Ung thư tụy và bệnh tiểu đường

Hà An

(Dân trí) - Bệnh ung thư tụy và quá trình điều trị có thể gây ra tiểu đường. Các tế bào ung thư khi phát triển ở tụy sẽ làm tổn thương các mô. Cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ tuyến tụy cũng làm tăng đường trong máu.

Bệnh tiểu đường là gì?

Bệnh tiểu đường là tình trạng cơ thể không thể tự sản xuất hoặc không thể sử dụng đúng cách insulin - một loại hormone được tuyến tụy sản sinh để kiểm soát lượng đường (glucose) trong máu. Glucose là thành phần quan trọng để duy trì hoạt động sống của cơ thể, được sử dụng cho quá trình tạo năng lượng bên trong tế bào và insulin chính là nhân tố giữ vai trò "vận chuyển" glucose từ máu vào nội bào.

Khi người bệnh bị tiểu đường, do thiếu hụt hoặc hạn chế hoạt động của insulin (kháng insulin) mà glucose không thể di chuyển vào tế bào dẫn đến lượng đường trong máu tăng. Theo thời gian, tình trạng tăng đường huyết này có thể làm hư tổn các cơ quan, mạch máu và dây thần kinh.

Ung thư tụy và bệnh tiểu đường - 1

Mối liên hệ giữa ung thư tụy và bệnh tiểu đường

Theo bác sĩ Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, bệnh ung thư tụy và quá trình điều trị ung thư tụy có thể gây ra tiểu đường. Các tế bào ung thư khi phát triển ở tụy sẽ làm tổn thương các mô. Bệnh nhân cũng có thể cần phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ tuyến tụy như một phần của quá trình điều trị (được gọi là "thủ thuật Whipple"). Cả hai điều này đều có thể ảnh hưởng đến lượng insulin mà tuyến tụy tạo ra, từ đó dẫn đến tăng lượng đường trong máu.

Tình trạng tăng đường huyết có hết sau khi điều trị không?

Lượng đường trong máu có thể trở lại bình thường sau khi điều trị ung thư nếu nguyên nhân là do dùng thuốc ví dụ như steroid. Ngược lại, việc tăng đường huyết sẽ tiếp diễn nếu bệnh nhân đã cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ tuyến tụy.

Thay đổi lối sống và dùng thuốc có thể giúp ổn định đường huyết. Các chuyên gia dinh dưỡng có thể giúp người bệnh  thay đổi chế độ ăn và lối sống để đường huyết ổn định. Nếu đang dùng thuốc điều trị tiểu đường, người bệnh cần đảm bảo sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ.

Chế độ ăn uống ảnh hưởng đến lượng đường trong máu như thế nào?

Thức ăn có thể làm thay đổi nồng độ đường trong máu, đặc biệt là thực phẩm có chứa carbohydrate. Carbohydrate phân giải thành đường trong cơ thể và khiến lượng glucose trong máu bạn tăng lên. Thực phẩm giàu carbohydrate là một phần quan trọng của chế độ ăn uống lành mạnh, không chỉ là nguồn năng lượng chính của cơ thể mà còn cung cấp rất nhiều chất xơ, vitamin A, vitamin C, kali và canxi. Người bệnh không cần phải ngừng ăn carbohydrate nếu bị tiểu đường. Thay vào đó, có thể cải thiện lượng đường trong máu bằng cách thay đổi loại và lượng carbohydrate ăn vào.

Lưu ý, trong thời gian điều trị ung thư, bạn đừng cố gắng kiểm soát lượng đường trong máu bằng cách nhịn ăn hay ăn ít thức ăn hơn. Việc ăn đủ protein và năng lượng trong khi điều trị là rất quan trọng để giúp cơ thể có đủ sức khỏe.

Nếu bị sụt cân hoặc gặp khó khăn trong việc ăn uống, người bệnh cần nói chuyện với chuyên gia dinh dưỡng. Người bệnh có thể cần ăn những thực phẩm giàu năng lượng khiến lượng đường máu tăng lên. Bác sĩ điều trị ung thư có thể giúp người bệnh kiểm soát tình trạng tiểu đường, ví dụ, họ có thể đề nghị thay đổi loại thuốc điều trị.