Vì sao các bác sĩ tiêm Globulin miễn dịch cho bệnh nhi sởi?

(Dân trí) - Trước tình hình dịch bệnh sởi trên cả nước, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Bộ Y tế khuyến cáo cần tiêm vắc xin sởi và xem xét việc tiêm globulin miễn dịch trong một số trường hợp để phòng ngừa sởi phát triển.

 
Bổ sung globulin miễn dịch trong xử trí bệnh sởi (ảnh interrnet minh họa)
Bổ sung globulin miễn dịch trong xử trí bệnh sởi (ảnh interrnet minh họa)

 

Thực tế trên lâm sàng, miễn dịch thụ động được tạo thành trong cơ thể con người nhờ việc tiêm globulin miễn dịch để phòng ngừa ngay lập tức một bệnh nào đó. Thời gian miễn dịch thụ động phụ thuộc vào liều lượng, tính bền vững của globulin và chúng chỉ có khả năng có tác dụng trong vòng một vài tuần.

 

Có hai loại globulin miễn dịch được sử dụng là loại globulin miễn dịch thông thường và loại globulin miễn dịch đặc hiệu. Loại globulin miễn dịch thông thường ở người được chiết suất từ huyết tương người; chúng có chứa kháng thể chống vi rút và các vi rút này có tỷ lệ lưu hành trong quần thể dân chúng bình thường để gây nên các bệnh nhiễm trùng thông thường.

 

Tại Úc, globulin miễn dịch thông thường được pha loãng 16,5%, tại Anh được pha loãng 10%, tại Mỹ được pha loãng 16,5%; đồng thời thêm thiomersal 0,01% vào để làm chất bảo quản.

 

Globulin miễn dịch thông thường cũng giống như các chế phẩm miễn dịch khác, chúng cần phải được sàng lọc và xử lý thận trọng để không bị nhiễm các loại vi rút như HIV, HBV, HCV. Thực tế các globulin miễn dịch thông thường có chứa 16% các phân tử IgG của huyết tương người bình thường và thiomersal 0,01%  để bảo quản; ống globulin được đóng dưới dạng 2ml hoặc 5ml dùng để tiêm bắp. Trong một số trường hợp cần thiết, có thể dùng globulin miễn dịch dạng tiêm tĩnh mạch. 

 

Trước tình hình bệnh sởi bùng phát hiện nay, ngày 15/4/2014 hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế đã thống nhất việc bổ sung thêm việc sử dụng gamma globulin để điều trị bệnh sởi vì chất này gây miễn dịch thụ động, có tác dụng tăng cường sức đề kháng của cơ thể. Chế phẩm globulin miễn dịch thông thường có trên thị trường dùng để tiêm bắp được gọi là immune globulin IM, viết tắt là IGIM. Chúng chứa từ 15-18% protein, trong đó immunoglobulin G, viết tắt là IgG, còn được gọi là gamma globulin chiếm không dưới 90%. IGIM được sử dụng để tạo sự miễn dịch thụ động nhờ sự gia tăng hiệu giá kháng thể và khả năng phản ứng kháng nguyên-kháng thể. Các kháng thể IgG có trong IGIM có tác dụng phòng bệnh hoặc làm thay đổi một số bệnh nhiễm khuẩn ở những người dễ mắc. Sau khi tiêm bắp IGIM, nồng độ IgG huyết thanh đạt đỉnh trong vòng 2 ngày. IgG có trong IGIM được phân bố nhanh và ngang nhau giữa các khu vực trong và ngoài mạch máu. Nửa đời của IgG ở những người có hàm lượng IgG bình thường khoảng 23 ngày.

 

Ðối với bệnh sởi, IGIM được dùng để phòng bệnh hoặc làm thay đổi các triệu chứng của bệnh sởi cho những đối tượng dễ mắc do bị phơi nhiễm với tác nhân gây bệnh trước đó dưới 6 ngày. Có thể dùng IGIM để phòng bệnh cho trẻ em chưa được miễn dịch hay người lớn chưa có miễn dịch, tức là chưa có kháng thể chống bệnh sởi. Nên sử dụng IGIM càng sớm càng tốt sau khi có tiếp xúc với người bị sởi. Cũng nên dùng IGIM cho trẻ em dưới 12 tháng tuổi mới mắc bệnh nặng với mục đích phòng tránh bệnh sởi; sau đó dùng vắc xin vi rút sởi, quai bị, rubella (MMR) sống ít nhất sau 3 tháng ở lứa tuổi thường dùng.

 

Miễn dịch thụ động đối với sởi sau khi tiêm IGIM thường tồn tại khoảng từ 3 đến 4 tuần, còn miễn dịch chủ động bằng vắc xin vi rút sởi sống cần được bắt đầu 3 tháng sau khi tiêm IGIM, miễn là trẻ ít nhất được 15 tháng tuổi và không có chống chỉ định dùng vắc xin. Không dùng IGIM đồng thời với vắc xin vi rút sởi sống.

 

Liều IGIM thông thường với mục đích phòng bệnh sau phơi nhiễm đối với bệnh sởi cho những đối tượng dễ mắc là 0,25 ml/kg cân nặng (liều tối đa là 15ml), liều duy nhất tiêm trong vòng 6 ngày sau khi phơi nhiễm; sau đó gây miễn dịch chủ động bằng vắc xin vi rút sởi sống cần được bắt đầu 3 tháng sau khi tiêm IGIM cho những đối tượng đã 15 tháng tuổi trở lên, trừ khi chống chỉ định dùng vắc xin. Nếu người bị phơi nhiễm có tiền sử rõ rệt hoặc nghi ngờ là bị bệnh bạch cầu, u lymphô, các u ác tính đã phát triển toàn thân hoặc một bệnh suy giảm miễn dịch hay đang được điều trị bằng các thuốc corticoides hoặc các thuốc ức chế miễn dịch như các thuốc kháng chuyển hóa, các thuốc alkyl hóa, xạ trị... thì liều IGIM thường dùng để phòng sau phơi nhiễm bệnh sởi là 0,5 ml/kg cân nặng (liều tối đa là 15 ml), tiêm liều duy nhất. Những người dùng IGIM với mục đích điều trị thay thế thì không cần phòng bệnh sởi bổ sung bằng IGIM nếu như bị phơi nhiễm sởi.

 

Như vậy theo hướng dẫn của Bộ Y tế bổ sung, các cơ sở y tế nếu có điều kiện nên trang bị thêm loại globuline miễn dịch thông thường để xử trí một số trường hợp sởi cần thiết khi gặp những đối tượng cần sử dụng.

 

TTƯT.BS. Nguyễn Võ Hinh