Ung thư gan được điều trị bằng những phương pháp nào?

(Dân trí) - Ung thư tế bào gan là một trong năm loại ung thư thường gặp tại Việt Nam, gây ra gánh nặng cho xã hội. Hiện đã có nhiều phương pháp điều trị ung thư gan, trong đó dùng vi sóng ở giai đoạn sớm và ghép gan ở giai đoạn muộn đang mang lại kết quả khả quan.

Ung thư tế bào gan là ung thư nguyên phát của gan. Ở nước ta, đây là loại ung thư thường gặp nhất tỷ lệ nam giới mắc bệnh cao gấp 3 lần nữ giới. Tuy nhiên, ung thư gan thường diễn tiến âm thầm với dấu hiệu khởi phát bệnh mờ nhạt như ăn không ngon, ăn khó tiêu, mệt, cảm giác nặng ở bờ sườn bên phải. Những biểu hiện trên không điển hình nên người bệnh thường chủ quan không đi thăm khám, khó phát hiện sớm khiến việc điều trị trở nên khó khăn. 

Ung thư gan được điều trị bằng những phương pháp nào? - 1

Ung thư gan thường diễn tiến âm thầm nên người bệnh thường phát hiện trễ gây khó khăn cho điều trị

Theo GS Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, ung thư gan thường được phát hiện qua siêu âm, có thể là siêu âm theo chỉ định hoặc siêu âm tầm soát các bệnh lý khác nhưng tình cờ phát hiện bất thường ở gan. Bác sĩ sẽ thấy một khối bướu trong gan, xét nghiệm thấy lượng chất protein huyết tương lên cao, chỉ số kháng nguyên bề mặt viêm gan B cũng lên cao. Trên hình ảnh cắt lớp điện toán và cộng hưởng từ có thể thấy rõ khối bướu trong gan, việc lấy mẫu sinh thiết dễ dàng phát hiện bướu lành hay ác tính. 

Ung thư gan đã và đang được điều trị bằng nhiều phương pháp khác nhau tùy vào tình trạng bệnh và khả năng tài chính của bệnh nhân. Ở những bệnh nhân được phát hiện, điều trị sớm khi phần gan lành còn tốt thì phương án cổ điển, khả thi nhất là thực hiện mổ cắt phần gan bệnh, lấy trọn khối bướu sau đó tiến hành xạ trị, hóa trị sẽ mang lại nhiều cơ hội bình phục hoàn toàn. 

Nhóm bệnh nhân phát hiện bệnh trễ, gan đã bị xơ hóa, điều trị không thể phục hồi thì giải pháp phẫu thuật cắt gan toàn phần và ghép gan sẽ tăng thêm cơ hội sống cho người bệnh. Tuy nhiên, phương pháp này đòi hỏi phải có nguồn gan tương thích được hiến tặng. Bên cạnh đó, việc phẫu thuật cắt gan, lấy gan hiến, ghép gan, hậu phẫu, sử dụng thuốc chống thải ghép… chi phí tốn kém nên người bệnh cần phải có năng lực tài chính tốt. 

Ngoài ra, còn nhiều giải pháp khác trong ứng dụng điều trị ung thư gan như phá hủy bướu bằng sóng radio cao tần, phẫu thuật đông lạnh, xạ trị, hóa trị, nút TOCE tắc mạch và thuốc sorafenib, tiêm cồn dưới da hoặc liệu pháp nhắm trúng đích dành cho những bệnh nhân giai đoạn muộn khi ung thư gan không còn cắt được. 

Tại Bệnh viện Ung Bướu, TPHCM từ năm 2017 đến nay đã ứng dụng phương pháp phá hủy u tại chỗ bằng vi sóng tiêu diệt ung thư tế bào gan giai đoạn sớm (một u nhỏ hơn 2cm) đang mang lại hiệu quả khả thi. 

Ung thư gan được điều trị bằng những phương pháp nào? - 2
Ghép gan là giải pháp đang ngày càng phổ biến trên những ca bệnh giai đoạn muộn

Phương pháp này được thực hiện dưới sự hướng dẫn của đầu dò siêu âm, một kim phát vi sóng được đâm xuyên qua da vào đến trung tâm khối u. Trường vi sóng phát ra từ kim làm các phân tử nước trong khối u dao động với tần số 2-5 tỷ lần/giây, ma sát do dao động của các phân tử nước khiến nhiệt độ trong khối u tăng cao làm cho các tế bào khối u hoại tử đông đặc và chết đi.

Sau thời gian phá hủy u tại chỗ từ 15 đến 30 phút (tùy kích thước của u), bệnh nhân sẽ được chuyển về phòng bệnh theo dõi và xuất viện sau hai ngày nếu chụp CT bụng đánh giá khối u đã bị hủy hoàn toàn. Nếu khối u chưa bị hủy hoàn toàn, bệnh nhân sẽ được thực hiện kỹ thuật vi sóng lần hai để phá hủy hoàn toàn khối u. 

Bệnh nhân có u gan đã bị hủy hoàn toàn sẽ được theo dõi định kỳ nhằm phát hiện tái phát tại chỗ, hoặc phát hiện một khối u mới trong gan để sớm có phương pháp điều trị thích hợp. Ngoài ung thư tế bào gan, vi sóng đã được dùng để điều trị phá hủy u tại chỗ các bệnh nhân ung thư di căn gan, ung thư phổi nguyên phát hoặc thứ phát, bướu thận hoặc bướu tuyến thượng thận, ung thư di căn xương. Gần đây, vi sóng cũng bắt đầu được triển khai trong điều trị các bướu giáp hạt lành tính, thay cho phẫu thuật.

Tuy nhiên, phương pháp vi sóng cũng có tỷ lệ khoảng 2 đến 3% bệnh nhân nguy cơ gặp các biến chứng xuất huyết, áp xe, tổn thương cơ quan lân cận, suy gan và tràn khí màng phổi. Tỷ lệ tái phát trong 5 năm khoảng 60 đến 75%, thời gian sống còn sau 5 năm khoảng 50 đến 60%. 

Vân Sơn