Vắc xin viêm gan B có đáng sợ?
(Dân trí) - “Nhiều nghiên cứu khoa học lớn đã chứng minh trẻ có đáp ứng tốt sau khi tiêm vắc xin viêm gan B và hiệu lực phòng bệnh kéo dài trong một thời gian nhất định cũng là tốt rồi. Những ý kiến này, khác của một vài đại diện thì tôi cho rằng chưa có tính khách quan”.
Đó là ý kiến của GS Nguyễn Đình Bảng (ảnh), Chủ tịch hội đồng khoa học chương trình nghiên cứu vắc xin H5N1 và vắc xin cúm người, Uỷ viên thư ký hội đồng tư vấn Sản xuất, sử dụng vắc xin - Sinh phẩm - Bộ Y tế, nguyên Giám đốc Viện Kiểm định Vắc xin và Sinh phẩm Quốc gia.
Một số tổ chức Y tế Mỹ cho rằng: “Vắc xin viêm gan B tiêm cho trẻ sơ sinh có hiệu quả với trẻ hay không còn chưa rõ? Xin GS cho ý kiến về về vấn đề này?
Rõ rồi đấy chứ, vắc xin viêm gan B có gây được đáp ứng miễn dịch cho trẻ, điều này đã được chứng minh trên các công trình nghiên cứu, đề tài và luận án trong nước và quốc tế.
Có chứng cứ cho rằng miễn dịch do tiêm vắc xin có tuổi thọ ngắn, 30 - 50% người đã tiêm sẽ mất đi đề kháng trong vòng 10 năm?
Không phải là tiêm vắc xin là có miễn dịch suốt đời, 6 - 7 năm đã là tốt rồi. Cũng như vắc xin sởi trước đây chỉ có chủ trương tiêm một mũi lúc 9 -10 tháng tuổi nhưng bây giờ họ chủ trương tiêm 2 mũi cho lứa tuổi đi học, vì đến lứa tuổi đi học (6-7) tuổi thì miễm dịch trong cơ thể cũng kém đi.
Một số nghiên cứu cho thấy, 60% người tiêm sẽ mất hẳn đi miễn dịch sau 12 năm. Vì vậy, một thời gian dài sau khi đã tiêm đủ theo phác đồ tạo miễn dịch cơ bản, trẻ lên tiêm mũi nhắc lại hàng năm.
GS cũng công nhận rằng vắc xin viêm gan B cũng kém dần tính bảo hộ khi trẻ 6 - 7 tuổi?
Cái đó không đúng với lý luận miễn dịch. Những trẻ đã tiêm rồi, gây được miễn dịch rồi thì cũng có thể sẽ mắc bệnh lại nhưng chắc chắn bệnh sẽ nhẹ hơn.
Tóm lại, nếu miễn dịch đầy đủ sẽ không mắc bệnh còn nếu miễn dịch không đầy đủ sẽ mắc bệnh nhưng mức độ sẽ nhẹ hơn.
GS đã nghiên cứu hoặc gặp trường hợp nào sau khi trẻ tiêm vắc xin bị trầm cảm hoặc một số loại bệnh khác?
Chưa có nghiên cứu nào ở VN nghiên cứu về vấn đề này. Tuy nhiên, những ý kiến này, khác của một vài đại diện thì tôi cho rằng chưa có tính khách quan. Đó phải là những nghiên cứu có quy mô lớn thì độ tin cậy mới đảm bảo.
Hiện nay, chưa có khuyến cáo nào cụ thể đối với việc tiêm chủng cho trẻ em ở VN mà chỉ dựa trên cơ sở khoa học và kinh nghiệm của một số nước đã tiêm chủng cho trẻ em sơ sinh.
PGS.TS NGuyễn Thu Vân, Tổng giám đốc Công ty sản xuất vắc xin và sinh phẩm số 1:
Trên thế giới có rất nhiều trường phái và tổ chức Y tế phản đối việc tiêm chủng trong đó có tiêm vắc xin viêm gan B cho trẻ.
Trong khi đó, theo điều tra dịch tễ ở nước ta năm 2006, tỷ lệ bà mẹ mắc bệnh viêm gan B vẫn còn rất cao. Có tới 90% bà mẹ bị viêm gan B có nguy cơ cao lây nhiễm cho con.
TS Lê Anh Tuấn, Phó giám đốc Bệnh viện Phụ sản TƯ:
Tại Viện, tỷ lệ bà mẹ mắc viêm gan B từ 10%- 30%. Viện tạm dừng việc tiêm vắc xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh cách đây vài hôm.
