Vẫn còn nhiều chất thải y tế chưa được xử lý

(Dân trí) - Theo kết quả khảo sát, khoảng 33% bệnh viện tuyến huyện và tỉnh không có hệ thống lò đốt chuyên dụng, phải xử lý chất thải y tế nguy hại bằng các lò đốt thủ công. Còn lại 27% đốt chất thải y tế ngoài trời hoặc chôn lấp trong khu đất của bệnh viện.

Thông tin trên được TS Lý Ngọc Kính, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đưa ra tại Hội nghị Báo cáo Tổng kết công tác khám chữa bệnh năm 2008 và định hướng kế hoạch hoạt động 2009 diễn ra sáng 14/4 tại Hà Nội.

Theo đó, về công tác xử lý rác thải y tế vẫn còn rất nhiều khó khăn, bất cập. Tính đến nay, cả nước chỉ có gần 200 chiếc lò đốt chuyên dụng (nhiệt độ cao và có hai buồng). Trong đó có 02 xí nghiệp đốt rác tập trung tại Hà Nội và TPHCM, còn lại là các lò đốt rác cỡ trung bình và cỡ nhỏ.

Tổng số lò đốt là gần 200 lò nhưng hiện phải xử lý rác thải y tế cho 435 bệnh viện (chiếm khoảng 40% số bệnh viện). Hơn nữa, các lò đốt rác chủ yếu tập trung ở các bệnh viện tỉnh trở lên và một số bệnh viện tuyến huyện thuộc các thành phố, thị xã. Còn lại khoảng 33% bệnh viện tuyến huyện và một vài bệnh viện tuyến tỉnh không có hệ thống lò đốt này, phải xử lý chất thải y tế nguy hại bằng các lò đốt thủ công (tự xây). Còn lại 27% đốt chất thải y tế ngoài trời hoặc chôn lấp trong khu đất của BV.

Còn theo một điều tra mới đây của Viện Y học lao động và vệ sinh môi trường - Bộ Y tế tại 854 bệnh viện cho thấy: có 73% các bệnh viện xử lý chất thải rắn y tế nguy hại bằng phương pháp đốt; đã có 95,6% bệnh viện đã thực hiện phân loại chất thải trong đó 91,1% đã sử dụng dụng cụ tách riêng vật sắc nhọn. Tuy nhiên, nhiều địa phương không có cơ sở xử lý chất thải y tế nguy hại tập trung, nên các BV sau khi phân loại rác y tế và rác sinh hoạt phải tự xử lý;

Theo TS Kính, qua thực tế báo cáo của các địa phương cho thấy, công tác thu gom, xử lý rác thải y tế hiện nay vẫn còn nhiều bất cập. Các phương tiện thu gom như túi, thùng đựng chất thải còn thiếu và chưa đồng bộ, hầu hết chưa đạt tiêu chuẩn; xử lý và tiêu huỷ chất thải rắn y tế nguy hại gặp nhiều khó khăn do thiếu cơ sở xử lý chất thải nguy hại trên địa bàn; việc kiểm soát khí thải lò đốt gặp khó khăn; thiếu các cơ sở tái chế chất thải; thiếu nguồn kinh phí đầu tư xây dựng và vận hành hệ thống xử lý chất thải rắn và nước thải bệnh viện…

Để đẩy mạnh công tác xử lý chất thải bệnh viện, trong năm 2009, Bộ Y tế sẽ tăng cường kiểm tra và kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm các quy định về phân loại, thu gom và xử lý chất thải y tế. Tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng xử lý chất thải bệnh viện. Yêu cầu các bệnh viện phải dành kinh phí theo quy định cho xử lý chất thải bệnh viện. Kiên quyết đạt mục tiêu đến năm 2010 có trên 80% và đến năm 2020 tất cả các bệnh viện có hệ thống xử lý chất thải theo quy định của Bộ Y tế.

Hồng Hải