chín sẽ làm giảm hàm lượng các hợp chất lưu huỳnh có lợi này.

Tuy nhiên, bạn có thể thử một số biện pháp khắc phục tại nhà để loại bỏ hơi thở có mùi tỏi.

Các vấn đề về tiêu hóa

Giống như hành tây, tỏi tây và măng tây, tỏi có hàm lượng fructan cao, một loại carbohydrate được tạo thành từ các chuỗi fructose, một loại đường đơn giản. Nó có thể gây đầy hơi, chướng bụng và đau dạ dày ở một số người.

Trên thực tế, khi những người không dung nạp fructan ăn thực phẩm có hàm lượng fructan cao, thực phẩm đó không được hấp thụ hoàn toàn ở ruột non. Thay vào đó, thực phẩm đó sẽ đi đến ruột già mà không bị ảnh hưởng và lên men trong ruột của bạn, một quá trình có thể gây ra các vấn đề về tiêu hóa.

Ngoài ra, theo BS Nam, tỏi chứa nhiều fructose, có thể gây đầy hơi và đau dạ dày ở những người có tình trạng không dung nạp fructose. Lý do, khi đó fructose không được tiêu hóa ở ruột non mà xuống thẳng đại tràng, lên men ở đó gây đầy hơi và các vấn đề tiêu hóa khác.

Những người đã có sẵn bệnh nền của đường tiêu hóa thì nên thận trọng khi sử dụng tỏi.

Ợ nóng

Nếu bạn bị bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD), bạn có thể cân nhắc giảm lượng tỏi ăn vào. GERD là tình trạng phổ biến xảy ra khi axit dạ dày trào ngược lên thực quản, gây ra các triệu chứng như ợ nóng và buồn nôn.

Tỏi có thể làm giảm trương lực của cơ thắt dưới thực quản. Đây là cơ giúp cho việc tránh để thức ăn ở trong dạ dày khi co bóp, bị đẩy ngược lên thực quản. Khi cơ này yếu, đầu trên dạ dày đóng không kín, dẫn tới tình trạng trào ngược thức ăn và axit lên trên thực quản, gây cảm giác bỏng rát, ợ nóng, buồn nôn.

Tuy nhiên, một số loại thực phẩm nhất định ảnh hưởng đến những người bị GERD theo cách khác nhau. Nếu bạn thấy rằng ăn nhiều tỏi không gây ra triệu chứng, thì có lẽ bạn không cần phải hạn chế lượng tỏi ăn vào.

Bạn nên ăn bao nhiêu tỏi mỗi ngày?

Mặc dù không có khuyến nghị chính thức nào về lượng tỏi bạn nên ăn, nhưng các nghiên cứu cho thấy rằng ăn 1-2 tép tỏi (3-6 gram) mỗi ngày có thể mang lại lợi ích cho sức khỏe. Nếu bạn nhận thấy bất kỳ tác dụng phụ nào sau khi ăn nhiều hơn lượng này, hãy cân nhắc giảm lượng tỏi ăn vào.

Nấu tỏi trước khi ăn cũng có thể giúp ngăn ngừa các tác dụng phụ như hơi thở có mùi tỏi, các vấn đề về tiêu hóa và trào ngược axit.

Nếu bạn có bất kỳ tình trạng sức khỏe tiềm ẩn nào hoặc đang dùng thuốc, tốt nhất bạn nên trao đổi với bác sĩ trước khi thực hiện bất kỳ thay đổi nào đối với chế độ ăn uống hoặc sử dụng bất kỳ loại thực phẩm bổ sung thảo dược nào.

Như vậy, tỏi rất bổ dưỡng và có nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, nếu bạn ăn quá nhiều, nó có thể gây ra các tác dụng phụ như hôi miệng, trào ngược axit, các vấn đề về tiêu hóa và tăng nguy cơ chảy máu. Do đó, tốt nhất là bạn nên thưởng thức loại gia vị thơm ngon này ở mức độ vừa phải và giảm lượng tiêu thụ nếu bạn bắt đầu gặp bất kỳ tác dụng phụ nào.