Hiện Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội đã cấp vắc xin nội nhằm phục vụ việc tiêm vắc xin trở lại đối với trẻ sơ sinh. |
Đây là vấn đề lớn và chính phủ có chủ trương tiêm cho trẻ sơ sinh là có cơ sở khoa học. Tuy nhiên, tôi cũng đang chuẩn bị gửi một văn bản lên Bộ y tế nhằm đề nghị xem xét lại quy trình và thời gian tiêm vắc xin đối với trẻ sơ sinh.
Tôi nhìn thấy cả hai mặt trong vấn đề này: Đối với viêm gan B, trẻ rất ít có cơ hội lây qua đường máu mà chủ yếu chỉ lây qua mẹ.
Với một quốc gia còn có tỷ lệ bà mẹ bị viêm gan B khá cao như nước ta thì ưu điểm của quá trình tiêm ngay đối với trẻ sơ sinh là sẽ quản lý tốt tỷ lệ trẻ được tiêm chủng. Bên cạnh đó, sau một thời gian dài nghiên cứu khoa học, chúng tôi nhận thấy sau khi được tiêm vắc xin, trẻ đáp ứng với miễn dịch khá tốt.
Điều đáng bàn là việc tiêm ngay cho trẻ khi sinh ra là khá nguy hiểm. Đối với trẻ sơ sinh thì khâu thăm, khám sức khoẻ nhằm phát hiện những bất thường là tối cần thiết trước khi quyết định có tiêm ngay cho trẻ hay không. Chỉ có bác sĩ giỏi, sau khi thăm khám kỹ càng cho trẻ vừa sinh mới có thể phát hiện được những biểu hiện đặc biệt về sức khoẻ, bệnh tật của trẻ. Trong khi đó, hiện nay chúng ta thiếu hẳn khâu này. Đây là lỗ hổng rất lớn gây nguy hiểm cho đứa trẻ khi vừa sinh ra.
Trên thực tế, ở các tuyến xã, huyện chỉ có một bác sĩ đỡ đẻ nên việc thăm khám kỹ càng cho các cháu trước khi tiêm là rất khó thực hiện, chưa kể đến bác sĩ đó có kinh nghiệm về khám bệnh nhi khoa hay không. Hơn nữa ở nhiều trạm xá tuyến dưới chỉ có y sỹ phụ trách đỡ đẻ, tiêm chủng, họ không có kinh nghiệm trong việc thăm khám trẻ nhỏ. Khám ở tuyến huyện rất khó để phát hiện ra trường hợp đặc biệt ở trẻ sơ sinh. Điều quan trọng nữa là là tinh thần trách nhiệm của nhiều y, bác sĩ hiện nay cũng chưa cao...
Như vậy, những tai biến nặng vừa xảy hàng loạt có thể do sự bất cẩn của bác sĩ?
Tôi không nói cụ thể về những trường hợp vừa xảy ra. Để tìm ra sẽ rất khó khăn. Tuy nhiên, đây là việc nhất thiết phải làm và phải tìm ra nguyên nhân, bởi vì đó là quyền lợi của các cháu và cũng là để bảo vệ mục tiêu chiến lược của quốc gia. Cần phải có những người không sợ trách nhiệm, khuyết điểm, không đổ lỗi cho người này người kia, khâu này khâu kia mà phải tìm nguyên nhân một cách khách quan.
Hiện nay, cần tập chung vào 3 nhóm nguyên nhân:
- Một là vắc xin
- Hai là do cơ thể đứa trẻ.
- Ba là quá trình tiêm, đặc biệt là quá trình sử dụng vắc xin.
Đối với vắc xin cần chú ý: liệu các nhóm hoá chất bảo quản đã được kiểm tra kỹ càng hay chưa. Trong lịch sử không phải là chưa có điều đó xảy ra, đã có những thảm họa xảy ra trên thế giới do nhà sản xuất nhầm lẫn. Tất nhiên nhà sản xuất nào cũng muốn vắc xin của mình tốt nhất, nhưng cũng có thể có lô có lỗi.
Đối với kết luận về trường hợp cháu bé chết ở TPHCM vì nhồi máu cơ tim thì cũng không nên kết luận ngay là không phải tại vắc xin. Tại sao không đặt câu hỏi vì sao trẻ lại bị nhồi máu cơ tim, nếu không tiêm liệu trẻ có bị nhồi máu cơ tim hay không?
Nhiều người bậc cha mẹ hiện nay chọn cho con mình tiêm vắc xin Bỉ, Mỹ vì cho rằng sẽ toàn hơn?
