Vào mùa ho gà, gần 20 trẻ nhập viện Nhi Trung ương

(Dân trí) - TS.BS Nguyễn Văn Lâm, Trưởng khoa Truyền nhiễm, BV Nhi Trung Ương cho biết, mùa đông xuân, tỉ lệ mắc ho gà thường cao hơn. Trong 20 bệnh nhi nhập viện, nhiều ca bệnh nặng có biến chứng viêm phổi, có trẻ suy hô hấp phải vào thở máy.

Trong số trẻ ho gà nhập viện phần lớn trẻ chưa được tiêm phòng, tiêm phòng chưa đủ mũi, chưa đến tuổi tiêm phòng.
Trong số trẻ ho gà nhập viện phần lớn trẻ chưa được tiêm phòng, tiêm phòng chưa đủ mũi, chưa đến tuổi tiêm phòng.

Theo ThS.BS Đỗ Thiện Hải, Phó trưởng khoa truyền nhiễm, BV Nhi Trung ương, ho gà khác với ho nhiễm khuẩn hô hấp thông thường, vi khuẩn ho gà khiến trẻ ho từng cơn không thể kiềm chế lại được, ho liên tục, ho rũ rượi đến tím tái mặt mày, thậm chí có thể ngừng thở, tử vong trong cơn ho.

Không chỉ gây ho, mà ho gà còn có thể gây biến chứng nguy hiểm như gây viêm phổi nặng, xuất huyết não và rất nhiều vấn đề phức tạp khác. Nhiều ca phải thở máy dài ngày. Trong khi đó, với trẻ nhỏ phải vào thở máy vì suy hô hấp cơ hội là 50 – 50 bởi diễn biến bệnh ở trẻ rất khác nhau, tiềm ẩn nhiều nguy cơ vì đã suy hô hấp, không tự thở được phải thở máy, với thời gian điều trị từ 2 – 3 tuần liên tục rất vất vả. Trẻ càng nhỏ, nguy cơ biến chứng càng cao, điều trị càng khó khăn hơn.

Vì thế, nếu trẻ chưa đến tuổi tiêm phòng, chưa được tiêm phòng ho gà mà xuất hiện cũng hơn ho bất thường, ho rũ rượu đừng chủ quan, hãy đưa trẻ đi khám sớm để phát hiện nguy cơ.

Bên cạnh ho gà ở lứa tuổi sơ sinh, thủy đậu ở nhóm bệnh nhi này cũng cần cảnh báo. Theo TS Lâm, trong số hơn 10 bệnh nhi nhập viện vì thủy đậu tuần qua, có những bệnh nhi sơ sinh do bị lây thủy đậu từ mẹ.

Thông thường, thủy đậu là bệnh lành tính. Nhưng bệnh cũng có thể gây biến chứng nguy hiểm như: viêm màng não, xuất huyết, nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng nốt rạ, viêm mô tế bào, viêm gan… Một số trường hợp có thể gây tử vong nếu người bệnh không được điều trị kịp thời.

Viêm phổi do thủy đậu, ít khi xảy ra hơn, nhưng rất nặng và rất khó trị.

Viêm não do thủy đậu cũng xảy ra, không hiếm: sau thủy đậu trẻ bỗng trở nên vật vã, kích thích, nhiều khi kèm theo co giật, hôn mê. Những trường hợp này có thể mang di chứng thần kinh lâu dài: bị điếc, chậm phát triển, động kinh…

Tiêm phòng thuỷ đậu cho người lớn tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Ảnh: H.Hải
Tiêm phòng thuỷ đậu cho người lớn tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Ảnh: H.Hải

Con giảm nguy cơ khi mẹ tiêm ngừa

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng phân tích, các bà mẹ khi được tiêm ngừa vắc xin sởi, quai bị, rubella, thủy đậu… (hoặc đã từng mắc bệnh), cơ thể đã có miễn dịch sẽ truyền kháng thể sang cho trẻ trong quá trình mang thai, nuôi con bằng sữa mẹ trong giai đoạn đầu sau sinh.

Thêm nữa khi duy trì được tỉ lệ miễn dịch cộng đồng cao (tỉ lệ tiêm chủng cao) sẽ giảm nguy cơ mắc bệnh khi chưa đến tuổi tiêm chủng.

Vì thế, người chưa tiêm chủng, đặc biệt là ở phụ nữ tuổi sinh đẻ nên tiêm chủng.

Hồng Hải