1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Uống thuốc nguyên vỏ, người đàn ông 34 tuổi cầu cứu bác sĩ

(Dân trí) - Trời tối, người đàn ông ở Quảng Yên, Quảng Ninh vô tình uống viên thuốc còn nguyên vỏ khiến anh bị đau vùng cổ, vùng ngực.

Anh Hoàng Văn N. cho biết trước đó tại nhà anh có uống thuốc, song do có nhiều loại thuốc khác nhau, trời tối nên anh vô tình uống phải viên thuốc còn nguyên vỏ. Sau đó anh thấy bị đau vùng cổ, vùng ngực. Ngay lập tức anh đến Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí kiểm tra.

Uống thuốc nguyên vỏ, người đàn ông 34 tuổi cầu cứu bác sĩ - 1
Viên thuốc nguyên vỏ được lấy ra từ thực quản người bệnh,

Tại Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, các bác sĩ đã tiến hành các xét nghiệm, chụp X.quang tim phổi. Song kết quả đều bình thường, không thấy hình ảnh phản quang. Nội soi tai mũi họng cũng không phát hiện dị vật.

Sau đó, bác sĩ quyết định nội soi dạ dày thực quản ống cứng tìm dị vật. Khi tiến hành nội soi thực quản đến vị trí cách cung răng trên 20 cm thì phát hiện dị vật là một viên thuốc còn nguyên vỏ 4 cạnh sắc nhọn. Các bác sĩ tiến hành gắp dị vật, đồng thời kiểm tra tại lòng thực quản vị trí mắc dị vật thì phát hiện có xây xước niêm mạc.

Theo bác sĩ chuyên khoa 1 Phạm Thị Hồng Vân, khoa Tai mũi Họng Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, với tính chất sắc nhọn của mảnh vỉ thuốc, nếu không lấy ra kịp thời có thể gây tổn thương đâm thủng thực quản. Thậm chí có thể gây các vết xước, rách hoặc chảy máu tại nhiều vị trí khác mà nó tiếp xúc.

Trước đó, các bác sĩ Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội) cũng tiến hành nội soi thực quản gắp dị vật là một viên thuốc còn nguyên vỏ cho một cụ già 76 tuổi. Bệnh nhân đến khám trong tình trạng nuốt đau, vướng vùng cổ sau khi uống thuốc huyết áp hàng ngày.

Sau khi thăm khám và nội soi tai mũi họng, các bác sĩ phát hiện bệnh có dị vật vùng thực quản. Quá trình nội soi lấy dị vật tương đối khó khăn do bệnh nhân cao tuổi. Các bác sĩ mất đến 10 phút mới lấy được viên thuốc huyết áp còn nguyên vỏ khá sắc trong lòng thực quản.

Rất may viên thuốc chưa gây tổn thương lòng thực quản. Theo gia đình bệnh nhân, đây là viên thuốc con cụ cắt ra từ vỉ với mục đích chia liều cho cụ uống.

Nuốt dị vật là một vấn đề thường gặp với trẻ em ở lứa tuổi từ 6 tháng đến 5 tuổi, nhưng cũng có thể gặp ở những lứa tuổi khác. Với trẻ lớn và người lớn thì nuốt dị vật ít xảy ra hơn nhưng không phải không có. Nó thường xảy ra một cách vô ý. 

Bác sĩ khuyến cáo khi uống thuốc, người bệnh cần uống từ từ và bóc hết vỏ nhựa, vỏ nhôm để tránh những trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra.

Với những bệnh nhân bị sặc hoặc hóc dị vật, cần đến bệnh viện hoặc các cơ sở y tế chuyên khoa để kiểm tra và xử lý kịp thời, tránh các biến chứng có thể xảy ra như rách, xước đường thở, đường tiêu hóa, gây nhiễm trùng, áp-xe…

Người bệnh không nên cố nuốt dị vật, người  thân không nên móc dị vật ra, hoặc dùng các dụng cụ khác để lấy dị vật, không sử dụng các cách chữa mẹo dân gian để lấy dị vật... Bên cạnh đó, không được sử dụng thủ thuật Heimlich hoặc gây nôn vì sẽ gây tổn thương thêm (chỉ áp dụng đối với trường hợp hóc dị vật là những vật tròn, nhỏ, không sắc cạnh và chưa đi sâu vào trong phế quản).

 Hà An