Ung thư phổi: Những dấu hiệu cảnh báo bạn cần biết

Hà An

(Dân trí) - Ung thư phổi thường không có triệu chứng trong giai đoạn đầu. Khi các dấu hiệu bắt đầu xuất hiện, chúng có thể bao gồm cơn ho kéo dài, đôi khi kèm chất nhầy có máu, đau ngực kéo dài, khàn tiếng…

Ở giai đoạn đầu, hầu hết các trường hợp mắc ung thư phổi đều không có triệu chứng điển hình nên rất khó nhận biết, dễ gây nhầm lẫn với một số bệnh lý đường hô hấp khác. Đến khi một số triệu chứng bộc lộ rõ rệt như ho dai dẳng, ho ra máu, khó thở, đau tức ngực… thì bệnh thường đã ở giai đoạn muộn, việc điều trị trở nên khó khăn hơn. 

Triệu chứng hay gặp nhất của ung thư phổi là ho kéo dài. Khó thở, ho có đờm lẫn máu và đau ngực cũng có thể là dấu hiệu chỉ điểm của ung thư phổi. Một thời gian sau người bệnh có thể gầy sút, mệt mỏi, thở nông, khàn giọng, khó nuốt, đau xương, thở khò khè, tràn dịch màng phổi.

Ung thư phổi: Những dấu hiệu cảnh báo bạn cần biết - 1

Phát hiện sớm ung thư phổi sẽ giúp cho quá trình điều trị đạt hiệu quả tối đa (Ảnh: BVCC). 

TS.BS Nguyễn Khắc Kiểm, Trưởng khoa Ngoại lồng ngực, Bệnh viện K cho biết ho kéo dài, thỉnh thoảng khạc ra cục máu đông, dây máu đây là biểu hiện bất thường của đường hô hấp có thể đường hô hấp trên, đường hô hấp dưới. Tuy nhiên, đây cũng là bất thường giống đặc điểm của ung thư phổi. Cụ thể, bệnh nhân thường ho ra máu với số lượng ít, không nhiều, thỉnh thoảng dây máu, máu cục lẫn đờm, ho khan, thỉnh thoảng có đau tức ngực không điển hình.

Dưới đây là một số dấu hiệu cảnh báo của ung thư phổi:

- Ho mãn tính, ho khan, đôi khi kèm chất nhầy có máu.

- Nhiễm trùng đường hô hấp tiếp tục tái phát, bao gồm viêm phế quản hoặc viêm phổi.

- Khó thở trở nên tồi tệ hơn.

- Thở khò khè.

- Đau ngực kéo dài.

- Khàn tiếng.

- Sưng cổ và mặt.

- Đau và yếu ở vai, cánh tay hoặc bàn tay.

- Mệt mỏi, suy nhược, sụt cân, sốt liên tục, đau đầu dữ dội và đau cơ thể.

- Khó nuốt.

Những triệu chứng này thường xảy ra do đường thở bị tắc nghẽn hoặc do ung thư đã di căn xa hơn vào phổi, các khu vực lân cận hoặc các bộ phận khác của cơ thể.

Nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào, đặc biệt là ho liên tục, chất nhầy có vệt máu, thở khò khè, khàn giọng hoặc nhiễm trùng phổi tiếp tục tái phát, hãy đến gặp bác sĩ. Bạn sẽ được kiểm tra kỹ lưỡng và cũng có thể chụp X-quang hoặc các xét nghiệm khác.

Phát hiện sớm ung thư phổi sẽ giúp cho quá trình điều trị đạt hiệu quả tối đa. Vì vậy việc phòng và phát hiện sớm bệnh ung thư phổi luôn được đặt lên hàng đầu. Nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm, bệnh nhân có thể được phẫu thuật để kéo dài sự sống, tỷ lệ sống trên 5 năm xấp xỉ 44,5%. Với người bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối tiên lượng sẽ kém hơn nhiều.  

Để phòng chống bệnh ung thư phổi, bạn không nên hút thuốc lá, đồng thời khám sức khỏe định kỳ, khám tầm soát phát hiện sớm bệnh. Ngoài ra, việc giữ thói quen sinh hoạt khoa học, bổ sung chế độ dinh dưỡng hợp lý, kết hợp vận động, tập luyện thể thao đều đặn, cải thiện vệ sinh môi trường nhất là khu công nghiệp và tránh tiếp xúc với khói bụi cũng là biện pháp ngăn ngừa ung thư phổi hiệu quả.