Vì sao chị em mắc ung thư vú nên tuân thủ việc điều trị?
Ung thư vú là bệnh thường gặp nhất trong các ung thư ở nữ giới, những năm gần đây, các ca mắc mới được phát hiện có xu hướng gia tăng.
Theo chia sẻ của ThS.BS Đặng Tiến Giang, Phó Trưởng Khoa Nội 6 - Bệnh viện K, ung thư vú thường diễn biến thầm lặng nên đa số phát hiện bệnh khi đã ở giai đoạn II, III, thậm chí muộn hơn. Trong những năm gần đây, đã có nhiều tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị ung thư vú nhưng thời gian điều trị thường kéo dài và phải kết hợp đa mô thức, việctuân thủ điều trị sẽ đóng vai trò quyết định đến kết quả điều trị của người bệnh.
Hiện nay phương pháp điều trị ung thư vú kinh điển vẫn dựa trên phác đồ đa mô thức: phẫu thuật, xạ trị, điều trị nội khoa. Người bệnh được áp dụng một hay nhiều phương pháp, theo các liệu trình khác nhau để điều trị. Các bác sĩ sẽ dựa vào kết quả mô bệnh học, đặc điểm sinh học của khối u, giai đoạn bệnh, thể trạng và các bệnh lý đồng mắc trên từng người bệnh để quyết định phác đồ điều trị.
Với bệnh nhân ung thư vú, kết quả điều trị sẽ phụ thuộc vào các yếu tố sau:
Thời điểm điều trị: Trong điều trị ung thư thời điểm điều trị đóng vai trò quan trọng, đôi khi quyết định các phương pháp và cũng ảnh hưởng đến kết quả chung. Chẳng hạn như một người bệnh khi phát hiện ở giai đoạn không có khả năng phẫu thuật triệt căn, các bác sĩ có thể lựa chọn hóa trị tân bổ trợ trước sau đó đánh giá phẫu thuật, xạ trị và các phương án khác. Thế nhưng rất đáng tiếc tại Bệnh viện K đã từng gặp người bệnh sau khi điều trị tân bổ trợ khối u thuyên giảm nhiều nhưng lại có tâm lý lo sợ đụng dao kéo vào sẽ di căn nhanh hơn. Sau đó, người bệnh không điều trị tiếp theo phác đồ bác sĩ tư vấn, để khối u phát triển trở lại, lỡ mất thời điểm có thể điều trị triệt căn. Có thể thấy, người bệnh cần tuân thủ các bước điều trị để đạt hiệu quả tối ưu, tránh bỏ lỡ các thời điểm vàng để điều trị.
Chất lượng điều trị: Trong quá trình hóa trị, một số người bệnh tự kết hợp hoặc chuyển hẳn sang dùng thuốc lá, thuốc nam, thuốc không rõ tác dụng, không được bác sĩ chuyên khoa khuyến cáo phối hợp và sử dụng. Điều này dẫn đến nhiều trường hợp có biểu hiện suy đa cơ quan do cơ thể đồng thời chịu độc tính của nhiều loại thuốc ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người bệnh. Trong trường hợp không gây độc cho cơ thể, các loại thuốc khác nhau khi dùng chung có thể tương tác có hại hoặc mất tác dụng của thuốc điều trị.
Bên cạnh đó, các dòng tế bào ung thư có tỷ lệ nhân lên và đột biến rất cao, dẫn đến hiện tượng kháng thuốc. Khi đó, nếu không tuân thủ, sẽ dẫn đến việc nồng độ thuốc trong cơ thể thấp, có thể xuất hiện các đột biến kháng thuốc, đồng thời tế bào ung thư có thời gian phát triển trở lại.
Việc không tuân thủ phác đồ điều trị có thể dẫn đến thất bại điều trị. Theo dõi diễn biến bệnh và thực hiện đúng, đầy đủ các chỉ định của thầy thuốc mới giúp người bệnh hạn chế thất bại trong điều trị, đồng thời đạt được kết quả điều trị tối ưu.
Các yếu tố ảnh hưởng đến việc tuân thủ điều trị:
Do bản chất của bệnh và một số người bệnh phát hiện ở giai đoạn muộn nên luôn có gánh nặng tâm lý đeo đẳng, nhất là đối với những bệnh nhân thiếu niềm tin và lạc quan dễ dẫn đến tình trạng chán nản, buông xuôi, bỏ điều trị hoặc dễ tin vào lời khuyên của những người xung quanh, không tuân thủ phác đồ điều trị.
Việc điều trị kết hợp nhiều phương pháp, nhiều thuốc và có thể có các tác dụng phụ không mong muốn của các thuốc sử dụng điều trị. Những vấn đề này có thể ảnh hưởng rất lớn đến sự tuân thủ của người bệnh, làm người bệnh sợ dùng thuốc, không tin tưởng vào sức khỏe của mình dẫn đến bỏ dở liệu trình, bỏ thuốc hoặc dùng thuốc không đều đặn.
Sự hỗ trợ của cán bộ y tế, người thân trong gia đình và bạn bè của người bệnh là yếu tố quan trọng đảm bảo việc tuân thủ của người bệnh. Việc chia sẻ, an ủi và động viên cũng như nhắc nhở hoặc giúp đỡ người bệnh sẽ làm cho sự tuân thủ của bệnh nhân được tốt hơn, người bệnh có thêm niềm tin vào cuộc sống và các phương pháp y học hiện đại, vào thầy thuốc chuyên khoa.
Theo vtv.vn