Vắc xin Covid-19 “made in Vietnam” đang ở công đoạn nào?

Nam Phương

(Dân trí) - Hiện các nhà sản xuất vắc xin trong nước đang hoàn thiện quy trình sản xuất, chuẩn bị tiêm thử nghiệm trên người trong thời gian sớm nhất.

Là một trong 4 nhà sản xuất trong nước đang nghiên cứu, phát triển vắc xin Covid-19, TS Đỗ Tuấn Đạt, Chủ tịch Công ty TNHH một thành viên Vắc xin và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech), Bộ Y tế cho biết nhóm nghiên cứu đang trong giai đoạn tối ưu hóa quy trình sản xuất để có thể sản xuất với số lượng nhiều nhất, trong thời gian ngắn, vì đây là vắc xin đại dịch. 

Quy mô sản xuất với vắc xin thông thường là khoảng 3-5 triệu liều/năm hoặc 20-30 triệu liều/năm. Tuy nhiên với vắc xin Covid-19, mỗi năm có thể cần hàng trăm triệu liều. 

“Khi nâng công suất lên ở mức độ lớn như vậy đòi hỏi có các đánh giá rất kỹ, để làm sao có được hiệu suất sản xuất lên đến hàng trăm triệu liều trong một năm trong tình huống rất cấp bách như hiện nay. Đó là bài toán khó. Việc này cần các nhà cung cấp các thiết bị, các kỹ thuật khá mới”, TS Đạt nói. 

Vắc xin Covid-19 “made in Vietnam” đang ở công đoạn nào? - 1
Chuột được tiêm thử nghiệm vắc xin phòng Covid-19 made in Việt Nam.

Vừa qua, vắc xin do Công ty sản xuất đã được thử nghiệm trên động vật và cho kết quả ban đầu khả quan. Kháng nguyên của vắc xin cho đáp ứng miễn dịch trên động vật, đảm bảo tính an toàn và hiệu quả, phòng được Covid-19 do virus SARS-CoV-2.   

Cũng theo TS Đạt sự thành công bước đầu này khẳng định việc sản xuất vắc xin Covid-19 đã đi đúng hướng, lựa chọn công nghệ phù hợp. Công nghệ vector virus là công nghệ khá mới, ngay cả vắc xin của Nga công bố thành công cũng chính là những vector virus. 

Công nghệ vector virus cũng có lợi thế là có thể nâng công suất lên nhanh chóng trong thời gian ngắn. Điều mà với công nghệ cũ sẽ rất khó khăn. Vắc xin đại dịch để đáp ứng trong tình huống khẩn cấp cần đảm bảo các yếu tố: nhanh, nhiều, và hiệu quả, an toàn. 

Trước lo ngại về hiệu quả bảo vệ của vắc xin khi virus SARS-CoV-2 biến đổi, TS Đạt nhấn mạnh: “Với vắc xin Covid-19, chúng ta đã chọn những vùng gen (kháng nguyên cho sản xuất vắc xin) là những vùng ít biến đổi nhất, khả năng biến đổi ít nhất. Do đó, kháng nguyên của virus SARS-CoV-2 trong vắc xin sẽ có bản chất di truyền ổn định nhất của virus đó”. 

Nhờ đó, vắc xin khi lưu hành có tính ổn định, đảm bảo hiệu quả phòng bệnh. Và vắc xin đó có thể có miễn dịch chéo với các dạng đột biến khác nhau của virus.

Vắc xin Covid-19 “made in Vietnam” đang ở công đoạn nào? - 2

Vắc xin Covid-19 do Nga sản xuất. Ảnh: RDIF

Trong khi đó, vắc xin do Viện Vắc xin và Sinh phẩm y tế nghiên cứu, được phát triển trên công nghệ nuôi cấy trên trứng gà có phôi nên đã đánh giá được tính an toàn trên động vật. Viện đã gửi mẫu vắc xin sang Mỹ để đánh giá độc tính trên động vật thí nghiệm. Sắp tới sẽ sản xuất lô vắc xin để có thể tiến hành thử nghiệm trên người (thử nghiệm lâm sàng) vào cuối năm.

Phát biểu tại hội thảo gần đây về việc nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong tình trạng khẩn cấp quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cũng khẳng định sản xuất trong nước vẫn là ưu tiên hàng đầu. 

“Thời gian là điều hết sức quan trọng trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19. Chúng ta càng nhanh có vắc xin càng tốt nên có một số quy định, một số công đoạn cần rút ngắn. Rút gọn ở đây là rút gọn về thủ tục mang tính hành chính, về mặt khoa học, thời gian không được phép rút gọn. Các nhà sản xuất vẫn phải đảm bảo vắc xin toàn và hiệu quả”, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh. 

Ngày 11/8, Tổng thống Nga Vladimir Putin công bố rằng Bộ Y tế Nga đã phê chuẩn vắc xin ngừa Covid-19 đầu tiên trên thế giới. Vắc xin có tên Sputnik V và là sản phẩm của viện nghiên cứu Gamaleya hợp tác với Bộ Quốc phòng Nga.

Những liều vắc-xin đầu tiên đã được sản xuất tại nhà máy dược phẩm Binnopharm của công ty AFK Sistema. Nhà máy này dự kiến có thể tạo ra 1,5 triệu liều vắc xin mỗi năm.