1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Vắc xin Covid-19 “made in Vietnam”: 3 thách thức lớn và đòn bẩy công nghệ

Minh Nhật

(Dân trí) - Cả thế giới đã bước vào một cuộc chạy đua trong nghiên cứu, thử nghiệm, sản xuất vắc xin Covid-19, và Việt Nam cũng không nằm ngoài cuộc đua này.

Cuộc chạy đua vắc xin chưa từng có tiền lệ

Công ty TNHH một thành viên Vắc xin và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech), Bộ Y tế là 1 trong 4 nhà sản xuất trong nước đang nghiên cứu, phát triển vắc xin Covid-19. Từ góc nhìn của người trong cuộc, TS Đỗ Tuấn Đạt, Chủ tịch Vabiotech nhận định cả thế giới đang bước vào một cuộc chạy đua vắc xin đặc biệt.

Vắc xin Covid-19 “made in Vietnam”: 3 thách thức lớn và đòn bẩy công nghệ - 1

TS Đỗ Tuấn Đạt, Chủ tịch Vabiotech

Theo TS Đạt, bất kì loại vắc xin nào trước khi được đưa ra sử dụng rộng rãi trong cộng đồng đều phải trải qua quy trình chuẩn gồm 5 giai đoạn:

- Giai đoạn 1: Nghiên cứu, đánh giá, lựa chọn dự tuyển vắc xin. Giai đoạn này được thực hiện hoàn toàn trong phòng thí nghiệm.

- Giai đoạn 2: Đánh giá tiền lâm sàng trên động vật.

- Giai đoạn 3: Đánh giá lâm sàng qua 3 giai đoạn trên người ở các quy mô khác nhau.

- Giai đoạn 4 và 5: Cấp phép lưu hành vắc xin và theo dõi sau cấp phép. Sau khi vắc xin được cấp phép sử dụng trên người, các nhà nghiên cứu vẫn sẽ tiếp tục theo dõi, đánh giá để giảm bảo rằng, vắc xin đủ an toàn khi sử dụng trên người.

Để hoàn tất toàn bộ các công đoạn trên, một loại vắc xin thông thường phải cần khoảng  5-10 năm mới có thể ra đời.

Vắc xin Covid-19 “made in Vietnam”: 3 thách thức lớn và đòn bẩy công nghệ - 2

cả thế giới đang bước vào một cuộc chạy đua vắc xin đặc biệt.

“Tuy nhiên, vắc xin Covid-19 lại rất đặc biệt, bởi vì đây là vắc xin đại dịch được cả thế giới mong chờ” – TS Đạt nhấn mạnh.

Trong thời gian ngắn nhất có thể cho ra đời vắc xin Covid-19 với số lượng lớn, hiện là mục tiêu chung mà tất cả các nhà nghiên cứu, sản xuất vắc xin trên thế giới đều nhắm đến.

Gần đây nhất, Nga đã tuyên bố sản xuất được vắc xin phòng Covid-19 mang tên Sputnik 5. Đây là vắc xin Covid-19 đầu tiên trên thế giới được đăng ký lưu hành.

Vắc xin Covid-19 “made in Vietnam”: 3 thách thức lớn và đòn bẩy công nghệ - 3

Vắc xin Sputnik 5 của Nga

Theo TS Đạt, trong tình trạng khẩn cấp như đối với dịch Covid-19 hiện nay, một số nước có thể “đốt cháy giai đoạn” và cho cấp phép sử dụng vắc xin, khi chỉ mới thử nghiệm lâm sàng ở giai đoạn 2. Nếu sau khi cấp phép, vắc xin đảm bảo đủ tính an toàn, hiệu quả thì có thể được thương mại hóa ngay. Tuy nhiên, việc Nga cho ra đời Sputnik 5 thực sự đã gây bất ngờ lớn cho toàn thế giới.

Những thách thức đặt ra đối với vắc xin Covid-19

Không nằm ngoài cuộc chạy đua với thời gian để sản xuất vắc xin Covid-19, hiện tại các chuyên gia của Vabiotech đang đặt mục tiêu ít nhất đến cuối năm nay sẽ hoàn thành đánh giá khi tiến hành sản xuất ở quy mô lớn, có sản phẩm vắc xin để thử nghiệm trên động vật. Sau đó, sẽ mất ít nhất từ 1-2 tháng để hoàn thành giai đoạn đánh giá tiền lâm sàng này.

Vắc xin Covid-19 “made in Vietnam”: 3 thách thức lớn và đòn bẩy công nghệ - 4

Các nhà nghiên cứu của Vabiotech đang tiến hành lấy mẫu máu chuột để đánh giá kháng thể đáp ứng miễn dịch sau tiêm.

Chủ tịch Vabiotech đánh giá có 3 thử thách lớn trong việc cho ra đời vắc xin Covid-19, đó là:

Thời gian kể từ khi dịch bùng phát đến nay quá ngắn

Covid-19 chỉ mới bùng phát được 8 tháng. Trong khi đó, thông thường phải mất khoảng 5 năm chỉ để đánh giá vắc xin trên người.

“Chính vì vậy, chiến lược của một số quốc gia là sử dụng các nghiên cứu có sẵn, các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm hay trên động vật để ngoại suy kết quả đánh giá trên người, từ đó rút ngắn được thời gian nghiên cứu và thử nghiệm” – TS Đạt phân tích.