Thực ra đó chỉ là thói quen, tất cả các loại vắc xin đã được lưu hành đều vượt qua mức độ yêu cầu. Tuy nhiên có một số khác biệt trong vắc xin của các nhà sản xuất như có thể vắc xin này có chất bảo quản ít hơn (ít chất bảo quản thì ít gây độc hơn) loại khác.
Loại vắc xin nội hiện đang được sử dụng cũng được đánh giá là rất tốt, thực chất vắc xin này được nhập nguyên liệu từ Hàn Quốc và đã được kiểm định chặt chẽ về chất lượng. Sau đó, khi đã phế chế và đóng lọ phải qua Viện kiểm định quốc gia một lần nữa mới được lưu hành. Vì vậy độ an toàn của vắc xin là ngang nhau.
Xin cảm ơn Giáo sư!
Một số báo đã trích đăng bài cảnh báo: Vắc xin viêm gan B có thể hủy hoại sức khỏe trẻ sơ sinh (Warning: New Hepatitis Vaccine Recs Can Devastate Newborn's Health) đăng tải trên trang web của TS Joseph Mercola, thành viên Hiệp hội các bác sĩ và nhà phẫu của Mỹ (AAPS), trong đó nhấn mạnh: "Tôi (TS Mercola đã chứng kiến hàng chục trẻ em được tiêm vắc xin trong ngày đầu tiên khi vừa chào đời và sau đó mắc chứng tự kỷ. Số khác, giống như con gái của Michael Belkin, một nhà phân tích tài chính thành công trên thị trường phố Wall thì không may mắn như vậy và chết ngay sau khi được tiêm chủng". Cùng với báo cáo: Vắc xin viêm gan B - Những điều chưa biết (Hepatitis B Vaccine - The Untold story) của Trung tâm thông tin vắc xin quốc gia Mỹ, bài báo đã đưa ra những dẫn chứng đáng sợ như:
- Khả năng bị nhiễm bệnh viêm gan B là vô cùng khó với trẻ em (chỉ 1,25% trong số bị phơi nhiễm đó sẽ thực sự bị phát bệnh nặng)
- Việc tiêm ngừa vắc xin ngay sau sinh được khuyến nghị đối với các bé sơ sinh có mẹ dương tính với viêm gan B.
- Nếu khả năng miễn dịch chỉ dài 7 năm, thì những em bé được tiêm vắc xin viêm gan B ngay lúc mới sinh có thể lại còn dễ mắc bệnh hơn ở tuổi lên 7.
- Các chuyên gia tin rằng chỉ có 10% các tai biến từ việc tiêm vắc xin được báo cáo. Nhưng chỉ với 10% đó thì trong khoảng 1990-1998 có 25.000 báo cáo cho thấy 439 trường hợp bị chết, hơn 9.000 tai biến nghiêm trọng.
- Viêm gan B là một bệnh truyền nhiễm qua máu hiếm gặp. Trong khi một đứa trẻ bị viêm gan B thì có tới 20 trường hợp bị tai biến do tiêm chủng và chỉ có 10% các tai biến là được báo cáo. Điều này có nghĩa là: Loại thuốc truyền thống gây hại cho 200 đứa trẻ chỉ để bảo vệ 1 bé khỏi bị viêm gan B.
- Ông Mayer Eisenstein đã được Ủy ban quốc gia các nhà các nhà thẩm tra y học chứng nhận về khả năng kiểm định sức khỏe cộng đồng, y tế dự phòng và sự đảm bảo chất lượng, đã chất vấn: "Ý tưởng tiêm văcxin này cho trẻ 1 ngày tuổi là hết sức vô lý. Không có bằng chứng nào cho việc này. Thực tế, tôi đã yêu cầu gặp mặt hãng sản xuất vắc xin và một đại diện đã đến gặp tôi ở Bệnh viện Nazereth tại St.Mary nơi tôi làm Chủ tịch Khoa dược và hỏi anh ta: 'Hãy cho tôi xem bằng chứng về tác dụng phụ của văcxin viêm gan B đối với trẻ em 1 ngày tuổi' - 'Chúng tôi không có gì cả. Nghiên cứu của chúng tôi chỉ thực hiện trên trẻ 5 - 10 tuổi”...
- Văcxin viêm gan B đã được Cơ quan thuốc và thực phẩm Mỹ (FDA) cấp phép mà không có bằng chứng đầy đủ về tính an toàn dài hạn, tức là chỉ theo dõi phản ứng chỉ 4 - 5 ngày sau khi tiêm vắc xin. Các em bé đã không hề được theo dõi tiếp sau vài tuần, vài tháng, hoặc vài năm khi chủng ngừa. Theo VNE |
Thanh Trầm (Thực hiện)