Vắc xin mRNA tỏ ra hiệu quả với biến chủng Ấn Độ

Cẩm Tú

(Dân trí) - Cả hai vắc xin Covid-19 mRNA của Pfizer và Moderna đều cho thấy hiệu quả đối với biến chủng virus đang hoành hành tại Ấn Độ và nhiều quốc gia khác.

Các nhà nghiên cứu đã cho biến thể B.1617.1  tiếp xúc với các mẫu huyết thanh lấy từ 15 người có kháng thể do vắc xin Moderna, 10 người có kháng thể do vắc xin Pfizer, và 24 người có kháng thể sau khi khỏi Covid-19. Kết quả cho thấy biến thể Ấn Độ kháng lại kháng thể trung hòa gấp 6,8 lần ở cả 3 nhóm. "Mặc dù vậy, đa số huyết thanh từ những người bị nhiễm và tất cả huyết thanh từ những người đã tiêm chủng đều trung hòa được biến thể B.1617.1", các nhà nghiên cứu cho biết. Biến thể sẽ còn tiếp tục tiến hóa và các nhà nghiên cứu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giám sát ảnh hưởng của các biến thể mới tới hiệu lực của vắc xin.

Người nhiễm HIV có nguy cơ bị Covid-19 nặng hơn

Người nhiễm HIV bị Covid-19 sẽ có nguy cơ cao bị bệnh nặng. Từ tháng 8 đến tháng 10 năm ngoái, các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu trên 955 bệnh nhân nhiễm HIV và 1062 bệnh nhân không nhiễm. Tỉ lệ mắc Covid-19 ở những người nhiễm HIV là 3,7% và ở những người HIV âm tính là 7.4% . Trong số 31 người nhiễm HIV và 70 người không bị nhiễm, khả năng bị Covid-19 nặng cao gấp 5,52 lần ở những người có HIV.

Trong số những người đã khỏi Covid-19, những người nhiễm HIV có mức kháng thể thấp hơn đáng kể. Điều này làm nảy sinh mối lo ngại rằng HIV làm giảm đáp ứng miễn dịch với virus và vắc xin. Các tác giả khuyên "người nhiễm HIV nên được tiếp tục theo dõi sau khi tiêm vắc xin, đo kháng thể và hoạt động tế bào T nếu có thể để đảm bảo họ có đáp ứng miễn dịch đầy đủ  để ngăn ngừa những trường hợp Covid-19 nặng.

Hiếm gặp tổn thương tim ở những bệnh nhân Covid-19 nhẹ

Một nghiên cứu nhỏ ở Anh cho thấy các trường hợp Covid-19  nhẹ ở người trưởng thành không có bệnh nền khó gây ra tổn thương tim kéo dài.

Các bác sĩ đã so sánh 74 nhân viên y tế đã khỏi Covid-19 nhẹ hoặc không triệu chứng với 75 người không bị nhiễm virus. Kết quả cho thấy 6 tháng sau khi có chẩn đoán COVID-19, cả hai nhóm đều không có sự khác nhau về cấu trúc hoặc chức năng tim.

Kết quả được công bố trên JACC: Cardiovascular Imaging cho thấy "nếu bạn là người lớn khỏe mạnh trong độ tuổi lao động và bị Covid-19 nhẹ, thì ảnh hưởng đến tim 6 tháng sau đó là rất hiếm gặp". Nghiên cứu không chứng minh rằng bị bệnh nhẹ sẽ không gây tổn thương tim, nhưng góc độ quần thể, điều này là đáng an tâm sau khi bị bệnh nhẹ.