Vì sao béo phì làm tăng nguy cơ mắc ung thư?

Minh Nhật

(Dân trí) - Trong khi tương quan giữa béo phì với đái tháo đường, tăng huyết áp và bệnh tim mạch được chú ý, thì mối liên hệ giữa béo phì và ung thư lại ít được lưu tâm đúng mức.

Các nhà nghiên cứu khoa học đưa ra 6 cơ chế lý giải tại sao thừa cân, béo phì tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư như sau:

Người béo phì thường dễ bị mắc các chứng bệnh hoặc rối loạn liên quan đến hoặc gây ra viêm mãn tính ở mức độ thấp, và theo thời gian viêm sẽ gây tổn thương ADN dẫn tới ung thư.

Vì sao béo phì làm tăng nguy cơ mắc ung thư? - 1

Mô mỡ sinh tổng hợp một lượng estrogen dư thừa, nồng độ estrogen cao liên quan gia tăng nguy cơ ung thư vú, nội mạc tử cung, buồng trứng, và một số loại ung thư khác.

Người béo phì thường tăng insulin và insulin growth factor-1 (IGF-1). (cường insulin máu hoặc kháng insulin). Nồng độ Insulin và IGF-1 cao có thể thúc đẩy sự phát triển của ung thư đại tràng, thận, tuyến tiền liệt và ung thư nội mạc tử cung.

Tế bào mỡ tạo ra adipokine, hormone kích thích hoặc ức chế sự phát triển của tế bào. Ví dụ, nồng độ leptin (một adipokine) trong máu tăng lên cùng với sự gia tăng chất béo khi béo phì sẽ thúc đẩy sự gia tăng phát triển tế bào trong cơ thể. Và adiponectin (adipokine khác) có tác dụng chống phát triển mô tế bào lại giảm thấp ở người béo phì.

Các tế bào mỡ cũng có thể có các tác động trực tiếp và gián tiếp lên các chất điều chỉnh tăng trưởng tế bào khác.

Các cơ chế khác có thể làm béo phì có thể ảnh hưởng đến nguy cơ ung thư bao gồm thay đổi tính chất cơ học của mô liên kết quanh tế bào vú, thay đổi phản ứng miễn dịch, tác động lên hệ thống kappa beta nhân và quá trình stress oxy hóa.

Chế độ dinh dưỡng lành mạnh tránh béo phì

Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới, một chế độ ăn lành mạnh cần có nhiều quả chín, rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt, chất xơ, đậu đỗ, hạn chế các thành phần như đường tự do, các thức ăn vặt và đồ uống có đường, thịt chế biến sẵn và muối. Ở một chế độ ăn lành mạnh, các chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa sản xuất công nghiệp cần phải được thay thế bằng chất béo chưa bão hòa. Một chế độ ăn uống lành mạnh cung cấp cho cơ thể những chất dinh dưỡng thiết yếu như các chất dinh dưỡng đa lượng, vi chất dinh dưỡng và năng lượng đầy đủ, đáp ứng nhu cầu của mỗi một cá thể tùy thuộc tình trạng dinh dưỡng, sinh lý và vận động.

Vì sao béo phì làm tăng nguy cơ mắc ung thư? - 2

Bên cạnh đó, bạn có thể học theo những nguyên tắc cơ bản dưới đây để luôn duy trì chế độ dinh dưỡng lành mạnh:

- Uống nhiều nước.

- Ăn 5 loại rau quả mỗi ngày.

- Không bỏ bữa sáng.

- Lên thực đơn bữa ăn cho cả tuần. Lên danh sách những thực phẩm cần mua.

- Hãy chuẩn bị một số đồ ăn nhanh và luôn mang theo bên người như các loại hoa quả sấy khô hay hoa quả tươi, bánh gạo, bánh quy không đường, sữa chua hoa quả ít béo và bánh mỳ không.

- Hạn chế các chất kích thích như cafein, cồn và đường tinh chế.

- Hạn chế những bữa ăn ngoài.