Vì sao chưa thể có vắc xin dịch vụ trong 2015?

(Dân trí) - Trước thông tin sẽ có vài trăm nghìn liều vắc xin dịch vụ 5 trong 1, 6 trong 1 được nhập vào Việt Nam trong tháng 11 tới, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, đã có những chia sẻ rất cụ thể về vấn đề này.

Ngày 30/10, chia sẻ thông tin với báo chí, ông Phu khẳng định, từ nay đến cuối năm chưa thể có nguồn vắc xin dịch vụ 5 trong 1, 6 trong 1. Vì thế, trẻ có thể tiêm vắc xin tương ứng Quinvaxem trong chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) để phòng bệnh.

Mỗi đợt có vắc xin dịch vụ 5 trong 1, 6 trong 1, nhiều người Hà Nội lại xếp hàng chờ đợi hi vọng đăng kí cho con tiêm được vắc xin. Ảnh: H.Hải
Mỗi đợt có vắc xin dịch vụ 5 trong 1, 6 trong 1, nhiều người Hà Nội lại xếp hàng chờ đợi hi vọng đăng kí cho con tiêm được vắc xin. Ảnh: H.Hải

Trước câu hỏi, dư luận đồn thổi Việt Nam không cho nhập vắc xin dịch vụ để người dân sử dụng vắc xin trong chương trình TCMR, ông Phu khẳng định: “Không thể có chuyện đó xảy ra. Bộ Y tế cho các công ty nhập khẩu vắc xin theo nhu cầu để phục vụ người dân. Vấn đề là công ty sản xuất không có vắc xin để cung cấp cho chúng ta”.

Ông Phu giải thích thích thêm, như tại Singapore vẫn có vắc xin dịch vụ 5 trong 1, 6 trong 1 là do họ có kế hoạch đặt hàng và với số lượng lớn từ nhiều năm trước đó. Bình thường, vắc xin muốn có phải đặt hàng 2 - 3 năm chứ không phải là thuốc cứ có nhu cầu là công ty sản xuất bán. Các công ty nhập khẩu của Việt Nam mua theo lô lẻ, số lượng không nhiều nên công ty sản xuất ưu tiên đơn hàng lớn, đặt hàng lâu lăm. Việt Nam giờ muốn nhập cũng không được cung cấp vì họ không đủ nguồn vắc xin.

Còn các vắc xin khác như thủy đậu, sởi, viêm não mô cầu... đều là các vắc xin dịch vụ vẫn được đáp ứng nhu cầu. Vì thế, không thể có chuyện Bộ Y tế không cho nhập vắc xin dịch vụ để sử dụng vắc xin TCMR.

Trước thông tin có hiện tượng nâng giá vắc xin dịch vụ; gia đình có con nhỏ "săn" vắc xin dịch vụ bằng cách trả số tiền lớn cho vắc xin xách tay... ông Phu cho biết,  Bộ Y tế nghiêm cấm việc tiêm vắc xin dịch vụ tại nhà. Nghiêm cấm việc trong lúc này đẩy giá vắc xin. Còn hiện tượng giá vắc xin dịch vụ khác nhau tại điểm tiêm cũng phải xem lại. Vì giá vắc xin quy định giá trần nhưng giá dịch vụ là khác nhau tại các điểm tiêm khác nhau.

“Từ giờ cuối năm sẽ không có vắc xin dịch vụ, thậm chí sang năm 2016 cũng chưa biết được nguồn họ cung cấp cho chúng ta là bao nhiêu, trong khi đó trẻ không được tiêm phòng sẽ rất nguy hiểm. Như bài học qua vụ dịch sởi năm năm 2014, hay gần đây là ho gà, bạch hầu... Qua giám sát cho thấy phần lớn các trường hợp mắc bệnh là do không được tiêm, hoặc tiêm chưa đầy đủ vắc xin phòng bệnh, hoặc do trẻ tiêm muộn. Vì thế, khi mà nguồn vắc xin dịch vụ chưa đảm bảo, việc chờ đợi tiêm rất nguy hiểm, trẻ có thể bị mắc bệnh ở giai đoạn chờ đợi này”, TS Phu nói.

Vì thế, người dân cần phải thay đổi nhận thức giữa tiêm dịch vụ và mở rộng. Các vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng được tổ chức tiêm đầy đủ trong tháng, đảm bảo số lượng theo nhu cầu và an toàn.

Tú Anh