Ung thư đại tràng - đừng để mắc rồi mới cuống cuồng đi chữa

(Dân trí) - Ung thư đại tràng là căn bệnh đứng hàng đầu ở đường tiêu hóa. Các chuyên gia đều khuyến nghị một chế độ ăn uống, vận động khoa học lành mạnh để hạn chế, tránh xa căn bệnh nguy hiểm này.

Ung thư đại tràng - đừng để mắc rồi mới cuống cuồng đi chữa - 1
 
Ung thư đại tràng là căn bệnh thường gặp ở các nước phát triển, và có xu hướng gia tăng ở các nước đang phát triển. Hàng năm trên thế giới có khoảng 1,3 triệu người mắc mới và 600 nghìn trường hợp chết vì căn bệnh này.
Tại Việt Nam ung thư đại trực tràng đang đứng hàng thứ 5 sau ung thư vú, dạ dày, phổi và ung thư cổ tử cung.
Theo các bác sĩ, ung thư đại tràng thường phát triển âm thầm trong nhiều năm, nó khởi đầu bằng một tổn thương gọi là polyp, khoảng 5 đến 10 năm sau, polyp phát triển trở thành ung thư. Trên 95% các ung thư đại tràng là loại ung thư tế bào tuyến, 5% còn lại là ung thư hiếm gặp xuất phát từ các loại tế bào ở đại tràng.

Ung thư đại tràng không lây nhiễm, song những năm gần đây bệnh được phát hiện ngày càng nhiều. Ung thư đại tràng thường diễn tiến âm thầm nên khi có dấu hiệu rõ ràng như: táo bón, tiêu chảy, đau quặn bụng, đi cầu ra dịch nhầy lẫn máu... thì đã chuyển sang giai đoạn nặng. Ung thư đại trạng nếu không được phát hiện sớm sẽ gây biến chứng tắc ruột, viêm phúc mạc, di căn dẫn tới tử vong.

Khoa học bước đầu nhận định căn bệnh này có liên quan đến các yếu tố lối sống và di truyền. Ở những người có chế độ ăn nhiều chất béo, nhiều thịt đỏ như thịt bò, thịt heo (lợn), thực phẩm chiên nướng, uống rượu bia nhưng ăn ít chất xơ, rau củ quả có thể gia tăng nguy cơ mắc ung thư đại tràng.

Các yếu tố khác như hút thuốc lá, ít vận động, béo phì cũng tăng tình trạng mắc bệnh này. Bên cạnh đó, những người có tiền sử gia đình mắc bệnh thường có nguy cơ cao hơn người bình thường.

Theo khuyến cáo của các nhà chuyên môn, cộng đồng có thể giảm nguy cơ mắc bệnh bằng một chế độ ăn hợp lý giàu chất xơ như rau củ quả, hạn chế chất béo, giảm thuốc lá, rượu bia, tăng cường vận động; những người có tiền sử thân nhân trong gia đình mắc bệnh, người có yếu tố nguy cơ cần chú ý thăm khám định kỳ để phát hiện bệnh và điều trị kịp thời.  

BK

Tổng hợp