Thách thức từ cơn bão cytokine

Theo TS Đỗ Tuấn Đạt, an toàn chính là yếu tố cực kì quan trọng với bất kì loại vắc xin nào, được đánh giá ngay từ giai đoạn nghiên cứu đầu tiên. Vắc xin Covid-19 được nghiên cứu, thử nghiệm phải đảm bảo an toàn cho nhóm người nhạy cảm khi bị nhiễm virus SARS-CoV-2, đặc biệt là những người lớn tuổi, trẻ nhỏ, phụ nữ có thai, người mắc bệnh nền…

Vắc xin Covid-19 “made in Vietnam”: 3 thách thức lớn và đòn bẩy công nghệ - 5

TS. Đỗ Tuấn Đạt nghiên cứu vaccine COVID-19

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, Covid-19 không chỉ liên quan đến miễn dịch đơn thuần bằng kháng thể, mà còn liên quan rất nhiều đến miễn dịch tế bào, đây vốn là nguồn gốc của những đáp ứng mạnh mẽ của cơ thể, khi nhận diện được kháng nguyên của virus SARS-CoV-2.

Trên thực tế, nhiều bệnh nhân Covid-19 đã phải đối mặt với cơn bão cytokine khi có đáp ứng quá mức của miễn dịch tế bào, khiến các cơ quan bị tàn phá bởi chính đội quân bảo vệ cơ thể.

“Chính vì lý do này, việc nghiên cứu vắc xin Covid-19 phải được thực hiện cực kỳ thận trọng. Một người khi được tiêm vắc xin phải đảm bảo sự cân bằng giữa đáp ứng miễn dịch bằng kháng thể và miễn dịch tế bào. Trong khi đó, nhiều loại vắc xin thông thường chỉ cần đánh giá đơn thuần về mặt kháng thể” – TS Đạt cho hay.

Hiệu quả bảo vệ của vắc xin Covid-19 còn để ngỏ

“Theo quan điểm của tôi, vấn đề quan trọng nhất của vắc xin là phải đạt được hiệu quả bảo vệ” – TS Đạt nhấn mạnh.

Vắc xin Covid-19 “made in Vietnam”: 3 thách thức lớn và đòn bẩy công nghệ - 6

Chuột được tiêm thử nghiệm vắc xin phòng Covid-19 "made in Vietnam"

Theo chuyên gia này, hiện tại còn nhiều câu hỏi đang bỏ ngỏ về hiệu quả của vắc xin Covid-19. Đơn cử, vắc xin phải có hiệu quả bảo vệ trong thời gian dài, ít nhất là 6 tháng. Trong khi đó, cho đến hiện nay, các nghiên cứu vắc xin Covid-19 chỉ dừng lại ở 2-3 tháng.

“Vắc xin phòng Covid-19 của Nga cũng như một số các quốc gia khác đã thử nghiệm qua 2 giai đoạn nhưng chưa có dữ liệu đánh giá về hiệu quả bảo vệ của vắc xin” – TS Đạt lấy dẫn chứng.

Công nghệ: “Đòn bẩy” trong sản xuất vắc xin Covid-19

“Vắc xin Covid-19 là vắc xin của đại dịch. Do đó, chúng ta cần phải sản xuất thật nhanh, nhiều và rẻ, trong thời gian ngắn nhất tạo miễn dịch cộng đồng, chứ không thể chờ đợi nhiều năm trời như các loại vắc xin đơn thuần”, đó là chia sẻ của TS Đạt về những yêu cầu được đặt ra trong nhiệm vụ sản xuất vắc xin Covid-19 “made in Vietnam”.

Vắc xin Covid-19 “made in Vietnam”: 3 thách thức lớn và đòn bẩy công nghệ - 7

Theo TS Đạt, công nghệ chính là “đòn bẩy” quan trọng để rút ngắn thời gian ra đời của vắc xin Covid-19.

Theo đó, thay vì các công nghệ cổ điển để sản xuất vắc xin như sử dụng virus bất hoạt, virus sống giảm độc lực, hiện tại Vabiotech đang ứng dụng công nghệ mới mang tên vector virus.

Chuyên gia này phân tích, bản chất của công nghệ vector virus là cài vùng gen của virus gây bệnh vào virus không gây bệnh để đưa kháng nguyên vào cơ thể, tạo đáp ứng miễn dịch.

Đánh giá về tính ưu việt của công nghệ mới này, TS Đạt nói: “Vector virus giúp tận dụng kinh nghiệm trong sản xuất các loại vắc xin truyền thống, đồng thời tiếp cận với công nghệ tái tổ hợp, để tạo các kháng nguyên protein sẵn có để tiêm vào cơ thể”.

Vắc xin Covid-19 “made in Vietnam”: 3 thách thức lớn và đòn bẩy công nghệ - 8

Với vắc xin Covid-19, mỗi năm có thể cần hàng trăm triệu liều

“Vừa tiếp cận được cái mới, vừa tận dụng được cái cũ là điều rất cần thiết cho những nước đang phát triển, tiếp cận dạng vắc xin đại dịch như Covid-19”.

Cùng với đó, phải dựa vào sự nâng cấp công nghệ, kỹ thuật mới và các thiết bị hiện đại, để giải quyết bài toán nâng quy mô sản xuất vắc xin lên hàng chục lần so với hiện tại, để kịp thời đáp ứng nhu cầu “khổng lồ”.

Về vấn đề này, TS Đạt chia sẻ thêm: “Quy mô sản xuất với vắc xin thông thường là khoảng 3-5 triệu liều/năm hoặc 20-30 triệu liều/năm. Tuy nhiên, với vắc xin Covid-19, mỗi năm có thể cần hàng trăm triệu liều”.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm