Uống aspirin, vitamin có ngừa được ung thư không?

Hà An

(Dân trí) - Ung thư không phải là một bệnh riêng lẻ mà là một nhóm các bệnh liên quan. Nhiều yếu tố trong gen, lối sống và môi trường xung quanh chúng ta có thể làm tăng hoặc giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư.

Các nhà khoa học đang nghiên cứu nhiều cách khác nhau để giúp ngăn ngừa ung thư. Nhiều người cho rằng uống aspirin, vitamin tổng hợp có thể giúp ngăn ngừa ung thư. Vậy thực hư điều này như thế nào?

Aspirin không được chứng minh có thể ngăn ngừa hầu hết các bệnh ung thư

Uống aspirin, vitamin có ngừa được ung thư không? - 1

Ảnh: News Medical.

Theo Viện Nghiên cứu Ung thư Hoa Kỳ, Aspirin đã được nghiên cứu như là biện pháp phòng ngừa hóa học. Các nghiên cứu cho thấy các kết quả khác nhau nhưng hầu hết đều chỉ ra rằng nó không thể ngăn ngừa ung thư. Tuy nhiên, có bằng chứng cho thấy dùng aspirin trong thời gian dài có thể ngăn ngừa ung thư đại trực tràng ở một số người.

Kết quả từ một thử nghiệm ngẫu nhiên cho thấy dùng aspirin có thể khiến ung thư phát triển nhanh hơn ở người cao tuổi, nhưng cần theo dõi lâu hơn để xác nhận những kết quả này. Chảy máu đường tiêu hóa hoặc não là một tác dụng phụ của aspirin.

Mặc dù aspirin không được chứng minh là làm giảm nguy cơ mắc hầu hết các bệnh ung thư, nhưng nó có rất nhiều công dụng, bao gồm cả việc giúp giảm nguy cơ tử vong do bệnh tim. Trước khi bắt đầu sử dụng aspirin lâu dài, điều quan trọng là bạn phải nói chuyện với bác sĩ của bạn về những lợi ích và tác hại liên quan.

Các chất bổ sung vitamin và thực phẩm chức năng không được chứng minh có thể ngăn ngừa ung thư

Hiện không có đủ bằng chứng cho thấy việc bổ sung vitamin tổng hợp và khoáng chất hoặc vitamin hoặc khoáng chất đơn lẻ có thể ngăn ngừa ung thư. Các loại vitamin và chất bổ sung khoáng chất sau đây đã được nghiên cứu, nhưng không được chứng minh là làm giảm nguy cơ ung thư: vitamin B6, B12, E, C, D, beta caroten, axít folic, selen.

Thử nghiệm về khả năng phòng ngừa ung thư của selen và vitamin E cho thấy rằng chỉ uống một mình vitamin E sẽ làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt. Dùng selen cùng với vitamin E hoặc chỉ dùng selen không làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt.

Vitamin D cũng đã được nghiên cứu để xem liệu nó có tác dụng chống ung thư hay không. Da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời có thể tạo ra vitamin D. Vitamin D cũng có thể được tiêu thụ trong chế độ ăn uống và trong thực phẩm chức năng. Uống vitamin D với liều lượng từ 400-1100 IU / ngày không được chứng minh là làm giảm hoặc tăng nguy cơ ung thư.